10 bước để hoàn thiện và phổ biến một trang blog khoa học

Trong một thế giới được bao trùm bởi tin tức 24/7 và những phương tiện truyền thông xã hội như hiện nay, việc xây dựng một trang blog khoa học và đăng tải trực tuyến là một yêu cầu bắt buộc nếu bạn muốn công trình của mình nhận được sự chú ý.

Trên thực tế, các trang blog trực tuyến là một trong những phương tiện vô cùng hữu hiệu để quảng bá bài nghiên cứu của bạn, cũng như trao đổi với các nhà nghiên cứu khác. Mặc dù việc này có thể đòi hỏi bạn dành một khoảng thời gian đáng kể, song những nỗ lực sẽ được đền đáp khi bạn và công trình khoa học của mình được biết đến nhiều hơn trong “đám đông” các công bố khoa học của thế giới.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số nguyên tắc cơ bản về cấu trúc của một trang blog nghiên cứu, các nguyên tắc chính khi viết một bài blog khoa học và một số mẹo viết blog khoa học. Nếu thực hiện tốt những nguyên tắc này, bạn có thể tiếp cận với nhóm đối tượng độc giả lớn hơn nhiều so với các phương pháp phổ biến công trình nghiên cứu truyền thống.

Thực tế, việc xây dựng một trang blog không phức tạp như bạn nghĩ. Trong số 10 bước được chỉ ra dưới đây, có thể bạn không cần thực hiện đúng theo thứ tự. Tuy nhiên, điều quan trọng là với mỗi bước, bạn cần dành thời gian suy nghĩ một cách thấu đáo. Hãy trao đổi với các đồng nghiệp đã từng thành công trong việc xây dựng những trang blog khoa học, nghiên cứu các blog mẫu mà bạn đã từng đọc trước đó, và để ý xem những loại bài viết nào nhận được nhiều sự chú ý. Với một chút thời gian và luyện tập, bạn sẽ gia tăng số độc giả tiếp cận được với blog của mình, cũng như tăng cường sự tập trung của bản thân đối với công việc này.

Bước 1 - Xác định chủ đề và các yếu tố chính mà blog của bạn sẽ tập trung khai thác

Dĩ nhiên, blog khoa học thì phải nói về khoa học, nhưng bạn cũng có thể thu hút nhiều độc giả tiềm năng với các bài viết và thông tin liên quan đến một lĩnh vực cụ thể mà bạn đang theo đuổi. Chẳng hạn, nếu các nghiên cứu của bạn tập trung vào chủ đề chiến lược học tập, bạn có thể muốn viết nhiều bài hơn về các nghiên cứu xoay quanh những “phong cách” học tập hiệu quả.

Bước 2 - Lựa chọn một nền tảng để tạo blog

Hiện nay, có rất nhiều nền tảng blog cho phép bạn nhanh chóng xây dựng một blog của riêng mình hoàn toàn miễn phí hoặc với một chút kinh phí nhỏ, chẳng hạn như WordPress, Blogger, Wix, Squarespace, v.v… Mỗi nền tảng sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng, và bạn cần tìm hiểu, lựa chọn dựa trên nhu cầu thực tế của bản thân.

Bước 3 - Đặt mua tên miền

Bạn hãy chọn một tên miền dễ nhớ và dễ tìm đối với người đọc. Đa số các nhà khoa học sẽ lựa chọn một tên miền dựa trên (hoặc có liên quan) đến tên của họ, lĩnh vực nghiên cứu hay tên dự án mà họ đang thực hiện. Cần lưu ý rằng một số nền tảng blog cũng có sẵn tính năng cho phép bạn chọn và đặt mua tên miền.

Bước 4 - Đặt tên cho blog

Bạn sẽ cần đặt một cái tên cho trang blog của mình, có liên quan đến tên miền mà bạn đã lựa chọn. Tên của blog có thể dài hơn, chi tiết hơn tên miền, hoặc bạn có thể lấy luôn tên của mình cũng được cho đơn giản. Tuy nhiên, bạn càng đặt tên blog một cách sáng tạo, người đọc sẽ càng có nhiều khả năng sẽ chú ý đến trang blog của bạn hơn.

Bước 5 - Xây dựng hồ sơ về bạn

Khi tạo blog, bạn sẽ được yêu cầu viết một trang giới thiệu để người đọc có thể tìm hiểu nhiều hơn về tác giả của blog. Hãy thử xem qua một số trang hồ sơ của những blogger mà bạn thích đọc. Đây là một không gian mà bạn có thể thể hiện sự sáng tạo, thu hút sự hứng thú của người đọc bằng cách mô tả bản thân theo những cách thức độc đáo. Đừng quên đính kèm một bức hình cá nhân của mình nhé.

Bước 6 - Lập kế hoạch

Sau khi đã hoàn tất việc thiết lập ban đầu đối với trang blog và xác định được chủ đề chính, hãy xây dựng kế hoạch để có ít nhất một bài đăng một tuần.

Bước 7 - Mời mọi người theo dõi

Sau khi bạn đã có một vài bài viết đầu tiên, hãy mời các đồng nghiệp và bạn bè theo dõi trang blog của mình, và đề nghị họ hãy chia sẻ với cả bạn bè của họ nữa.

Bước 8 - Tương tác

Có lẽ bước quan trọng nhất sau khi bạn bắt đầu trang blog của mình là tương tác với các blog khác. Hãy theo dõi những trang blog có liên quan đến lĩnh vực của bạn và để lại những bình luận thực sự có liên quan và có ý nghĩa. Càng làm như vậy nhiều và thường xuyên, người đọc những trang blog trên sẽ để ý và theo dõi blog của mình. Tương tự, nếu có độc giả để lại bình luận trong bài viết của bạn, hãy trả lời họ một cách nhanh chóng và nhiệt tình. Càng tương tác nhiều, bạn sẽ càng thấy có nhiều hoạt động trên blog của bạn.

Bước 9 - Chia sẻ

Hãy đảm bảo rằng bạn chia sẻ tất cả liên kết của các bài blog bạn viết trên các tài khoản mạng xã hội bạn có, chẳng hạn Facebook, Twitter và LinkedIn. Việc quảng bá bài viết của bạn trên các phương tiện truyền thông đại chúng là tối quan trọng để nhận được sự chú ý trên giao lộ thông tin vốn đã luôn đông đúc.

Bước 10 - Theo dõi

Tất cả các nền tảng blog đều có các công cụ tích hợp sẵn để giúp bạn hiểu hơn về những đối tượng độc giả thường xuyên theo dõi blog của mình, và làm cách nào mà họ tìm thấy blog của bạn. Bạn cũng sẽ nhận được các phân tích kĩ lưỡng về các từ khoá và chủ đề có hiệu quả có khả năng thu hút sự quan tâm lớn nhất của các độc giả.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Elsevier Author Services. (2021, October 4). How to Write an Academic Blog Post and Get Noticed. Elsevier Author Services - Articles. 

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết 10 bước để hoàn thiện và phổ biến một trang blog khoa học tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19