"Săn mồi" trong xuất bản học thuật: Một nghiên cứu trắc lượng từ cơ sở dữ liệu Scopus và khuyến nghị

Từ những năm 1990, cùng với sự phát triển của Internet và khoa học mở, thì một chủ đề nổi lên thu hút được sự quan tâm của giới học giả đó là “predatory journal” hay “predatory publishing”. Để có thể có cái nhìn khái quát về chủ đề này, bài viết này sẽ trình bày kết quả phân tích 869 tài liệu liên quan đến “săn mồi trong xuất bản học thuật” (predator in scientific publication-PSP) trên cơ sở dữ liệu của Scopus từ năm 2012 đến hết tháng 3/2022 thông qua phương pháp phân tích trắc lượng khoa học.

1. Mở đầu

Số lượng các tạp chí săn mồi đã tăng lên nhanh chóng hằng năm (Bagues et al., 2019) và theo báo cáo gần đây nhất vào năm 2021 của Cabell thì có tới hơn 15.000 tạp chí như thế (Cabells, 2021). Những thông tin về predatory conferences còn chưa được nghiên cứu nhiều, nhưng cũng là một hiện tượng tương tự, một vết đen của xuất bản khoa học, ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất bản học thuật như sự kiện về predatory journal (Pecorari, 2021). Tình trạng này được coi là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay trong truyền thông khoa học (Machacek & Srholec, 2021) và là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khoa học (Taylor, 2021). Sự phát triển về của PSP xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như lĩnh vực educational science (Sureda‐Negre et al., 2022); lĩnh vực Sinh học (Cohen et al., 2019); Y-Sinh học (Clemons et al., 2017) and Khoa học thư viện (Lund & Wang, 2020), Điều dưỡng học (Teixeira da Silva, 2021).

Phân tích trắc lượng khoa học đã được sử dụng rộng rãi để phân tích sự phát triển khoa học của các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như giáo dục đại học (Hallinger & Chatpinyakoop, 2019), phát triển bền vững (Hallinger & Nguyen, 2020), khoa học xã hội (Ha và cộng sự, 2020; Phạm, H. -H. và cộng sự, 2020) và giáo dục toán học (Phan và cộng sự, 2022). Tuy nhiên, hiện nay chưa có công bố nào sử dụng phương pháp này để nghiên cứu về PSP trong công bố khoa học.

Do đó, nghiên cứu này nhằm mục đích lấp đầy khoảng trống này bằng cách tìm kiếm và phân tích các tài liệu được xuất bản trong một thập kỷ qua về chủ đề PSP. Cụ thể, nghiên cứu này sẽ nhằm trả lời bốn câu hỏi nghiên cứu (CHNC) sau:

CHNC1. Tổng khối lượng, quỹ đạo tăng trưởng và phân bố địa lý trong các tài liệu PSP là gì?

CHNC2. Tác giả và nhóm nghiên cứu nào đã có tác động lớn nhất đến tài liệu PSP?

CHNC3. Những nguồn xuất bản (tạp chí) nào có tác động lớn nhất trong tài liệu về PSP?

CHNC4. Các chủ đề quan trọng nhất trong tài liệu PSP là gì?

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

Kỹ thuật phân tích thư mục có thể có nhiều lợi thế trong việc rút ra một số kết luận định lượng về các nghiên cứu trong một lĩnh vực nhất định. Để thực hiện nghiên cứu này, các phân tích sinh trắc học được thực hiện trong phần mềm VOSviewer (bản 1.6.18) bao gồm 1) phân tích đồng tác giả (co-authorship analysis); 2) phân tích đồng trích dẫn từ khoá, tác giả và tài liệu (co- citation analysis), và 3) phân tích đồng xuất hiện từ khoá (co-occurrence keyword).

1) Thông qua phân tích đồng tác giả giữa các tác giả có thể tiết lộ về sự hợp tác của các tác giả trong nghiên cứu. Đồng thời, theo cách này, phân tích đồng tác giả dựa trên quốc gia có thể cho thấy bức tranh về sự hợp tác của các quốc gia khác nhau trong nghiên cứu về một lĩnh vực nhất định.

2) Phân tích trích dẫn từ lâu đã được sử dụng để xác định các tác giả và tài liệu nổi bật trong các lĩnh vực kiến ​​thức (Zupic & Čater, 2015). Đồng trích dẫn xảy ra khi hai tài liệu nhận được trích dẫn từ cùng một tài liệu thứ ba. Phân tích đồng trích dẫn tác giả cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách tác giả kết nối ý tưởng giữa các tác phẩm đã xuất bản (Chen và cộng sự, 2001). Khi hai tác giả thường xuyên được các tác giả trích dẫn khác nhau (tức là đồng trích dẫn), họ có xu hướng chia sẻ tương đồng về trí tuệ (Small, 1973). Do đó, phân tích đồng trích dẫn được sử dụng trong nghiên cứu này để phát hiện “cấu trúc trí tuệ” của cơ sở tri thức PSP (Hallinger, & Suriyankietkaew, 2018).

3) Trong mạng đồng xuất hiện từ khóa, mỗi từ khóa được biểu diễn dưới dạng một nút và mỗi đồng xuất hiện của một cặp từ được biểu thị dưới dạng một liên kết. Số lần một cặp từ đồng xuất hiện trong nhiều bài báo tạo nên sức nặng của liên kết kết nối cặp từ (Radhakrishnan và cộng sự, 2017). Phân tích từ khóa đồng xuất hiện cho thấy các từ khóa phổ biến nhất xuất hiện trong các tài liệu được phân tích để kết luận rằng các tài liệu nhất định có cùng chủ đề và có liên quan nếu chúng chia sẻ một số từ khóa được xác định trong phần từ khóa (Lozano et cộng sự, 2019; Radhakrishnan và cộng sự, 2017). Thông qua việc phân tích sự đồng xuất hiện của các từ khóa trong nghiên cứu về PSP theo thời gian, nhà nghiên cứu có thể xác định các chủ đề quan tâm, có liên quan đến nhau cũng như khám phá cấu trúc chủ đề, xác định các chủ đề quan tâm nghiên cứu nhất và cũng tiết lộ xu hướng nghiên cứu trong chủ đề (Zupic & Čater, 2015). Radhakrishnan et al. (2017) cũng khẳng định rằng, kĩ thuật phân tích này có thể thực hiện nhanh chóng, trên một lượng lớn tài liệu, cho ra một một bản đồ kiến ​​thức và những hiểu biết sâu sắc trước khi thực hiện một bài đánh giá có hệ thống truyền thống nghiêm ngặt.

Để thu thập dữ liệu, nghiên cứu này đã tuân theo các nguyên tắc và quy trình thu thập dữ liệu PRISMA (Preferred Reporting Items for Systematic Reviews and Meta-Analyses) như đã thực hiện bởi Hallinger & Nguyen (2020) và (Mohamed et al., 2020). Dữ liệu được tải về từ cơ sở dữ liệu Scopus ngày 29 tháng 4 năm 2022 theo cú pháp tìm kiếm như sau: TITLE-ABS-KEY ( ( "predatory journal" )  OR  ( "Beall's list" )  OR  ( "predatory publishing" ) OR  ( "predatory publisher" ) OR  ( "predatory conference" ) )  AND  ( LIMIT-TO ( LANGUAGE ,  "English" ) ). Kết quả là chúng tôi đã tìm thấy và tải xuống cơ sở dữ liệu gồm 877 tài liệu. Sau khi lọc theo quy trình, chúng tôi thu được 869 tài liệu đã đủ điều kiện để tiến hành phân tích.

2.2. Trả lời các câu hỏi nghiên cứu

CHNC1. Tổng khối lượng, quỹ đạo tăng trưởng và phân bố địa lý trong tài liệu PSP như thế nào?

Trong tiểu mục này, chúng tôi trình bày các kết quả liên quan đến câu hỏi nghiên cứu đầu tiên. Cụ thể, quy trình tìm kiếm và xác định PRISMA bốn bước của chúng tôi đã chọn ra được tổng số 869 tài liệu liên quan đến PSP, trong đó 506 bài báo (bài báo và bài tổng quan, chiếm 58,22% trong tổng số các công bố về PSP) đã được xuất bản trên 501 tạp chí, trong 8 cuốn sách hoặc chương sách (0,9%); 24 được công bố trong các hội nghị (2,76%); và 7 cuộc khảo sát ngắn (short surveys) (0,8%), 11 cuộc khảo sát (erratums) (1,26%). Các bài báo dạng editorial chiếm tỉ lệ khá lớn (17,6%), dạng letter and note paper chiếm tỉ lệ 18,41% trong các công bố về PSP. Dữ liệu cuối cùng được đưa vào phân tích cho thấy có 1586 tác giả từ 1538 tổ chức ở 101 quốc gia khác nhau trên thế giới. 

Thống kê tài liệu cho thấy các tài liệu được công bố bởi các tác giả đến từ 107 quốc gia trong đó United States (213 documents), Canada (97 documents), India (94 documents) và India (64 documents).

 Bảng 1. Số lượng xuất bản về PSP ở các nước và thống kê về trích dẫn

Phân tích dữ liệu thu được cho thấy các công bố về chủ đề PSP liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đứng đầu là các công bố về lĩnh vực Medicine và Social Sciences, Business, Management and Accounting và sau đó là các lĩnh vực như Khoa học máy tính, Điều dưỡng học (Bảng 3). Trong danh sách 10 lĩnh vực có công bố nhiều nhất không có công bố thuộc lĩnh vực science.

CHNC2. Tác giả, tài liệu và nhóm nghiên cứu nào đã có tác động lớn nhất đến tài liệu PSP?

Hình 1 cho thấy ảnh hưởng quan trọng Teixeira da Silva, J. A., tiếp đó là Moher, D. và đứng sau đó là Beall, J. Đồng thời, các công trình của Beall có ảnh hưởng đến các nghiên cứu của các nhóm khác nhau. Trong bản đồ ở Hình 3, có thể thấy các hướng, lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, được chia thành 4 nhóm.

Hình 1. Bản đồ khoa học về đồng trích dẫn giữa tác giả trong các tài liệu liên quan đến PSP

(Ghi chú: 1586 tác giả, số lượng trích dẫn tối thiểu 3)

Sự ảnh hưởng của các tác giả có thể thể hiện thông qua việc các bài báo được trích dẫn nhiều hay ít trong lĩnh vực nghiên cứu. Phân tích về lượng trích dẫn các tài liệu, Bảng 2 chỉ ra một số công bố có số lượt trích dẫn nhiều nhất là Beall (2012b) (453 lần), Shen, & Björk (2015) (395 lần), Xia et al. (2015) (188 lần), Shamseer et al. (2017) (177 lần) và Clark et al. (2015) (150 lần). Trong danh sách 20 bài báo được trích dẫn nhiều nhất, có tới 6 bài báo của Beall, J (xuất bản vào các năm khác nhau).

Bảng 2. Danh sách 5 công trình nghiên cứu có số lượt trích dẫn nhiều nhất giai đoạn 2012-2022

Sự hợp tác của các quốc gia cũng được thể hiện khá rõ nét trong các nghiên cứu về PSP (xem hình 5). Bản đồ hợp tác quốc tế (Hình 5) tiết lộ các nhóm quốc gia thường có sự hợp tác với nhau, đáng chú ý nhất có thể kể đến là 1) nhóm thứ nhất gồm 7 nước là India, Japan, Iran, Ukraine, Jordan, Chile và Ethopia; 2) nhóm thứ hai gồm 7 nước là nhóm gồm các nước Poland, Denmark, China, Malaysia, Indonesia; South Korea và Germany; 3) nhóm thứ ba gồm 6 nước là Austria, Bosnia and Herzegovina, Brazil, Croatia, Portugal and Spain; 4) nhóm thứ tư gồm 6 nước United States, Saudi Arabia, South Africa, Nigeria, Kenya và New Zealand; 5) nhóm thứ năm gồm năm nước là Italy, Israel, Romania, Sweden và Swtizerland; 6) nhóm thứ sáu gồm 4 nước là Australia, Canada, Ireland và Singapore. Còn một nhóm nhỏ khác, gồm ba nước United Kingdom, Russia và Kazakhstan.

CHNC3. Những tạp chí nào có tác động lớn nhất trong các công bố về PSP?

Hình 2 thể hiện phân tích đồng trích dẫn của chúng tôi với 44 nguồn tài liệu (tạp chí) liên quan đến PSP với tối thiểu 30 đồng trích dẫn. Từ hình này, chúng ta thấy có 3 nhóm tạp chí tạo thành 3 nguồn khác nhau cho các công bố về PSP. Nhóm thứ nhất (The red cluster) gồm 20 tạp chí, trong đó nổi bật là Nature, BMC Medicine. Nhóm thứ hai (The green cluster) gồm 19 tạp chí trong đó nổi bật là Learned Publishing, Scientometrics, và tiếp đó là Science and Engineering Ethics. Nhóm thứ ba (The blue cluster) gồm 4 tạp chí gồm Journal of Informatrics, Research policy, Journal of the American Society for Information Science and Technology trong đó đứng đầu là Scientometrics. Bản đồ này đã tiết lộ rằng Nature đã có ảnh hưởng rất lớn trong các công bố về PSP.

 

Hình 2. Bản đồ về co-citation sources analysis (tổng số 501 resoures, số lượng trích dẫn tối thiểu 3, 64 thresholds)

 CHNC4. Những chủ đề quan trọng nhất trong các nghiên cứu về PSP?

Để trả lời câu hỏi nghiên cứu này, chúng tôi đã thống kê số lượng từ khoá xuất hiện nhiều nhất và co-occurrence analysis of author's Keywords bằng VOSViewer. Như thể hiện trong Bảng 3, ngoài từ khoá predatory journal(s) (180 lần), các từ khóa phổ biến nhất khác bao gồm open access (117 lần), predatory publishing (91 lần), peer review (47 Lần), predatory publisher (34 lần). Bảng từ khoá dưới đây cho thấy phần nào về những vấn đề mà các nghiên cứu về PSP đề cập tới. Chẳng hạn như là sự quan tâm mạnh mẽ tới hình thức xuất bản open access, tới quy trình peer review, nhận diện các predatory Journal hoặc predatory publisher hoặc Hijacked journals, vấn đề đạo đức xuất bản, giao tiếp khoa học.

Bảng 3. Bảng thống kê 10 từ khoá xuất xuất hiện nhiều nhất trong các nghiên cứu về PSP

 

3. Kết luận và thảo luận

Lần đầu tiên, nghiên cứu này mô tả và phân tích sự phát triển, chủ đề và sự hợp tác trong nghiên cứu trong lĩnh vực PSP. Tổng số lượng các tài liệu liên quan đến PSP và sự phát triển theo trình tự thời gian của chúng cho thấy PSP đã nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều từ các học giả, biên tập viên, tạp chí, các tổ chức trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là sau năm 2017. Như vậy, PSP đã được rất nhiều tác giả (1586 tác giả) nghiên cứu ở 101 quốc gia, công bố trên 501 tạp chí khác nhau. Điều này tiết lộ sự quan tâm lớn và ngày càng tăng từ cộng đồng học thuật và xuất bản khoa học đối với chủ đề này.

Mới một thập kỉ, nhưng cộng đồng rộng lớn, nhiều lĩnh vực, phát triển ngày càng nhiều, được sự quan tâm của nhiều phía từ học giả, tạp chí, nhà xuất bản, các hiệp hội và tổ chức cũng như cả những cơ quan chính phủ và các nhà hoạch định chính sách. Tổng số có 869 công bố trên 501 nguồn , của 1586 tác giả, của 1538 tổ chức đến từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ. Y học, Khoa học xã hội, Kinh doanh, Quản lý và Kế toán là các lĩnh vực có những công bố nhiều nhất, ít thấy những công bố thuộc lĩnh vực Science. Nước đứng đầu về công bố về chủ đề này là United States nhưng nước có các công bố được trích dẫn nhiều nhất là Bangladesh. Một điều ít thấy trong các chủ đề khác là các bài báo dạng editorial chiếm tỉ lệ khá lớn (17.6%), dạng letter and note paper chiếm tỉ lệ 18.41% trong các công bố về PSP, điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các tạp chí, editorial board và các học giả về vấn đề này cũng như trách nhiệm của họ đối với cộng đồng học thuật. Dường như, sự quan tâm về chủ đề PSP mạnh mẽ hơn từ các nước phát triển, bởi tại đó, trình độ và đòi hỏi về chất lượng khoa học sẽ có những tiêu chuẩn cao hơn. Các nước đang phát triển dường như chậm hơn trong tiếp cận, công bố về chủ đề này, dù rằng, ở nhiều nước cũng đã có những khuyến nghị mạnh mẽ về Beall’s list và tạp chí săn mồi. Năm tác giả có công bố nhiều nhất về PSP là các trưởng nhóm nghiên cứu của các nhóm khác nhau là Teixeira da Silva, J. A; Beall, J và Moher, D; Dadkhah, M. và Memon, A. R. Năm  tác giả Moher, D; Teixeira da Silva, J. A và Gasparyan, A. Y; Cobey, K. D và Kitas, G. D dẫn đầu về số lượng trích dẫn. Có 5 nhóm nghiên cứu có ảnh hưởng lớn về lĩnh vực này. Beall, J. có sự hợp tác với không nhiều người trong các công bố của mình còn các nhóm khác thường có nhiều thành viên hơn. Beall (2012b), Shen, & Björk (2015), Xia et al. (2015), Shamseer et al. (2017) và Clark et al. (2015) là năm bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong các tài liệu về PSP.

Danh sách 10 tạp chí có công bố nhiều nhất về PSP đều là các tạp chí được xếp hạng Q1 hoặc Q2 trong cơ sở dữ liệu Scopus chẳng hạn như Nature, Scientometrics, Learner Publishing, Journal of Academic Librarianhip. Do đó, những tiếng nói của các tạp chí này có ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng học thuật và xuất bản khoa học thế giới. Nhiều tạp chí trong số các tạp chí công bố từ 5 tài liệu trở lên đều được có scope về lĩnh vực y học, thư viện và khoa học thông tin, công nghệ truyền thông. Trong nghiên cứu về chủ đề này, rõ ràng được sự quan tâm rất lớn của các nhà xuất bản, tạp chí hàng đầu thế giới, bởi tính nghiêm trọng của nó, bởi nó ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của khoa học, uy tín khoa học, đạo đức khoa học và đương nhiên là ảnh hưởng tới cả uy tín của các nhà xuất bản, các tạp chí.

Các công  bố về PSP quan tâm mạnh mẽ tới hình thức xuất bản open access, tới quy trình peer review, nhận diện các tạp chí săn mồi, nhà xuất bản săn mồi, vấn đề đạo đức xuất bản, giao tiếp khoa học. Tuy nhiên, theo thời gian, các nghiên cứu về open access trong xuất bản học thuật không còn là quá mới trong chủ đề này, những thuật ngữ hiện vẫn thường cùng xuất hiện trong chủ đề này là “plan S”, Scopus, academic ethics, research integrity, misinformation, transparency và đặc biệt Beall’s list vẫn là một từ khoá được nhắc tới trong thời gian gần đây. Bởi tính đa dạng của xuất bản học thuật và sự ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, nhiều đối tượng của quá trình xuất bản khoa học (học giả, tạp chí, nhà xuất bản, cộng đồng khoa học, các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu, các tổ chức nghiên cứu khoa học) nên nghiên cứu này tiết lộ một bản đồ nghiên cứu đa dạng về nội dung và chủ đề nghiên cứu về PSP.

4. Khuyến nghị

Sau 10 năm, kể từ "tiếng nổ lớn" mang tên Jeffrey Beall, PSP đã trở thành một xu hướng nghiên cứu rất nóng và sôi động trên toàn thế giới với một cộng đồng nghiên cứu ngày càng tăng về số lượng thành viên, nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau và khu vực địa lý. Beall đã tạo ra một hướng nghiên cứu mới trong nghiên cứu về xuất bản khoa học: nghiên cứu về chính quy trình xuất bản khoa học. Công bố của ông không chỉ tác động đến một lĩnh vực khoa học, mà rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với nó, vấn đề được mở rộng hơn rất nhiều, có thể là ngoài sức tưởng tượng của Beall. Dù rằng, còn nhiều tranh luận về tính “khoa học” hay cơ sở khoa học của “danh sách” mà Beall đưa ra nhưng rõ ràng, ông đã góp phần đặt nền móng cho một sự xem xét lại toàn bộ các yếu tố quan trọng của nghiên cứu và xuất bản khoa học. Giờ đây, khắp nơi trên thế giới đều có sự quan tâm ngày càng nhiều hơn về quá trình nghiên cứu, quá trình xuất bản khoa học (từ khâu nhận bài, biên tập, bình duyệt, …) đến khâu công bố khoa học. Vấn đề “săn mồi” giờ đây không chỉ là câu chuyện thu tiền từ những tác giả, nhóm tác giả một cách vô tình hay cố ý mà còn là câu chuyện rà soát và đánh giá lại về các tạp chí và ngay cả các hệ thống đánh giá tạp chí. Chẳng hạn, hằng năm vẫn có những tạp chí được chỉ mục trong ISI, Scopus, PubMed nhưng vẫn bị các hệ thống này loại ra vì vi phạm các quy định chung, có nghi ngờ về các hành vi gian lận (Cortegiani et al., 2020; Machacek, & Srholec, 2021; Manca et al., 2017). Hơn nữa, cũng có nhiều tạp chí trong các hệ thống này vẫn bị nghi ngờ hay bị nhiều nhà khoa học hay tổ chức nào đó đưa vào danh sách nghi ngờ, không chấp nhận tài trợ cho những công bố từ đó. Điều này cho thấy tính phức tạp và biến đổi liên tục của thị trường xuất bản khoa học cùng với sự phát triển và toàn cầu hoá của cộng đồng học thuật trên thế giới.

Nhiều ấn phẩm đến từ nhiều quốc gia khác nhau từ các nước có nền khoa học phát triển đến các nước có nền khoa học ít phát triển hơn. Do đó, nghiên cứu này cung cấp một số hàm ý cho các bên liên quan, bao gồm các nhà nghiên cứu về PSP, các học giả, các tạp chí, các cơ quan quản lí khoa học và các nhà hoạch định chính sách.

Đầu tiên, phát hiện liên quan đến mô hình đồng tác giả của các học giả từ các quốc gia này cũng vẽ ra bức tranh về cách nghiên cứu hợp tác trong PSP đã phát triển như thế nào trong những năm trước. Sự đa dạng, thiếu thống nhất và phức tạp khi nghiên cứu về PSP là một thực tế. Các cơ quan quản lí khoa học, các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan đánh giá học thuật có thể tìm thấy các thông tin ý nghĩa cho quá trình đánh giá về các học giả, về các công trình công bố của các học giả. Mỗi cộng đồng học thuật thuộc lĩnh vực nào đó cần tìm kiếm những công bố về vấn đề PSP  liên quan để kịp thời cập nhật các thông tin.

Thứ hai, những phát hiện của chúng tôi về các tác giả và nhóm nghiên cứu hàng đầu sẽ giúp những người mới đến và những nhà nghiên cứu tiếp theo trong các nghiên cứu về PSP biết những người đi trước, chuyên gia nhiều kinh nghiệm để theo dõi, tìm đọc các công bố của họ. Các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quản lí khoa học có thể tận dụng những lợi ích từ những phát hiện này để tìm ra những học giả "phù hợp" để tham khảo ý kiến ​​trong quá trình hoạch định chính sách của họ. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cũng cần tham khảo các công bố trên các tạp chí uy tín như đã chỉ ra trong nghiên cứu này, có nhiều công bố về PSP, để có thể có những cập nhật toàn diện, sâu sắc và có tính học thuật cao từ các nghiên cứu về chủ đề này.

Thứ ba, cơ sở kiến ​​thức về các nghiên cứu về PSP được xác định trong các phát hiện của chúng tôi để trả lời câu hỏi nghiên cứu thứ tư cung cấp bốn nhóm tài liệu tham khảo chính cho nghiên cứu PSP trong tương lai. Hơn nữa, những vấn đề còn tranh cãi trong những nghiên cứu đã được chỉ ra một phần trong nghiên cứu này sẽ là cơ sở để các học giả tiếp tục phát triển nghiên cứu của riêng mình trong chủ đề này. Ví dụ, những nghiên cứu chỉ ra các tiêu chí để xác định một tạp chí nào đó là một tạp chí săn mồi cần tiếp tục được nghiên cứu, và có thể nên đưa theo hai nhóm, một nhóm chung và một nhóm tiêu chí dành cho một lĩnh vực khoa học nào đó.

Thứ tư, việc xây dựng các black list hay white list các tạp chí khoa học là có vai trò quan trọng, cùng với việc xác định các tiêu chí để xác định một tạp chí là predatory journal. Đồng thời, đây không thể chỉ là tiếng nói của một số nhà khoa học, mà còn là tiếng nói của các cơ quan quản lí, các tổ chức khoa học công nghệ.

Thứ năm, việc cảnh giác với các tạp chí mở (open-access) là cần thiết nhưng cần có một cách tiếp cận toàn diện về chất lượng liên quan tới hình thức xuất bản này. Đây cũng là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu về lĩnh vực PSP để có thể “minh oan” cho những tạp chí mở, hybrid thực sự là những tạp chí uy tín. Đồng thời, việc xây dựng hay phát triển các tạp chí open access có chất lượng cao sẽ giúp cho cộng đồng học thuật thu được nhiều lợi ích, lan toả tốt hơn các kết quả nghiên cứu trong cộng đồng khoa học cũng như xã hội.

Thứ sáu, các tổ chức đánh giá học thuật khi đánh giá đóng góp của học giả cần không chỉ căn cứ vào việc xem xét công bố của học giả có được chỉ mục trong WoS hay Scopus hay không mà còn cần xem xét tới các đánh giá của cộng đồng học thuật về chất lượng của các tạp chí, và hơn hết, là đánh giá chất lượng của chính các bài báo khoa học đó. Bởi vì, hai hệ thống xếp hạng tạp chí uy tín nhất thế giới như Web of Sciences và Scopus cũng thường xuyên chỉ mục lại các tạp chí mới hay loại đi một số tạp chí không đạt tiêu chuẩn của học, mà trong đó nhiều tạp chí là predatory journal (Cortegiani et al., 2020).

Thứ bảy, các tạp chí khoa học cũng sẽ được hưởng lợi từ nghiên cứu này. Chẳng hạn, các tạp chí khoa học chân chính cũng phải tìm kiếm, phát hiện ra những nguy cơ ảnh hưởng tới uy tín của họ trong quá trình xuất bản khoa học như là các website giả mạo, hệ thống quản lí xuất bản giả mạo, … Các tạp chí bắt đầu xây dựng, phát triển cũng cần nắm chắc các tiêu chuẩn và quy định về xuất bản khoa học để có những chiến lược xây dựng, phát triển một cách bền vững. Hơn nữa, các tạp chí cũng cần phải xây dựng và giúp các tác giả của họ nhận thức được những ảnh hưởng hay dấu hiệu của predatory journal để có những hành động phù hợp, tránh được những hậu quả không mong muốn.

Thứ tám, cùng với khuyến nghị của các nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ, các cộng đồng học thuật cần có những hội nghị, hội thảo, tập huấn về chủ đề PSP để giúp nâng cao hiểu biết và định hướng hành động của nhiều phía đối mặt với vấn nạn "săn mồi" hiện nay. Ngay trong khi viết bản thảo này, nhiều hoạt động như vậy cũng đang được diện ra ở nhiều nơi trên thế giới, đối với những cộng đồng chính thức hay không chính thức của các nhà khoa học (LoUMA, 2022; RSAS, 2022; Scientific Integrity facebook group, 2022). Rõ ràng, sự phối hợp giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về thư viện học, xuất bản khoa học, giao tiếp khoa học là cần thiết để giúp cho cộng đồng nhận diện tốt hơn về PSP, đặc biệt là các cộng đồng ở các nước có nền khoa học còn đang trên đường phát triển, các nước mà ngôn ngữ quốc gia không phài là tiếng Anh.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu trẻ có thể nắm được những thông tin chung nhất về tiến trình, lịch sử, ảnh hưởng của PSP và những dấu hiệu cơ bản để nhận biết một predatory journal từ nghiên cứu này. Vì tính phức tạp và tinh vi của các hành vi gian lận trong xuất bản khoa học, họ cần có sự hỗ trợ của các tạp chí, các cơ quan khoa học hay những học giả giàu kinh nghiệm hơn. Những lời khuyên như vậy có thể hi vọng nhận được thông qua các cộng đồng hay chính các tác giả đã có nhiều nghiên cứu về chủ đề này.

Tác giả: Nguyễn Tiến Trung và cộng sự

Tài liệu tham khảo

American Medical Writers Association (AMWA); European Medical Writers Association (EMWA); International Society for Medical Publication Professionals (ISMPP). (2019). AMWA-EMWA-ISMPP joint position statement on predatory publishing. Current Medical Research and Opinion. 35(9),1657-1658. https://doi.org/10.1080/03007995.2019.1646535.

Bagues, M., Sylos-Labini, M., & Zinovyeva, N. (2019). A walk on the wild side: 'Predatory' journals and information asymmetries in scientific evaluations. Research Policy, 48(2), 462– 477. https://doi.org/10.1016/j.respol.2018.04.013

Beall, J. (2010). Update: Predatory Open-Access Scholarly Publishers. The Charleston Advisor, 12(1), 50–50. https://doi.org/10.5260/chara.12.1.50

Beall, J. (2012a). Predatory Publishing: Overzealous open-access advocates are creating an exploitative environment, threatening the credibility of scholarly publishing. TheScientist. (August 2012). https://www.the-scientist.com/critic-at-large/predatory-publishing-40671

Beall, J. (2012b). Predatory publishers are corrupting open access. Nature, 489, 179 (2012). https://doi.org/10.1038/489179a

Cabells. (2021). Predatory reports. https://www2.cabells.com/predatory

Chen, C., Paul, R. J., & O’Keefe, B. (2001). Fitting the jigsaw of citation: information visualization in domain analysis. Journal of the American Society for Information Science and Technology 52 (4), 315–330. https://doi.org/10.1002/1532-2890(2000)9999:9999%3C::aid-asi1074%3E3.0.co;2-2

Cobey, K. (2017). Illegitimate journals scam even senior scientists. Nature. 549(7670), 7. https://doi.org/10.1038/549007a

Cobey, K. D., Lalu, M. M., Skidmore, B., Ahmadzai, N., Grudniewicz, A., & Moher, D. (2018). What is a predatory journal? A scoping review. F1000Research, 7, 1001. https://doi.org/10.12688/f1000research.15256.2

Cohen, A., Patino, G., Kamal, P., Ndoye, M., Tresh, A., Mena, J., Butler, C., Washington, S., & Breyer, B. N. (2019). Perspectives from authors and editors in the biomedical disciplines on predatory journals: Survey study. Journal of Medical Internet Research, 21(8), e13769. https://doi.org/10.2196/13769

Gasparyan, A. Y., Nurmashev, B., Voronov, A. A., Gerasimov, A. N., Koroleva, A. M., Kitas, G. D. (2016). The Pressure to Publish More and the Scope of Predatory Publishing Activities. Journal of Korean Medical Science, 31(12), 1874.  https://doi.org/10.3346/jkms.2016.31.12.1874

Hallinger, P., & Chatpinyakoop, C. (2019). A bibliometric review of research on higher education for sustainable development, 1998-2018. Sustainability, 11(8), 2401. https://doi.org/10.3390/su11082401

Hallinger, P., & Nguyen, V.-T. (2020). Mapping the landscape and structure of research on education for sustainable development: A bibliometric review. Sustainability, 12(5), 1947. https://doi.org/10.3390/su12051947

Hallinger, P., & Suriyankietkaew, S. (2018). Science Mapping of the Knowledge Base on Sustainable Leadership, 1990–2018. Sustainability, 10(12), 4846. https://doi.org/10.3390/su10124846

Jansen, P. A., & Forget, P.-M. (2012). Predatory Publishers and Plagiarism Prevention. Science, 336(6087), 1380–1380. https://doi.org/10.1126/science.336.6087.1380-a 

Sureda‐Negre, J., Calvo‐Sastre, A., & Comas‐Forgas, R. (2022). Predatory journals and publishers: Characteristics and impact of academic spam to researchers in educational sciences. Learned Publishing. https://doi.org/10.1002/leap.1450 (first online)

Lozano, S., Calzada-Infante, L., & Adenso-Díaz, B. (2019). Complex network analysis of keywords co-occurrence in the recent efficiency analysis literature. Scientometrics, 120, 609–629. https://doi.org/10.1007/s11192-019-03132-w

Machacek, V., & Srholec, M. (2021). Predatory publishing in Scopus: Evidence on cross-country differences. Scientometrics, 126(3), 1897– 1921. https://doi.org/10.1007/s11192-020-03852-4

Pecorari, D. (2021). Predatory Conferences: What Are the Signs? Journal of Academic Ethics, 19(3), 343–361. https://doi.org/10.1007/s10805-021-09406-4

Phan, T. T., Do, T. T., Trinh, T. H., Tran, T., Duong, H. T., Trinh, T. P. T., Do, B. C., & Nguyen, T.-T. (2022). A bibliometric review on realistic mathematics education in scopus database between 1972-2019. European Journal of Educational Research, 11(2), 1133-1149. https://doi.org/10.12973/eu-jer.11.2.1133

Radhakrishnan, S., Erbis, S., Isaacs, J. A., & Kamarthi, S. (2017). Novel keyword co-occurrence network-based methods to foster systematic reviews of scientific literature. PLOS ONE, 12(3), e0172778. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0172778

Rozencwajg, S.,  Peiffer-Smadja, N., James, A., & Kantor, E. (2022). Predatory journals in anaesthesiology and critical care: what to know and how to avoid pitfalls!, European Journal of Anaesthesiology. 39(4), 299-301. https://doi.org/10.1097/EJA.0000000000001651

Shen, C., & Björk, B. C. (2015).‘Predatory’ open access: a longitudinal study of article volumes and market characteristics. BMC Med, 13, 230. https://doi.org/10.1186/s12916-015-0469-2

Shamseer, L., Moher, D., Maduekwe, O. Turner, L., Barbour, V., Burch, R., Clark, J., Galipeau, J., Jason Roberts, J. &  Shea , B. J. (2017). Potential predatory and legitimate biomedical journals: can you tell the difference? A cross-sectional comparison. BMC Med 15, 28. https://doi.org/10.1186/s12916-017-0785-9

Small, H. (1973). Co-citation in the scientific literature: A new measure of the relationship between two documents. Journal of the American Society for Information Science, 24(4), 265–269. https://doi.org/10.1002/asi.4630240406

Taylor, G. A. (2021). Predatory journals: A different pandemic. Pediatric Radiology, 51(4), 516– 518. https://doi.org/10.1007/s00247-020-04918-4

Teixeira da Silva, J. A. (2021). Should anonymous and pseudonymous entities be cited or acknowledged? Journal of Professional Nursing, 37(6), 1207–1209. doi:10.1016/j.profnurs.2021.08.014

Teixeira da Silva, J. A., Moradzadeh, M., Adjei, K. O. K., Owusu-Ansah, C. M., Balehegn, M., Faúndez, E. I., … Al-Khatib, A. (2022). An integrated paradigm shift to deal with “predatory publishing.” The Journal of Academic Librarianship, 48(1), 102481. https://doi.org/10.1016/j.acalib.2021.102481

Xia, J., Harmon, J. L., Connolly, K. G., Donnelly, R. M., Anderson, M. R., & Howard, H. A(2015). Who publishes in “predatory” journals? Journal of the Association for Information Science and Technology, 66(7), 1406–1417. https://doi.org/10.1002/asi.23265

Zupic, I., & Čater, T. (2015). Bibliometric methods in management and organization. Organizational Research Methods18(3), 429-472. https://doi.org/10.1177/1094428114562629

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết "Săn mồi" trong xuất bản học thuật: Một nghiên cứu trắc lượng từ cơ sở dữ liệu Scopus và khuyến nghị tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19