Từ những ý tưởng ban đầu
Đại dịch COVID 19 đã khiến nền giáo dục thế giới lâm vào một trong những cơn khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay, giáo viên và học sinh tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và tại Việt Nam nói chung đã gặp muôn vàn khó khăn trong việc chuyển đổi môi trường giáo dục, từ trực tuyến sang trực tiếp trong khi chưa được chuẩn bị bất cứ kiến thức và kĩ năng nào. Điều này đã thôi thúc nhóm cựu sinh Úc bao gồm TS. Dương Thị Anh (Đại học Sydney, Úc), GS. Bùi Thị Minh Hồng (Đại học Birmingham City, UK), TS. Lại Thị Thanh Vân (Đại học Monash, Úc) và TS. Nguyễn Thị Bích Diệp (Đại học Deakin University, Úc), với sự cố vấn của TS. Nguyễn Xuân Khánh (Trường Đại học Oulu) phải làm điều gì đó để giúp giáo viên tại quê nhà có thể thích ứng nhanh với tình hình từ đó giúp đỡ học sinh của họ chuyển giao vào môi trường học tập mới.
Chính vì vậy mà dự án “Nâng cao năng lực giáo viên thời đại mới” (Empowering Teachers for an Uncertain Future - ETUF) ra đời với sứ mệnh nâng cao năng lực cho giáo viên và sinh viên sư phạm tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để họ có thể thích ứng tốt hơn với quá trình số hóa giáo dục và các khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
Dự án đầy ý nghĩa này vinh dự nhận được sự tài trợ kinh phí từ Chính phủ Úc thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Úc (AAGF) thuộc chương trình “Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực” (Aus4Skills) và sự đồng hành của Mạng lưới Giáo dục (EduNet) thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).
Thành những hoạt động cụ thể
Các hoạt động chính của dự án bao gồm: 2 khóa học trực tuyến miễn phí; và chuỗi 5 hội thảo chuyên đề phát triển chuyên môn miễn phí với các chủ đề khác nhau. Đối tượng tham gia dự án ban đầu là các bạn sinh viên sư phạm năm 3-4 và giáo viên các cấp tại TP.HCM và Hà Nội, nhưng sau khi khởi động hoạt động của dự án được thầy cô từ mọi miền đất nước quan tâm và đăng kí tham gia. Sức lan tỏa của dự án đã vượt qua những hình dung ban đầu của nhóm dự án, điều này đã tạo điều kiện cho nhóm tạo ra tác động sâu rộng hơn trong cộng đồng các nhà giáo dục tại Việt Nam.
Khóa học trực tuyến số 1 "GIÁO DỤC QUYỀN CÔNG DÂN SỐ" với sự đồng hành của giảng viên TS. Lê Thị Thanh Tịnh (Đại học Đà Nẵng đã thu hút sự tham gia của hàng trăm giao viên các cấp (7-8/2022)
Hội thảo chuyên đề “GIÁO DỤC THỜI ĐẠI SỐ” được đứng lớp bởi TS. Andy Nguyễn (Đại học Oulu, Phần Lan) chào đón các thầy cô trên địa bàn TP.HCM (7/2022)
Nội dung đào tạo của dự án chạm tới các vấn đề mới mà các thầy cô chưa được tập huấn và trang bị kĩ càng như: giáo dục quyền công dân số; số hóa giáo dục; vận dụng tư duy phản biện và tư duy sáng tạo trong dạy và học… và trong số đó có một vấn đề mới được xã hội quan tâm đó là Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Các thầy cô khi tham gia dự án được phát triển chuyên môn qua học tập nhiều các kĩ năng, phương pháp bổ ích giúp giải quyết các vấn đề phát sinh khi giảng dạy trong khủng hoảng. Không chỉ vậy, các thầy cô được hỗ trợ kinh phí tham gia các buổi hội thảo chuyên đề (trực tiếp) được đứng lớp bởi các thầy cô đầu ngành và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.
Tháng 8/2022, dự án ETUF tiếp tục khởi động khóa học trực tuyến số 2 mang tên “Vận dụng tư duy phản biện và tư duy sáng tạo vào dạy và học” với sự đồng hành của giảng viên Tô Thụy Diễm Quyên.
Trong tương lai, dự án sẽ mang đến các hội thảo chuyên đề khác được tổ chức trực tiếp tại TP.HCM. Nhóm dự án mong sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng hơn nữa các kiến thức, kỹ năng bổ ích tới thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc, và các thầy cô Việt Nam có thể tiếp tục hưởng lợi từ khóa học trực tuyến ngay cả khi dự án kết thúc.
Tạp chí Giáo dục