Cuối năm 2020, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố phiên bản đầu tiên của danh sách tạp chí quốc tế thuộc diện “đáng ngờ” bao gồm 65 tạp chí, tất cả đều nằm trong danh mục ISI/WoS. Đúng một năm sau, ngày 31/12/2021, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố danh sách cập nhật gồm 35 tạp chí thuộc diện “đáng ngờ”. Đa số tạp chí nằm trong danh sách năm 2020 được loại khỏi danh sách năm 2021.
Theo nhóm tác giả, động cơ thúc đẩy việc thành lập danh sách tạp chí thuộc diện “đáng ngờ” xuất phát từ thông báo “Một số ý kiến chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc xây dựng liêm chính khoa học” được ban hành đồng thời bởi hai cơ quan quyền lực bên phía Đảng và Chính phủ Trung Quốc năm 2018. Từ Thông báo này, các cơ quan quản lý liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức hàng loạt hoạt động đưa liêm chính khoa học trở thành một phần thiết yếu hàng ngày của hoạt động nghiên cứu tại nước này. Mặt khác, tác giả cũng chỉ ra bên cạnh sự gia tăng nhanh chóng số lượng công bố quốc tế những năm gần đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn nạn gian lận khoa học nghiêm trọng, thể hiện qua tỷ lệ bài báo từ quốc gia này bị các tạp chí rút bỏ do sai phạm tăng vọt từ 14,4% (năm 2011) lên 53,2% (năm 2020) tổng số bài báo bị gỡ bỏ trên toàn cầu. Kể từ năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã phối hợp với nhiều cơ quan điều tra và xử lý mạnh tay các hành vi gian lận khoa học. Từ tháng 6/2021, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc bắt đầu thông báo công khai kết quả điều tra và hình phạt đối với các trường hợp vi phạm liêm chính nghiên cứu trên trang web của cơ quan này.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đã đưa ra 6 tiêu chí cụ thể để phân loại các tạo chí “đáng ngờ” của Trung Quốc, trong đó gồm có tỉ lệ rút bài, tốc độ tăng số lượng bài, mức độ quốc tế hoá, phí xử lý bài báo, mức độ ảnh hưởng của các công trình và tỷ lệ tự trích dẫn… Ngoài 6 tiêu chí trên, các tác giả cũng khẳng định mức độ ảnh hưởng của hoạt động biên tập đến việc lựa chọn các tạp chí thuộc diện "đáng ngờ".
Ngoài ra, theo nghiên cứu, danh sách này có thể được hiểu là một “phản ứng thị trường” đối với các vấn đề ngày càng tăng liên quan đến tính toàn vẹn và chất lượng của nghiên cứu trong ngành xuất bản. Bài báo cũng cho thấy sự khác nhau trong cách phản ứng của các tổ chức tài trợ nghiên cứu và tác giả trước xu hướng tăng nhanh số lượng bài báo trên các tạp chí đáng nghi vấn. Những phản ứng như vậy cũng có thể trở nên dễ nhận biết đối với các nhà tài trợ nghiên cứu ở các nơi khác trên thế giới. Chẳng hạn, tại các quốc gia cộng tác trong Liên minh S, nhóm các nhà tài trợ nghiên cứu quốc gia, các tổ chức châu Âu và quốc tế và các quỹ từ thiện hiện đang thúc đẩy truy cập mở cùng với Ủy ban châu Âu.
Nguồn
Zhang, L., Wei, Y., Sivertsen, G., & Huang, Y. (2022). The motivations and criteria behind China’s list of questionable journals. Learned Publishing. https://doi.org/10.1002/leap.1456
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.