Giải thưởng Nobel năm 2021: Những bài học cho các lĩnh vực giáo dục đại học, khoa học và xã hội

Mùa giải Nobel 2021 đã phản ảnh nhiều về những xu hướng trong giáo dục đại học và khoa học. Kết quả mùa giải đã cho thấy rằng chỉ những trường đại học hàng đầu toàn cầu mới “tạo ra” những người đoạt giải Nobel. Hoa Kỳ và Anh là hai quốc gia có số lượng người đạt giải Nobel nhiều nhất. Trong đó, một số nhà khoa học đạt giải Nobel sinh ra ở nhiều quốc gia khác, tuy nhiên sau đó định cư đến Hoa Kỳ. Đặc biệt, các nhà khoa học nữ vắng bóng hoàn toàn trong danh sách những người đạt giải Nobel.

Họ là ai, và đến từ đâu?

Trong mùa giải Nobel năm 2021, 10 nhà khoa học đạt giải đều là nam giới. Từ trước đến nay, mới chỉ có 25 phụ nữ được trao giải Nobel về khoa học (đỉnh cao là vào năm 2020, trong số 10 người nhận giải có 3 phụ nữ). Những người giành giải thưởng năm nay công tác tại các trường đại học ở 3 quốc gia – 7 trong số đó ở Hoa Kỳ, 2 ở Đức và 1 ở Ý. Ba người làm việc tại các viện nghiên cứu (trong đó 2 người công tác tại Viện Max-Planck của Đức, và 1 tại Viện Y tế Howard Hughes của Hoa Kỳ), và 7 tại các trường đại học. Có thể dự đoán được, những trường đại học nêu trên đều là những trường đại học nghiên cứu được xếp hạng hàng đầu, nhận được nguồn tài trợ dồi dào và rất có tiếng tăm, chẳng hạn như Đại học Stanford và Đại học Princeton.

Xuất thân, quá trình học tập và công tác của những người đoạt giải Nobel năm 2021

Điều thú vị là chỉ có 2 trong số những người đoạt giải Nobel năm nay sinh ra ở Hoa Kỳ (những người còn lại sinh ra ở Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Liban, Hà Lan và Vương quốc Anh), mặc dù 6 trong số 10 người kể trên hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ. 6 người trong số họ đoạt giải nhận bằng tiến sĩ tại các trường đại học Hoa Kỳ, 2 người tại Đức, 1 người tại Nhật Bản, 1 người tại Ý. Mặt khác, nơi những người đoạt giải Nobel năm nay nhận bằng cử nhân đã phản ánh sinh động sự đa dạng về nơi sinh của những học giả đoạt giải – chỉ 2 trong số 10 người kể trên nhận bằng cử nhân tại các trường đại học Hoa Kỳ. Các học giả còn lại theo học đại học ở Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Lebanon, Hà Lan và Scotland – song đều là những trường đại học hàng đầu ở các quốc gia đó. Để học sau đại học, họ chuyển nơi sinh sống từ vùng ngoại ô đến các đô thị trung tâm.

Con đường sự nghiệp của những người đoạt giải Nobel năm nay cũng rất đáng chú ý. Năm 2021, chỉ 4 trong số những người đoạt giải sinh sống ổn định tại một quốc gia (Hoa Kỳ) – đôi khi họ thay đổi nơi công tác giữa các trường đại học hàng đầu; trong khi 6 người còn lại đã từng công tác ở nhiều quốc gia – từ vị trí thỉnh giảng đến những công việc toàn thời gian. 

Nền khoa học mang tính quốc tế, nhưng vẫn có những giới hạn và sự phân tầng

Học vấn và sự nghiệp của những người đoạt giải Nobel năm nay cho thấy các nhà khoa học hàng đầu thường có những chuyến công tác quốc tế trong sự nghiệp. Một số học giả tổ chức những cuộc gặp gỡ tại các trường đại học xếp hạng cao ở nước ngoài, và họ có xu hướng tìm đến những quốc gia có những nền khoa học tiên tiến nhất – đặc biệt là Hoa Kỳ.

Sự nghiệp của những người đoạt giải Nobel năm nay cho thấy tính chất quốc tế, nhưng vẫn giới hạn trong giới tinh hoa, cho thấy phạm vi của khoa học toàn cầu và tầm quan trọng của việc giao thoa ý tưởng khoa học. Quá trình học tập và công tác của những người đoạt giải Nobel năm nay, đặc biệt là lựa chọn du học bậc sau đại học, trao đổi học giả, và một số hoạt động hợp tác quốc tế có thể báo hiệu sự thay đổi thành phần của các học giả ưu tú trong thế giới học thuật, theo hướng xuất hiện nhiều hơn những đặc tính của quá trình quốc tế hóa nghiên cứu.

Cũng giống như những năm trước, những người đoạt giải Nobel năm 2021 chủ yếu đại diện cho một vài quốc gia nếu tính theo những trường đại học và viện nghiên cứu nơi họ làm việc, và không có đại diện từ bất kỳ nơi nào khác ngoài châu Âu và Hoa Kỳ. Điều đáng chú ý là, trong một số trường hợp, nghiên cứu đoạt giải Nobel diễn ra tại một trường hoặc một quốc gia không phải là nơi công tác chính thức người đoạt giải. Có rất ít dấu hiệu cho thấy “sự trỗi dậy của châu Á”, bất chấp sự đầu tư lớn vào nghiên cứu của những quốc gia thuộc châu lục này, đặc biệt của Trung Quốc, và sự tồn tại của những trường đại học được xếp hạng cao ở Hong Kong, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Nhìn từ khía cạnh này, bức tranh về những người đoạt giải Nobel là một “chỉ số tụt hậu” của thành tựu khoa học, nhưng người ta có thể nghĩ rằng sự độc quyền gần như tuyệt đối của khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu lúc này có lẽ đã suy yếu phần nào.

Giải thưởng Nobel năm 2021 cho chúng ta thấy điều gì về các trường đại học và khoa học?

Rõ ràng là Hoa Kỳ vẫn thống trị các giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học. Vào năm 2021, các nhà khoa học công tác tại các trường đại học Hoa Kỳ đã giành được 7 trong số 10 hạng mục giiar. Tất nhiên, không phải tất cả những người đoạt giải đều được sinh ra hoặc học đại học tại Hoa Kỳ. Trong năm nay, chỉ 2 người đoạt giải sinh ra ở Hoa Kỳ và học đại học tại đây – mặc dù có đến 6 người nhận bằng tiến sĩ tại các trường đại học Hoa Kỳ, như đã đề cập ở trên. Điều này không có gì lạ và cho thấy sức hút mạnh mẽ của các trường đại học nghiên cứu của Mỹ.

Các giải thưởng Nobel cho thấy khoa học cơ bản vừa có tính tập trung vừa phân tầng. Trong hai thập kỷ qua, 103 trong tổng số 230 giải Nobel trong bốn lĩnh vực khoa học được trao cho các nhà khoa học sinh ra ở Hoa Kỳ, và 38 người được sinh ra ở những nước nói tiếng Anh khác. Điều này không phải luôn như vậy. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, những nước nói tiếng Đức được xếp hạng cao, nhưng chế độ Đức Quốc xã đã phá hủy sự thống trị của nền khoa học Đức. Thực tế, trước năm 1948, Đức thường dẫn đầu về số lượng giải thưởng tính theo quốc tịch; một vài năm sau đó, Vương quốc Anh tiếp quản vị trí này, cho đến khi Hoa Kỳ vượt lên vào năm 1960, một phần nhờ vào sự nhập cư của người Do Thái và những nhà khoa học từ các quốc gia khác chạy trốn khỏi sự áp bức của Đức Quốc xã.

Liệu trong những năm tới, Hoa Kỳ và những nước nói tiếng Anh khác có thể mất đi vị trí thống trị của họ hay không? Bất chấp “sự trỗi dậy của Trung Quốc” được báo trước và một số bằng chứng cho thấy các thành tựu của khoa học cơ bản đang xuất hiện ở nhiều quốc gia tại các khu vực địa lý rộng lớn, không có gì đảm bảo rằng cán cân này sẽ thay đổi trong tương lai gần. Những trường đại học hàng đầu của Mỹ có hệ sinh thái ổn định: cơ sở hạ tầng tốt, văn hóa nghiên cứu xuất sắc, mức lương cao (theo tiêu chuẩn học thuật toàn cầu), nguồn kinh phí cho nghiên cứu dồi dào, có sự tự do học thuật và quyền tự chủ hợp lý, và điều quan trọng là họ có tiềm lực và sẵn sàng thu hút, giữ chân những nhân tài hàng đầu trên toàn cầu.

Một số thay đổi có thể xảy ra trong tương lai và điều đó rất đáng mong đợi. Sự mở rộng của các nghiên cứu cơ bản có tính đột phá trên toàn cầu sẽ giúp đa dạng hóa các chủ đề nghiên cứu và nhân lực tham gia vào lĩnh vực học thuật. Làn sóng những sáng kiến ​​khoa học xuất sắc đang diễn ra ở 15 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và một số quốc gia khác – và điều này, về trung hạn, có thể giúp củng cố vị thế những trường đại học nghiên cứu thứ hạng cao. Việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ khoa học toàn cầu mang lại cho cộng đồng khoa học toàn cầu một ngôn ngữ chung; tuy nhiên điều này vẫn sẽ mang lại lợi thế không thể phủ nhận cho những quốc gia sử dụng tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ.

Tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản

Các sản phẩm nghiên cứu khoa học trình độ cao, ở cấp độ xứng đáng nhận giải Nobel, rõ ràng phải đến từ tầng lớp tinh hoa của nền khoa học toàn cầu. Và trong bầu không khí học thuật mang tính “định hướng kết quả” như hiện nay, những tính toán trong dài hạn và định hướng về nghiên cứu cơ bản được hầu hết các chính phủ và trường đại học coi là một điều bất khả thi. Tuy nhiên, như các ủy ban giải thưởng Nobel xác nhận hàng năm, chính nghiên cứu cơ bản mới là những công trình mang lại kết quả thực tế tuyệt vời nhất về lâu dài – chẳng hạn như công trình của David Julius và Ardem Patapoutian về sự khám phá ra các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác, mà theo gợi ý của Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ – có thể hỗ trợ phát triển các phương pháp điều trị giảm đau mới. Do đó, điều đáng cân nhắc ở đây là, trong khuôn khổ những nỗ lực hỗ trợ quốc tế hóa nghiên cứu thông qua những chương trình tài trợ, dịch chuyển và hợp tác, chúng ta cũng cần đánh giá lại cách tiếp cận của mình đối với việc hỗ trợ nghiên cứu cơ bản ở quy mô toàn cầu.

Vân An dịch

Nguồn:

Altbach, P. G., & DeLaquil, T. (2021). The 2021 Nobels: Lessons for HE, science and society. University World News.

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Giải thưởng Nobel năm 2021: Những bài học cho các lĩnh vực giáo dục đại học, khoa học và xã hội tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19