MẠO DANH CÁC BIÊN TẬP VIÊN KHÁCH MỜI ĐỂ XUẤT BẢN CÁC BÀI BÁO GIẢ MẠO

Hàng trăm các bài báo được công bố trên các tạp chí có phản biện đang bị gỡ bỏ sau khi bị phát hiện ra rằng chúng được công bố trên các số đặc biệt cho dù có chất lượng rất kém, nhờ những nhóm lừa đảo giả mạo làm biên tập viên khách mời.

Elsevier đang gỡ bỏ 165 bản thảo hiện đang trong quá trình chuẩn bị công bố, và có kế hoạch gỡ hơn 300 bài báo đã được công bố khác. Cùng với đó, Springer Nature cũng đang rút 62 bài báo. Tất cả số này được công bố trên các số đặc biệt (special issue) của các tạp chí của họ. 

Người phát ngôn của Springer Nature nói rằng họ đã tiến hành một cuộc điều tra và phát hiện ra những “nỗ lực có chủ ý nhằm phá hoại quy trình biên tập dựa trên niềm tin và thao túng hồ sơ xuất bản”. Tuy vậy, họ vẫn chưa tìm ra được ai chịu trách nhiệm cho việc này. Elsevier thì nói rằng họ đã tiến hành các biện pháp để ngăn chặn các vấn đề tương tự trong tương lai. 

Lừa đảo thông qua các số đặc biệt

Các tạp chí thường xuất bản các số đặc biệt - tức tập hợp các bài báo tập trung vào một chủ đề cụ thể thuộc phạm vi nội dung của họ. Những số này thường được phụ trách bởi các biên tập viên khách mời, những người là chuyên gia trong các chủ đề đó, nhưng thường không liên quan tới ban biên tập chính của tạp chí.

Các sai phạm liên quan tới việc lợi dụng các số đặc biệt để xuất bản các bài báo kém chất lượng trên các tạp chí uy tín đã bị phát hiện trong những năm gần đây. Nhưng số lượng các bài báo bị ảnh hưởng dường như đang ngày càng gia tăng.

Năm 2016, trang web Retraction Watch đã báo cáo về một sự vụ mà những kẻ lừa đảo đã giả làm một nhà khoa học có tên tuổi để lừa tạp chí The Scientific World Journal, một tạp chí thuộc NXB, cho phép chúng trở thành biên tập viên khách mời cho một số đặc biệt về phương pháp metaheuristics. Một cuộc điều tra sau đó được thực hiện bởi NXB đã nhận thấy rằng nhiều bản báo cáo phản biện cho các bài báo kém chất lượng đó đến từ các tài khoản email bị lấy cắp từ các nhà nghiên cứu khác. Hindawi không tìm ra được người đứng sau sai phạm này, và cho biết họ đã tiến hành các biện pháp để ngăn chặn các vấn đề tương tự trong tương lai. 

Vào tháng 12 năm 2020, Tạp chí Journal of Nanoparticle Research của Springer Nature đã tuyên bố rằng họ đã bị “tấn công theo một cách thức mới, được tiến hành bởi một mạng lưới phức tạp và có tổ chức”. Một nhóm tự xưng là các nhà khoa học và kỹ sư máy tính đến từ các tổ chức uy tín tại Đức và Vương quốc Anh đã viết thư cho các biên tập viên của tạp chí, đề xuất thực hiện một số đặc biệt về vai trò của công nghệ nano trong chăm sóc sức khỏe vào tháng 9 năm 2019. Ban biên tập đã chấp nhận đề xuất đó, tạo một mục truy cập số đặc biệt trong hệ thống quản lý biên tập của nó và cấp cho ba thành viên của nhóm này quyền truy cập để họ có thể xử lý các bản thảo.

Nhiều tháng sau, một số thành viên trong ban biên tập bắt đầu nhận thấy rằng hầu hết các bản thảo gửi cho số đặc biệt này đều có chất lượng kém hoặc không phù hợp với chủ đề. Họ đã mở một cuộc điều tra, nhưng cho tới lúc đó, 19 trong số 80 bản thảo đã được chấp nhận hoặc xuất bản. Những bài báo này sau đó đã bị gỡ bỏ.

Cuộc điều tra cho thấy những người đề xuất số đặc biệt không phải là những nhà khoa học mà họ xưng họ là. Thay vào đó là những kẻ lừa đảo sử dụng tên miền Internet trông rất giống với địa chỉ e-mail tổ chức thực sự của các nhà khoa học. Chúng bao gồm hậu tố e-mail với ‘univ’ thay vì ‘uni’ và ‘-ac.uk’ thay vì ‘.ac.uk’. Cũng có những điểm bất thường được nhận thấy về danh tính của người phản biện và báo cáo của người phản biện đó.

“Tất cả các bằng chứng đều chỉ ra một mạng lưới có tổ chức đang cố gắng - trong trường hợp này là đã thành công - xâm nhập vào các tạp chí khoa học với mục tiêu dễ dàng xuất bản các bản thảo của các nhà khoa học giả hoặc các nhà nghiên cứu kém năng suất muốn xuất hiện trên các tạp chí uy tín”, ba thành viên của ban biên tập tạp chí khẳng định trong  một bài báo đăng tải vào tháng 12.

Động cơ không rõ ràng

Hiện vẫn chưa rõ tại sao những kẻ lừa đảo này lại thao túng hệ thống để xuất bản các bài báo giả mạo. Cabanac gợi ý rằng có thể là do áp lực buộc các nhà nghiên cứu phải xuất bản các bài báo để tiếp tục sự nghiệp của họ. Việc được công bố trên các tạp chị - ngay cả khi các bài báo của họ rõ ràng là vô nghĩa - có thể cho phép một số nhà nghiên cứu “gia tăng hồ sơ công bố cho CV của họ và một thẻ xanh để ở lại học viện”, ông chia sẻ. 

Nhưng động cơ của những kẻ lừa đảo vẫn là một bí ẩn đối với Ivan Oransky, một nhà báo điều hành Retraction Watch. Ngay cả tiêu đề của những bài báo đó, vốn được liệt kê như một phần của hồ sơ xuất bản của một cá nhân, cũng thường không có ý nghĩa. "Các bài báo trông hiển nhiên là có chất lượng tồi tệ, vậy tại sao bạn lại muốn chúng có trong CV của mình?" Ông cũng nghi ngại rằng những vấn đề lừa đảo liên quan tới các số đặc biệt này không hề mới, chỉ là chúng mới được các NXB phát hiện ra gần đây.

Các gỡ bỏ mới nhất từ ​​Springer Nature và Elsevier cho thấy rằng phương thức lừa đảo này đang trở nên phức tạp và phổ biến hơn. Vào tháng 7, Elsevier đã đưa ra lời bày tỏ quan ngại đối với hơn 400 bài báo được xuất bản trong 6 số đặc biệt của Microprocessors and Microsystems, sau khi ban biên tập lo ngại về tính liêm chính và chất lượng phản biện của các bài báo đó. Nhiều bài báo là của các tác giả làm việc tại các cơ quan Trung Quốc và hầu hết đều chứa những cụm từ vô nghĩa mà Elsevier cho rằng đến từ việc sử dụng phần mềm dịch ngược để ngụy tạo đạo văn.

Elsevier nói rằng sự cố xảy ra do lỗi cấu hình tạm thời trong hệ thống biên tập của họ, lỗi này đã được sửa ngay sau khi được phát hiện. Nhà xuất bản đã rút 165 bài báo trên báo chí và dự kiến ​​rút thêm 300 bài khác. NXB cho biết họ sẽ yêu cầu xác nhận danh tính và trình độ của các biên tập viên khách mời và từ nay sẽ yêu cầu tổng biên tập hoặc các thành viên ban biên tập xác nhận sự chấp nhận của từng bài báo để mọi bất thường đều được cảnh báo trong quá trình thực hiện một số đặc biệt.

Nhà xuất bản cũng đang làm việc với Cabanac và các đồng nghiệp của ông để phát triển các công cụ máy tính mã nguồn mở có thể gắn cờ khi các bài báo chứa các câu từ được tạo tự động.

Springer Nature cho đến nay đã rút lại 62 trong số 436 bài báo được xuất bản trong "bộ sưu tập chuyên đề" của Tạp chí Arabian Journal of Geoscience, mà nó đã đưa ra thông báo lo ngại vào tháng 9. Các đoạn văn trong các bài báo này liên tục chuyển qua lại giữa hai chủ đề hoàn toàn không liên quan với nhau. Ví dụ: 71 bài báo có phần tóm tắt hoặc tiêu đề chứa các từ 'khiêu vũ', 'thể dục nhịp điệu' hoặc 'thể thao' liên quan đến khoa học địa lý, bao gồm cả các bài báo như: 'Độ cao mực nước biển dựa trên dữ liệu lớn của Internet of Things và dạy thể dục nhịp điệu ở các vùng ven biển' (Sea level height based on big data of Internet of Things and aerobics teaching in coastal areas). 24 bài báo khác trong một số đặc biệt của tạp chí Personal and Ubiquitous Computing cũng đang được điều tra tại Springer Nature.

NXB cho biết ngoài việc tăng cường các kiểm chứng, họ đang phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo có thể xác định và ngăn chặn các nỗ lực cố tình thao túng hệ thống. Nó cũng đang thu thập bằng chứng về cách các hành vi lừa dối được thực hiện để chia sẻ với các nhà xuất bản khác. Người phát ngôn của NXB tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho những nỗ lực cố ý phá hoại quá trình xuất bản.”

Linh Chi dịch

Nguồn

Holly Else. (2021, November 08). Scammers impersonate guest editors to get sham papers published. Nature

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết MẠO DANH CÁC BIÊN TẬP VIÊN KHÁCH MỜI ĐỂ XUẤT BẢN CÁC BÀI BÁO GIẢ MẠO tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19