Vai trò của nhà báo: Bài học đạo đức đến từ hiện tượng “tin giả”

Trong thế giới hiện đại, nhiều người quan niệm rằng những công việc đặc thù của nhà báo (như thu thập thông tin từ hiện trường, kiểm chứng thông tin, phổ biến tin tức…) cũng có thể được bất kì cá nhân nào thực hiện một cách tương đối. Vậy những phẩm chất nào khiến nhà báo có sự khác biệt với những người chỉ đơn thuần “biết” làm các công việc giống như họ? Đây cũng chính là chủ đề của nghiên cứu do hai tác giả Sandra và Chad thực hiện, bài viết được đăng trên Tạp chí Journal of Mass Media Ethics.

Thay vì đặt câu hỏi “Nhà báo là ai?”, chúng ta nên cân nhắc một câu hỏi khái quát hơn, “Báo chí là gì?” Câu hỏi mới này tập trung nhiều hơn vào các kĩ năng và hoạt động sản xuất tin tức, dù trong bối cảnh hay với mục đích gì. Rõ ràng, những người không phải là nhà báo vẫn có thể chụp những bức ảnh đẹp, kiểm chứng thông tin, và kể những câu chuyện hay. Vậy điều gì giúp phân biệt nhà báo với những người cũng làm công việc tương tự họ? Các nhà báo thực hiện những công việc trên trong sự tự ý thức rằng họ đang mưu cầu sự hoàn hảo trong từng tác phẩm mà họ tạo ra với tư cách một nhà báo. Các nhà báo giỏi thường cho thấy khả năng hoà hợp và phối hợp tương ứng giữa mục đích của bản thân và sự thể hiện của họ trong công việc.

Vai trò thường được đồng nhất với những kỳ vọng về những việc chúng ta phải hoàn thành, cách chúng ta phải hoàn thành chúng, theo tiêu chuẩn nào và hướng tới mục tiêu gì. Khi chúng ta việc thực hiện một vai trò không ''tuân theo'' các cam kết đạo đức của vai trò đó, thì kết quả sẽ là một quy trình làm việc không tuân thủ đạo đức. Ví dụ, khi các nhà báo đưa tin bóp méo sự thật, sự thể hiện của các nhà báo này trái ngược với cam kết về tính trung thực mà vai trò của họ đòi hỏi ở chính bản thân họ.

Nhà báo thu thập thông tin phải tuân thủ một cách kỉ luật đòi hỏi họ phải xác minh tính xác thực của thông tin, thông qua các tiêu chuẩn về nhận thức luận nhằm tạo ra và truyền đạt tri thức, thông tin về xã hội. Các tiêu chuẩn này bao gồm độ tin cậy và tính thực tế. Mục đích của yêu cầu này là tạo ra một tập hợp các cam kết đạo đức góp phần định hình chuẩn mực trong việc sản xuất tin tức của các nhà báo. Về độ tin cậy, nhiệm vụ của nhà báo được các tác giả so sánh với vai trò của người “gác cổng”, thực hiện kiểm soát chất lượng thông tin được phân phối ra công chúng; cụ thể, họ là những người thực thi nghiêm khắc các nguyên tắc về độ tin cậy, lựa chọn các tin tức quan trọng thay vì trào phúng, tránh đưa cảm xúc cá nhân vào thông tin. Ngoài ra, tính thực tế (thực tiễn) cũng là một trong những trọng tâm của quá trình đưa tin tức gốc trong lĩnh vực báo chí. Cụ thể, các tin tức gốc do một nhà báo nào đó tường thuật (không phải dẫn lại từ một nguồn khác) cần phản ánh đúng thực tiễn xảy ra. Trong khi đó, “tin giả” minh hoạ cách sự thật có thể được diễn giải theo những cách khác nhau và đặt vào trong các bối cảnh khác nhau để làm sai lệch bản chất.

Vân An lược dịch

Nguồn

Borden, S. L., & Tew, C. (2007). The Role of Journalist and the Performance of Journalism: Ethical Lessons From “Fake” News (Seriously). Journal of Mass Media Ethics, 22(4), 300-314. https://doi.org/10.1080/08900520701583586

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của nhà báo: Bài học đạo đức đến từ hiện tượng “tin giả” tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19