Việc giảng dạy nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến, khiến sinh viên buộc phải điều chỉnh để sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hoàn thành việc học ở nhà. Những sinh viên kỳ vọng một cuộc sống học tập trực tiếp tại khuôn viên trường không hài lòng khi thấy các hoạt động xã hội và ngoại khóa bị cắt giảm. Trong khi đó, cơ hội thực tập và vị trí việc làm cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Do đó, việc tìm hiểu những tác động thực sự của thực trạng này tới mọi khía cạnh của từng sinh viên là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Nghiên cứu của Muzammal Ahmad Khan (giảng viên chuyên ngành Kinh doanh và Quản lý, Đại học Tây Scotland) tìm hiểu tác động của sự thay đổi này đối với trải nghiệm của sinh viên. Nghiên cứu tiếp cận tập khách thể gồm 349 sinh viên đại học.
Sinh viên kỳ vọng việc học tập trực tuyến có nhiều tương tác hơn
Một chủ đề được nhiều sinh viên trả lời phỏng vấn đề cập là việc giảng dạy trực tuyến nên mang tính tương tác nhiều hơn. Một sinh viên cho rằng: “Sẽ là chưa đủ nếu chỉ tải tài liệu bài giảng lên phần mềm học tập trực tuyến và cho rằng đó là sự thay thế phù hợp cho trải nghiệm giảng dạy trực tiếp.” Một sinh viên khác gợi ý các giáo viên nên “tương tác nhiều hơn với sinh viên ngoài việc chỉ cung cấp các bài giảng kỹ thuật số”, lưu ý rằng điều này có thể kết hợp các công cụ giao tiếp trực tuyến hoặc ứng dụng hội nghị truyền hình “để đảm bảo [vẫn] có các kết nối cá nhân”. Tương tự, một sinh viên khác ghi chú rằng nên có “nhiều cơ hội hơn cho sinh viên tương tác” và “một cộng đồng trực tuyến tốt hơn”.
Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sinh viên có thể rơi vào tình trạng thiếu động lực khi học trực tuyến. Để giải quyết vấn đề này, giảng viên có thể sử dụng các công cụ khảo sát và tạo tương tác theo thời gian thực như Mentimeter và Kahoot!, từ đó giúp việc học trực tuyến trở nên hấp dẫn và tương tác hơn.
Đào tạo trực tuyến cần bao quát nhiều đối tượng sinh viên
Một số sinh viên nữ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với các nam sinh khi chuyển sang hình thức học tập trực tuyến. Các sinh viên/học viên nữ trưởng thành (chẳng hạn như đã lập gia đình) bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó, các trách nhiệm trong nhà, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em hoặc các thành viên gia đình khuyết tật, khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn.
Một sinh viên được hỏi đã nói về khó khăn để có thể “tìm được thời gian để làm bài tập ở trường đại học trong một ngôi nhà đông đúc, bận rộn và ồn ào”. Một sinh viên khác thẳng thắn cho rằng: “Trường đại học không có những hỗ trợ cần thiết với những sinh viên đã có gia đình. Tôi đã từng phải đi thi với một đứa trẻ mới biết đi buộc bên hông. Đáng ra mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu tôi chưa có con, nhưng tôi cảm thấy như không ai thực sự thấu hiểu và hỗ trợ cho những khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi là sinh viên có một gia đình trẻ ở nhà.”
Một số nữ sinh lớn tuổi cũng cảm thấy bản thân chưa được trang bị kiến thức đầy đủ để sử dụng các công cụ học tập trực tuyến, chẳng hạn như nhận xét rằng “thế hệ cũ cần được chuẩn bị tốt hơn về mặt công nghệ”.
Một sinh viên khác nhấn mạnh chi phí cho các thiết bị học tập trực tuyến và lưu ý rằng “có vẻ như nếu bạn không có máy tính xách tay, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để vượt qua”.
Thay vì giả định rằng tất cả mọi người đều được trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, các trường đại học nên đảm bảo rằng sinh viên có kiến thức, sự hỗ trợ và tài nguyên kỹ thuật số cần thiết để học tập và kiểm tra trên môi trường trực tuyến. Đảm bảo học sinh có đầy đủ phần cứng và phần mềm, cũng như điều kiện truy cập Internet, là điều cần thiết.
Việc tiếp cận công nghệ phải được phân bổ một cách công bằng, đặc biệt quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh quốc tế.
Trong khi đó, các trường đại học chưa đáp ứng những điều trên nên cân nhắc cung cấp các cơ hội học tập linh hoạt, chẳng hạn như tùy chọn tham dự các bài giảng ảo trực tiếp hoặc nghe các bài giảng được ghi hình trước.
Sinh viên quốc tế cần được chú ý nhiều hơn
Các sinh viên quốc tế gặp phải một số vấn đề, chẳng hạn không được tiếp cận với các địa điểm học tập phù hợp, không biết tìm hỗ trợ về sức khỏe tâm thần ở đâu, cảm thấy bị gò bó và cô lập, khó tập trung, thiếu phương hướng và khó khăn khi xa gia đình ở quê nhà. bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Một số ý kiến có thể kể đến như: “Việc phải xa gia đình khiến tôi rất căng thẳng và chán nản, tôi không thể tập trung rõ ràng vào việc học”, hay “Chúng tôi đã trả học phí để được hỗ trợ, không phải để tự xoay sở”.
Mặc dù các trường đại học đã nỗ lực giao tiếp với sinh viên quốc tế trong giai đoạn này, nhưng nghiên cứu của tác giả cho thấy rằng trong nhiều trường hợp, những thông điệp này đã bị hiểu sai và sự hỗ trợ đã không được đầy đủ.
Trong thời kỳ khủng hoảng, việc giao tiếp giữa trường đại học với sinh viên nước ngoài phải được cải thiện. Các trường đại học có nghĩa vụ chăm sóc và trách nhiệm đối với sinh viên quốc tế, bao gồm việc giúp họ thích nghi với các yêu cầu học tập, cũng như ưu tiên sức khỏe tinh thần và phúc lợi của họ.
Vân An dịch
Nguồn:
Khan, M. A. (2022, November 17). In 2020, universities shifted to online learning – three lessons from students’ experiences. The Conversation. https://theconversation.com/in-2020-universities-shifted-to-online-learning-three-lessons-from-students-experiences-193175
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.