Không chỉ là ngôn ngữ thống trị toàn cầu trong khoa học và học thuật, tiếng Anh ngày càng giữ vai trò quan trọng trong giảng dạy trên khắp thế giới. Trong vài thập kỷ qua, những phát triển như sự gia tăng nhanh chóng hoạt động du học toàn cầu, quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa các cơ sở giáo dục đại học, và ở mức độ nào đó, sự ra đời của các bảng xếp hạng đại học thế giới, đều góp phần củng cố vai trò của tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy (English Medium of Instruction - EMI).
Cách tiếp cận EMI khác nhau tùy thuộc vào những bối cảnh khác nhau trong những quốc gia không nói tiếng Anh. Chẳng hạn, trước đây sinh viên ở những nước thuộc địa phải đến, ví dụ như Vương quốc Anh, để học đại học; hoặc hệ thống giáo dục đại học của một số quốc gia chỉ gần đây mới chuyển sang giảng dạy bằng tiếng Anh. Khó có con số chính xác, nhưng chỉ riêng ở châu Âu, hơn 8000 chương trình cấp bằng cử nhân và thạc sĩ được giảng dạy bằng tiếng Anh. EMI cũng có mặt ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và Trung Đông. Đây là một hiện tượng toàn cầu làm nảy sinh những vấn đề về đảm bảo chất lượng, quyền tiếp cận và công bằng, cũng như những lo ngại chính trị.
Ở khía cạnh toàn cầu, có nhiều lý do và nguyên nhân để theo đuổi EMI. Quyết định theo đuổi EMI có thể là một phần của sự lặp lại chính sách ở cấp độ hệ thống (như trong trường hợp của Rwanda, nước này đã chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Anh như một ngôn ngữ giảng dạy chủ yếu vào năm 2008) hoặc ở cấp độ thể chế, thể hiện trong việc mở rộng những chương trình dạy bằng tiếng Anh ở các cơ sở công lập và tư thục trên khắp lục địa châu Âu, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.
EMI không có một mô hình duy nhất, nếu xét từ khía cạnh kinh phí, nội dung, mục đích, chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên, tuyển sinh hoặc tính ổn định. EMI được áp dụng trong các trường đại học nghiên cứu cũng như trong các loại hình đào tạo công và tư khác. Nó chứa đựng những căng thẳng thuộc địa và sự hấp dẫn của thị trường; ở cấp độ chính sách và chương trình, chính sách và thực tiễn EMI vẫn còn rời rạc.
Đối với quốc tế hóa, và cụ thể hơn là giáo dục đại học như một loại hàng hóa xuất khẩu ở những nước không nói tiếng Anh, sự căng thẳng rất rõ ràng. Sự thống trị của tiếng Anh trong giao tiếp như ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc ngoại ngữ đã mang lại cho những quốc gia nói tiếng Anh có thu nhập cao hơn một lợi thế cạnh tranh trong tuyển sinh quốc tế. Những quốc gia không nói tiếng Anh và các cơ sở giáo dục đại học của họ ngày càng có xu hướng sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy bên cạnh ngôn ngữ quốc gia của họ. Với việc giáo dục đại học trở thành một mặt hàng xuất khẩu, những nước không nói tiếng Anh cần tìm ra sự cân bằng giữa một bên là chất lượng giáo dục, dịch vụ cho sinh viên của họ, nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận và bản sắc dân tộc, và bên kia là chính sách tuyển sinh tích cực và làm cho giáo dục đại học của họ trở nên hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế - những người không thông thạo ngôn ngữ giảng dạy địa phương; nói cách khác, là cung cấp cho họ những chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Điều này đòi hỏi một chính sách về ngôn ngữ giáo dục của quốc gia và của các trường đại học, đây là điều vẫn còn thiếu ở hầu hết các quốc gia hoặc đang bị đình trệ trong các cuộc tranh luận gay gắt.
Nguồn
Hans de Wit, Lisa Unangst, and Philip G. Altbach (2022). Crucial Decisions Needed: English in Science and Teaching in Non-Anglophone Countries. International Higher Education, 110. https://doi.org/10.36197/IHE.2022.110.05
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.