Các nhà khoa học nữ làm thay đổi “bộ mặt” của châu Phi

Số lượng phụ nữ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở châu Phi hiện nay đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Với tài năng của mình, nhiều nhà khoa học nữ đang nỗ lực tìm ra các giải pháp sáng tạo để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, cũng như tích cực kết nối nhiều thành viên tham gia vào những dự án ý nghĩa của họ.

Thông tin trên được công bố trong loạt bài đặc biệt gần đây của Nature. Trong số 103 nhà nghiên cứu nữ ở Châu Phi tham gia phỏng vấn, có 59 đáp viên chia sẻ họ từng du học nước ngoài với mục đích tích lũy kinh nghiệm quốc tế, xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp và tiếp thu kiến thức chuyên môn đặc biệt. Nhiều người trong số họ lựa chọn hy sinh lợi ích cá nhân để theo đuổi con đường học thuật, bao gồm việc phải xa con cái để du học.

Theo Nature, so với các nhà khoa học nữ ở các quốc gia phát triển, các nhà nghiên cứu ở châu Phi gặp phải những rào cản lớn hơn trong việc phát triển sự nghiệp thuộc các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Ngoài ra, họ cũng đối mặt một số thách thức tương tự như đa số nhà nghiên cứu nữ trên toàn cầu. Chẳng hạn, họ phải dành nhiều thời gian cho việc mang thai, nghỉ thai sản, chăm sóc con nhỏ và làm nội trợ. Một số chuyên gia nữ tại châu Phi thừa nhận rằng họ không thể thăng tiến nhanh như các đồng nghiệp nam, mặc dù tốc độ xuất bản công trình nghiên cứu hiện đang tương đương, đồng thời cũng thu hút được nhiều kinh phí và nguồn tài trợ thiết bị nghiên cứu cho cơ quan nơi họ công tác.

Tuy phải đối đối diện với nhiều thách thức, Nature ghi nhận số lượng phụ nữ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở châu Phi đang gia tăng mạnh mẽ, từ việc tham gia thành lập doanh nghiệp, khởi động các dự án giáo dục - khoa học phi lợi nhuận cho đến đào tạo thế hệ nhà khoa học kế tiếp và tham gia các tổ chức về y tế, nông nghiệp và không gian. Một số gương mặt nữ khoa học gia có nhiều cống hiến cho cộng đồng bao gồm: Khady Sall (Senegal) - người hồi năm 2020 đã dẫn đầu một dự án sản xuất tấm chắn giọt bắn phòng chống COVID-19; Veronica Okello (Kenya) - người đang nghiên cứu phương pháp tiếp cận “xanh” nhằm làm sạch các kim loại nặng; Aster Tsegaye - chuyên gia về HIV/AIDS đang giúp đào tạo các nhà nghiên cứu ở Ethiopia.

Không chỉ vậy, nhiều nhà khoa học nữ cũng tích cực tham gia vào nỗ lực trao quyền cho cộng đồng, giúp truyền đạt kiến thức khoa học đến nhiều đối tượng hơn. Cụ thể, chuyên gia Pontsho Maruping đã quyết định ngừng làm việc trong lĩnh vực khai thác mỏ của Nam Phi để chuyển sang giúp phát triển chương trình không gian và thiên văn học của đất nước, chuyên gia Adidja Amani giúp điều hành các chương trình tiêm chủng tại Bộ Y tế Cameroon. Còn nhà nghiên cứu đại số lượng tử Angela Tabiri (Ghana) thì thành lập một mạng lưới các nhà toán học nữ.

Nhằm giúp các chuyên gia nữ vượt qua những thách thức trên con đường nghiên cứu khoa học, một số sáng kiến hỗ trợ họ đang được triển khai trên khắp “lục địa đen”. Chẳng hạn, bắt đầu từ năm 2011, Hiệp hội Ðào tạo Nghiên cứu Nâng cao ở châu Phi đã tài trợ cho 228 trường hợp nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ, 57% trong số đó là nữ. Tương tự, Viện Khoa học Toán học châu Phi đặt ra mục tiêu chính là tăng số lượng sinh viên ngành Toán học và đại diện nữ giới trong lĩnh vực STEM của châu lục.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Female scientists in Africa are changing the face of their continent. (2022). Nature, 602(7898), 547–548. https://doi.org/10.1038/d41586-022-00492-x 

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Các nhà khoa học nữ làm thay đổi “bộ mặt” của châu Phi tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19