Ở khu vực Hạ Sahara thuộc châu Phi, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, Toán học là một trong những môn học quan trọng nhất; song vấn đề năng lực và thành tích Toán học của học sinh, sinh viên nơi đây vẫn gây nhiều quan ngại. Nhiều nhà lãnh đạo trường học và các bên làm giáo dục tại khu vực này đã có nhiều nỗ lực để triển khai các phương pháp dạy và học phù hợp nhằm khơi dậy sự hứng thú của học sinh trong bộ môn Toán, cải thiện năng lực và thành tích của các em. Những nỗ lực này đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực giáo dục Toán học nói riêng và nghiên cứu giáo dục nói chung. Tuy nhiên, qua quá trình tổng hợp tài liệu, nhóm nghiên cứu của Yarhands Dissou Arthur và cộng sự nhận thấy vai trò của yếu tố “sự hứng thú của học sinh, sinh viên” đã không nhận được sự quan tâm đúng mức. Nghiên cứu này tìm cách khoả lấp sự thiếu hụt trên thông qua việc xác định ảnh hưởng của yếu tố “sự hứng thú với việc học Toán” trong mối quan hệ giữa động lực học Toán, học tập với sự hỗ trợ của bạn bè (hỗ trợ đồng trang lứa) và chất lượng giảng dạy toán học.
Cụ thể, nghiên cứu này có ba đóng góp chính về lý luận. Thứ nhất, nghiên cứu đề xuất rằng, sự hứng thú của học sinh đối với việc học toán là yếu tố trung gian trong việc cải thiện mối quan hệ giữa động lực và mức độ hiệu quả trong việc học toán của các em. Điều này có nghĩa là nhóm nghiên cứu tin rằng động lực học tập toán học sẽ ảnh hưởng đến mức độ hứng thú học toán của học sinh, trong khi sự hứng thú với việc học toán của học sinh sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập môn toán. Thứ hai, nghiên cứu cho rằng cần lấy sở thích học toán làm yếu tố trung gian trong việc cải thiện mối quan hệ giữa việc học tập có sự hỗ trợ của bạn bè (học tập đồng trang lứa) và động cơ học toán. Điều này có nghĩa rằng việc học tập có sự hỗ trợ của bạn bè cùng lứa tuổi sẽ kích thích học sinh quan tâm đến toán học, và sự quan tâm đến toán học của học sinh cũng sẽ dẫn đến thành tích tốt hơn trong môn học này. Cuối cùng, nghiên cứu cho rằng sự hứng thú với việc học toán của học sinh là yếu tố trung gian tác động đến mối quan hệ giữa chất lượng giảng dạy (theo cảm nhận của học sinh) và thành tích học toán.
Thiết kế chính của nghiên cứu này là một bảng khảo sát, thu thập và xử lý thông tin định lượng sử dụng các công cụ mô tả và suy luận. Khách thể khảo sát chủ yếu của nghiên cứu này là các sinh viên đại học năm thứ nhất tại Trường Đại học Akenten Appiah-Menka (AAMUSTED), với tổng số sinh viên là 6000. Nghiên cứu sử dụng hai loại kỹ thuật lấy mẫu là kĩ thuật lấy mẫu có mục đích và kĩ thuật lấy mẫu thuận tiện.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhìn chung trong nhóm khách thể khảo sát là sinh viên, động lực học tập môn Toán là yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến thành tích học tập toán của các sinh viên năm thứ nhất. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của yếu tố động lực học Toán đến thành tích môn học này không chỉ là mối quan hệ tác động trực tiếp, mà một phần còn liên quan đến sự hứng thú trong việc học tập môn toán. Cuối cùng, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc học tập môn Toán với sự hỗ trợ của bạn bè (học tập đồng trang lứa) không có tác động đáng kể về mặt thống kê nào đối với thành tích học tập Toán học của sinh viên.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Arthur, Y. D., Dogbe, C. S. K., & Asiedu-Addo, S. K. (2022). Enhancing Performance in Mathematics Through Motivation, Peer Assisted Learning, And Teaching Quality: The Mediating Role of Student Interest. Eurasia Journal of Mathematics, Science and Technology Education, 18(2), em2072. https://doi.org/10.29333/ejmste/11509
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.