Tự học các môn khoa học trong thời dịch Covid-19 và tầm nhìn trong tương lai

Trước bối cảnh phải đột ngột chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến hồi tháng 3/2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các giáo viên phải dần tìm đến các nguồn tài nguyên trực tuyến để hỗ trợ học sinh tự học tại nhà. Nhóm nghiên cứu của Libby Gerald và cộng sự (2021) ghi nhận ý kiến của 12 giáo viên về quan điểm và cách thức tìm kiếm, ứng dụng các nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER) để hỗ trợ việc tự học các môn Khoa học của học sinh.

Nghiên cứu này tận dụng một cuộc “thí nghiệm của tự nhiên” do đại dịch Covid-19 gây ra đã buộc các nhà trường và giáo viên phải chuyển đổi sang hình thức dạy học trực tuyến, trong đó giáo viên sẽ lựa chọn, điều chỉnh các nguồn tài nguyên giáo dục trực tuyến (OER) cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện của lớp và môn học, đồng thời thích nghi các kĩ năng giảng dạy môn khoa học trực tiếp của họ trong các phòng học ảo. Nhóm nghiên cứu tìm hiểu một mẫu nghiên cứu gồm 12 giáo viên dạy môn khoa học bậc trung học, trước đó đã từng có kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tại các trường trên khắp bang California (Mỹ), sử dụng OER trong giảng dạy trong hai tháng đầu đại dịch Covid-19 diễn ra.

Hai câu hỏi nghiên cứu chính được đặt ra bao gồm: (a) các giáo viên đã sử dụng OER trong việc giảng dạy các môn khoa học từ xa như thế nào để thúc đẩy việc tích hợp kiến thức, và (b) quan điểm của học sinh về việc sử dụng OER trong giảng dạy các môn khoa học từ xa như thế nào? Nguồn dữ liệu cho nghiên cứu được lấy từ các cuộc phỏng vấn với giáo viên, kéo dài từ 30-45 phút, về việc họ đã giảng dạy một bài học như thế nào trên môi trường trực tuyến, quá trình chuyển đổi, các chiến lược áp dụng và các công cụ kỹ thuật được sử dụng như thế nào. Bên cạnh đó, các tác giả còn sử dụng phương pháp “dự giờ”, tức là tham dự ngẫu nhiên các tiết học của các giáo viên được tiến hành trên nền tảng Zoom, và phát phiếu khảo sát các học sinh đã tham gia các lớp học trực tuyến đó.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trái ngược với cách sử dụng OER truyền thống là nhằm mục đích truyền tải thông tin hoặc gia tăng năng suất, giáo viên khi giảng dạy trực tuyến sử dụng OER để khuyến khích học sinh tham gia nhiều hơn (một cách trực quan) vào việc trình bày các ý tưởng khoa học của các em, thí nghiệm chứng minh các phỏng đoán thông qua việc sử dụng các mô hình máy tính, bổ sung phần lý giải kiến thức sau khi được góp ý. Các giáo viên đã hoặc chưa quen với OER có thể sử dụng các chức năng của các hệ thống OER để phục vụ công việc giảng dạy từ xa. Thứ nhất, tính năng ghi lại các bài tập của học sinh lên hệ thống có thể giúp giáo viên tạo các cuộc thảo luận liên quan đến những quan điểm, ý tưởng được học sinh nêu ra, và cho phép giáo viên phản hồi lại bài tập của từng em một cách chi tiết. Thứ hai, giáo viên có thể sử dụng hệ thống phân quyền sở hữu tài nguyên trên nền web của các hệ thống OER để cải tiến chương trình giảng dạy các môn khoa học cho phù hợp hơn với điều kiện giảng dạy trực tuyến. 

Vân An lược dịch

Nguồn:

Gerard, L. (2021, December 30). Self-directed Science Learning During COVID-19 and Beyond. SpringerLink. 

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Tự học các môn khoa học trong thời dịch Covid-19 và tầm nhìn trong tương lai tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19