Một nghiên cứu về báo chí số và vai trò của nhà báo số

Nghiên cứu của nhóm tác giả Gregory P. Perreault và Patrick Ferruci tìm hiểu ảnh hưởng của yếu tố công nghệ đối với cách các nhà báo thời đại số tự định nghĩa thuật ngữ “báo chí số” như thế nào. Định nghĩa báo chí số/nhà báo số và những thành tố của thuật ngữ này có vai trò định hình những hoạt động chính của lĩnh vực này, từ việc các nhà báo ưu tiên những nguồn tin nào cho đến cách họ định hình nội dung của mình cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ thông tin của người đọc.

Trong một bài nghiên cứu xuất bản vào tháng 7/1997, học giả Pavlik đã đưa ra những nhận định về tương lai của tin tức trực tuyến, trong đó đề cập đến sự hoà trộn giữa báo chí và công nghệ số sẽ mang tính “tương tác, (tức thời) theo yêu cầu của người dùng và có khả năng tuỳ biến”, “tích hợp giữa văn bản, hình ảnh, ảnh động và âm thanh”, có khả năng “xây dựng những cộng đồng mới dựa trên những mối quan tâm và quan ngại chung”. Thực tế, một công nghệ đi vào xã hội thông qua một quá trình trong đó người ta giả thiết hoá kết quả thông qua những giả định hoàn chỉnh, hoặc đôi khi là quá trình định nghĩa và tái định nghĩa của chính công chúng. Với báo chí số, quá trình này vẫn đang tiếp diễn; trong đó công nghệ số được ứng dụng trong thực tế và tìm kiếm sự chấp thuận từ những người làm báo truyền thống.

Nhằm thiết lập cơ sở cho các nghiên cứu về báo chí số, Eldridge và cộng sự (2019) đã tìm cách thao tác hoá khái niệm báo chí số với tư cách là một chuyên ngành tách biệt khỏi báo chí học truyền thống. Nghiên cứu này kế thừa cách tiếp cận trên bằng cách tìm hiểu ảnh hưởng của yếu tố công nghệ đối với cách các nhà báo thời đại số tự định nghĩa thuật ngữ “báo chí số” như thế nào. Sử dụng lý thuyết trường và lý thuyết quá trình chuẩn hoá, nghiên cứu tìm hiểu cách các nhà báo số định nghĩa nghề nghiệp và thao tác hoá hoạt động của họ như thế nào.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu để thu thập thông tin phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu. Ban đầu, các tác giả liên hệ với 262 nhà báo trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, sau quá trình sàng lọc để tìm ra chính xác các “nhà báo số”, chỉ có 68 người đủ điều kiện. Các cuộc phỏng vấn được tiến hành trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2019.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả người trả lời phỏng vấn đều tự nhận bản thân là các “nhà báo số”; tuy nhiên thực tế những gì họ đang làm chủ yếu vẫn là các quy trình và thao tác của báo chí thông thường. Trong lĩnh vực báo chí, các nhà báo được kỳ vọng phải thể hiện sự nhanh nhạy trước những thay đổi về công nghệ, nhằm tiếp cận tốt hơn đối tượng độc giả của mình và sáng tạo ra các nội dung mà đối tượng độc giả của mình muốn thưởng thức. Các nhà báo tham gia phỏng vấn định nghĩa báo chí số theo ba bình diện: một phương pháp sử dụng công nghệ để kể chuyện, một phương pháp phân phối và phát tán thông tin nhanh nhất, và một phương pháp hướng đến độc giả, thúc đẩy bởi thị trường. Các nhà báo số cũng cho biết họ triển khai các phương pháp trên bằng cách sử dụng các công nghệ truyền thông xã hội thế hệ mới và thông qua việc cộng tác nhóm. Bên cạnh đó, việc nhấn mạnh yếu tố vốn xã hội cũng phản ánh rõ nét sự quan tâm của báo chí số tới độc giả của mình.

Vân An lược dịch

Nguồn

Perreault, G. P., & Ferrucci, P. (2020). What Is Digital Journalism? Defining the Practice and Role of the Digital Journalist. Digital Journalism, 8(10), 1298–1316. https://doi.org/10.1080/21670811.2020.1848442

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Một nghiên cứu về báo chí số và vai trò của nhà báo số tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19