Hiện tại, một thực tế đã được kiểm chứng rõ ràng là vi rút SARS-CoV-2 đã làm thay đổi toàn bộ bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế trên toàn thế giới. Không giống như hầu hết các thay đổi thông thường vốn thường tạo ra các tác động từ từ, đại dịch COVID-19 đã mang đến những thay đổi nghiêm trọng ngay lập tức trên diện rộng, thậm chí có thể gọi là mang tính cách mạng, đối với phần lớn cuộc sống trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đối với một số người, sự thay đổi là đủ sâu sắc để tuyên bố rằng một “Bình thường mới” có thể được phân biệt rõ rệt so với trước đây. Là tâm điểm của những thay đổi nhanh chóng này, các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới đã phải vật lộn với việc làm thế nào để đối phó với những thay đổi nhanh chóng và cơ bản trong hoạt động hàng ngày của họ. Giữa sự biến động này, một số nhà lãnh đạo hệ thống y tế đã tận dụng các kỹ năng và quan điểm độc đáo của các nhà khoa học xã hội để cải thiện sự ứng phó với đại dịch. Dựa trên những điểm nổi bật từ một bài báo học thuật được xuất bản gần đây, chúng tôi thảo luận về sự thay đổi COVID-19 này tạo ra vai trò mà khoa học xã hội có thể thực hiện trong các ứng phó đại dịch, dựa trên công trình của chúng tôi trong việc ứng phó ở Alberta, Canada.
“Bình thường cũ”: các nhà khoa học xã hội với tư cách là người kết nối văn hóa
Khi làn sóng COVID-19 đầu tiên bùng phát, quan điểm chủ yếu của các nhà nhân chủng học và xã hội học trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe (Quality Improvement - QI) nói chung - và cụ thể là ứng phó với các cuộc bùng phát dịch bệnh - cho rằng họ là "người kết nối văn hóa". Điều này có nghĩa là, vai trò của họ là giải thích các chuẩn mực, giá trị và hoạt động của “người bản xứ” - cho dù đó là những người ở vùng đất xa xôi bị dịch bệnh hoành hành hay các tổ chức chăm sóc sức khỏe lân cận hơn bị dịch bệnh gây hại. Trong cả hai trường hợp, các nỗ lực thường được bỏ vào việc tìm kiếm các rào cản văn hóa đang ngăn cản việc tiếp nhận các tư vấn về sức khỏe cộng đồng hoặc tiến độ cải tiến chất lượng mang tính tổ chức. Trong bối cảnh “bình thường cũ” đối với khoa học xã hội là, các nhà nhân học và xã hội học nhận thấy mình hoạt động như những nhà tư vấn hành vi tìm cách giải thích sự không tuân thủ của người dân đối với các chính sách được đặt ra bởi chính phủ - những người quyết định phản ứng với dịch bệnh (như Médecins Sans Frontières [MSF ]), hoặc các cơ quan y tế quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Bình thường mới”: ứng phó với đại dịch ở Alberta
Nếu đây là tình trạng trước COVID-19, thì có một sự tin tưởng đáng kể, và có bằng chứng thực sự, rằng các ngành khoa học xã hội có thể và phải làm được nhiều hơn thế. Các báo cáo của WHO và Wellcome Trust xuất phát từ các trải nghiệm về dịch bệnh Ebola và Zika đã chung tay cùng nhiều lời kêu gọi khác về việc huy động các nhà khoa học xã hội vào việc lập kế hoạch, chuẩn bị và ứng phó. Thực hiện những lời kêu gọi này, nhóm nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào chính những người ứng phó với đại dịch, ở Alberta, Canada. Thay vì nghiên cứu các rào cản về văn hóa hoặc hành vi đối với việc thực hiện hoặc tuân thủ các chính sách COVID-19, chúng tôi đang theo dõi cách hệ thống y tế và các cơ quan ứng phó của nó đã làm việc để đối phó với COVID-19 ở tỉnh của chúng tôi. Chúng tôi đã tập trung vào việc những người ra quyết định về dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã làm việc như thế nào để đưa ra các chính sách mới và làm việc để hiện thực hóa chúng, thích ứng với những yêu cầu cực kỳ cao đối với hệ thống do đại dịch gây ra. Chúng tôi đã hoạt động với tư cách là “người đồng hành” (không hoàn toàn “bên ngoài” hệ thống, cũng không bị coi là người vận hành “bên trong”) và do đó, làm việc với nhà hoạch định chính sách và những người tham gia thực hiện chính sách để có nhiều góc nhìn về cách ứng phó với đại dịch của toàn xã hội. Việc tập hợp các quan điểm này cho phép chúng tôi tiến hành những gì được gọi là "can thiệp phù hợp với tình trạng", tứac là đưa ra các đề xuất nhanh chóng, dựa trên bằng chứng để giải quyết một số vấn đề khó khăn và cấp bách nhất ảnh hưởng đến chính cách ứng phó.
Nhóm liên ngành của chúng tôi gồm các nhà dân tộc học, các chuyên gia về Nhân tố Con người (HF) và các chuyên gia phòng ngừa và kiểm soát truyền nhiễm đã quan sát và đưa ra hướng dẫn cho các chuyên gia làm việc trong cơ quan y tế đơn lẻ của Alberta. Góc nhìn tổng quan về các tổ chức trong hệ thống y tế này đã cho phép chúng tôi nhận ra những lỗ hổng và đổi mới mà những người ở trong từng cơ sở y tế đơn lẻ không thể nhìn thấy. Thông qua phỏng vấn các bên liên quan chính trong các bộ phận khác nhau của hệ thống y tế; theo sát các nhân viên y tế tuyến đầu; và lắng nghe các cuộc họp trực tuyến do những người ứng phó với đại dịch tổ chức, chúng tôi đã xác định được các điểm tắc nghẽn trong đối thoại và triển khai, từ đó đưa ra những lời khuyên hữu ích đúng thời điểm. Các khuyến nghị của chúng tôi không phải là các chính sách ràng buộc, mà cung cấp thông tin thống nhất từ các vị trí khác nhau, làm phong phú thêm chúng và cung cấp cơ sở để phát triển sự hiểu biết tốt hơn về công tác ứng phó.
Đi sâu vào lĩnh vực này vào đầu tháng 3, ngay sau khi Alberta báo cáo trường hợp COVID-19 được cho là đầu tiên của mình, chúng tôi nhận ra rằng một hệ thống y tế khẩn cấp mới đã được hình thành “trên cơ sở” đã có từ trước. Các thành phần của “bình thường cũ” - con người, văn phòng, chính sách - đan xen với “bình thường mới” trong một môi trường vận hành vô cùng linh hoạt. Bằng cách này, chúng tôi nhấn mạnh rằng việc chú ý đến lịch sử - đến những gì đã xảy ra trước đó - ít nhất cũng quan trọng như việc hiểu được thời điểm hiện tại mà các tổ chức cung cấp dịch vụ từ Y tế khẩn cấp đến Chăm sóc ban đầu và Y tế công cộng đã ý thức về vai trò của họ trong công tác ứng phó.
Thích ứng nhanh với những điều kiện này - và những lỗ hổng trong đối thoại mà chúng tôi nhận thấy qua các cuộc phỏng vấn và quan sát - chúng tôi đã phát triển các phản hồi và can thiệp nhằm hỗ trợ nhân viên y tế làm việc trong môi trường chăm sóc khẩn cấp và chăm sóc ban đầu. Không phải tất cả các khuyến nghị này đều được chấp nhận, nhưng chúng tôi tiếp tục phát triển chúng khi dịch bùng phát và chúng tôi cũng tiếp tục kết hợp các quan điểm, suy nghĩ và dữ liệu từ nhóm tích hợp của chúng tôi vào công tác ứng phó.
Vai trò mới của các nhà nhân chủng học và xã hội học với tư cách là thành viên tích hợp của các nhóm ứng phó với đại dịch cần được lập kế hoạch và thảo luận tốt hơn. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ mở rộng sự đàm thoại đó trong các ấn phẩm về công việc của chúng tôi ở Alberta. Điều chắc chắn là chúng tôi không chỉ đơn giản là kết nối văn hóa. Sự tham gia ở nhiều cấp độ, đúng thời điểm của chúng tôi trong công tác ứng phó với COVID-19 của tỉnh đã biến các đề xuất của WHO và Wellcome Trust từ các văn bản ra thành hành động thực tế. Được Chính phủ Liên bang Canada tài trợ, chúng tôi tiếp tục làm việc không phải với tư cách là những người bên ngoài nghiên cứu về “người bản xứ”, mà là những người làm việc để cung cấp các quan điểm hữu ích về cách các chính sách được phát triển, cách truyền thông triển khai và cách thực hành phát triển ở tuyến đầu của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Theo quan điểm của chúng tôi, hiệu quả của phương pháp tiếp cận và công việc của chúng tôi đã gợi ý rằng công việc tích hợp và hợp tác liên ngành nên là một phần của “Bình thường mới” đang hình thành để ứng phó với sự bùng phát các dịch bệnh.
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.