Tác động của đại dịch COVID‑19 đối với giáo dục tiểu học, trung học và đại học: Một đánh giá toàn diện và khuyến nghị cho các hoạt động giáo dục

Các lệnh cách ly xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia đã gây ra sự gián đoạn giáo dục ở tất cả các cấp học, tạo ra những tác động sâu rộng và bộc lộ nhiều khiếm khuyết của mô hình giáo dục hiện tại. Nghiên cứu của Kuok Ho Daniel Tang trình bày một cách toàn diện các tác động của COVID-19 đối với giáo dục tiểu học, trung học và đại học và đề xuất các phương pháp giáo dục phù hợp trong giai đoạn này.

Các biện pháp được chính phủ nhiều nước thiết lập nhằm kiểm soát COVID-19 đã gây ra nhiều tác động đến các hệ thống kinh tế xã hội của các quốc gia. Trong đó, lĩnh vực giáo dục đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 ngay từ những ngày đầu đại dịch xuất hiện. Nhiều cơ sở giáo dục tại các quốc gia đã buộc phải đóng cửa nhằm đối phó với sự lan rộng của dịch bệnh. Để giảm tác động của COVID-19 đối với việc dạy và học, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường đại học, đã nhanh chóng triển khai việc dạy học trực tuyến. Sinh viên phải vội vã làm quen với các nền tảng học tập trực tuyến, cùng với đó giáo viên cũng phải thích ứng với việc giảng dạy trực tuyến chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, việc chuyển đổi sang các hình thức học tập trực tuyến đã góp phần mở ra những chân trời mới trong hoạt động học tập, thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng và công cụ dạy và học trực tuyến, thậm chí là các khoá học và các chương trình đào tạo trực tuyến hoàn toàn.

Hiện nay, hầu hết các nghiên cứu về tác động của COVID-19 đối với giáo dục đều tập trung ở giáo dục cấp đại học và thường nghiên cứu trên một chuyên ngành cụ thể. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về chủ đề này thường dựa trên dữ liệu từ các khảo sát hoặc các dữ liệu định tính trên cơ sở phỏng vấn từng cá nhân. Nghiên cứu này có mục tiêu xem xét một cách toàn diện các tác động của đại dịch COVID-19 đối với các cấp học khác nhau, đặc biệt là tiểu học, trung học và đại học. Từ đó, tác giả làm nổi bật các xu hướng giáo dục đang nổi lên trong kỷ nguyên COVID-19 và đề xuất các phương pháp giáo dục bền vững có thể giúp các cơ sở giáo dục vượt qua “cơn bão” COVID-19.

Để đạt được các mục tiêu trên, tác giả khảo sát và thống kê các bài báo khoa học, chủ yếu gồm các bài viết được đăng trên tạp chí và trình bày tại các hội thảo khoa học kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19. Các tác giả cũng truy cập một số trang web chính thống để thu thập dữ liệu và số liệu thống kê mới nhất nhằm phản ánh các tác động đến lĩnh vực giáo dục, chẳng hạn như việc đóng cửa các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng tham khảo một số cơ sở dữ liệu học thuật, cụ thể là Web of Science, Scopus và ProQuest để thu thập các bài báo khoa học có chủ đề liên quan. Các từ khóa được sử dụng dao động từ COVID-19, tác động giáo dục và ý nghĩa giáo dục đối với giáo dục cấp tiểu học, trung học và đại học. Các phát hiện chính từ tổng quan được trình bày trong các bảng tổng hợp. Một mô hình PRISMA đã được ứng dụng để làm tổng quan về các nghiên cứu can thiệp trước đó có đề tài liên quan.

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự chuyển đổi sang dạy học từ xa/trực tuyến đã ảnh hưởng đến các các giáo viên và học sinh. Cụ thể, học sinh bị thiếu hụt một số kiến thức và trải nghiệm nhất định, giáo viên bị hạn chế trong việc hướng dẫn, đánh giá học sinh và triển khai các hoạt động học tập trải nghiệm trong môi trường ảo. Khó khăn cũng đến từ các hạn chế và ràng buộc trên khía cạnh công nghệ, kết nối, tài nguyên học tập và tài liệu, bên cạnh sức khỏe tâm lý xã hội. Những tác động này càng trầm trọng hơn do bất bình đẳng trong phân phối nguồn lực cũng như bất bình đẳng liên quan đến tình trạng kinh tế xã hội, giới tính, dân tộc, khả năng học tập và điều kiện vật chất của các cơ sở giáo dục và các địa phương khác nhau. Một số đề xuất cho thực tiễn giáo dục trong tương lai có thể kể đến như: cải thiện khả năng thích ứng của chương trình giảng dạy để bổ sung các lựa chọn học tập trực tuyến và độc lập, thống nhất các phương thức học tập đa dạng để đẩy nhanh quá trình chuyển tiếp học tập liền mạch và linh hoạt, linh hoạt hoá mô hình dạy học và vai trò, nhiệm vụ của các cán bộ nhà trường, hỗ trợ nâng cao, đổi mới công nghệ gắn liền với đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa, như áp dụng môi trường ảo tương tác, có khả năng đáp ứng và tính chân thực cao. Đánh giá này góp phần đáng kể vào việc tăng cường khả năng sẵn sàng của giáo dục trước khủng hoảng đồng thời đảm bảo tính liên tục và chất lượng của giáo dục trong thời đại đầy biến động của COVID-19.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Tang, K. H. D. (2022). Impacts of COVID-19 on primary, secondary and tertiary education: a comprehensive review and recommendations for educational practices. Educational Research for Policy and Practice. https://doi.org/10.1007/s10671-022-09319-y

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19