Thao tác hoá khái niệm văn hoá Việt Nam trong SGK tiếng Anh: trường hợp Tết Nguyên đán

Nghiên cứu của nhóm tác giả đã chỉ ra rằng, chủ đề về Tết Nguyên đán Việt Nam đồng thời khơi dậy/ kích hoạt các chủ đề và yếu tố có liên quan như lễ hội, bánh chưng, mứt, tiền mừng tuổi, màu sắc, chùa chiền, lời chúc và giải trí.

Văn hoá là yếu tố đã thu hút sự chú ý của các nhà xây dựng chương trình học ngoại ngữ trên khắp thế giới, do mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và văn hoá trong việc dạy và học các ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Với sự phát triển của các tài liệu, giáo trình tiếng Anh do từng nước biên soạn trong thời gian qua, ngày càng có nhiều nghiên cứu về sự thể hiện yếu tố văn hoá bản địa trong các giáo trình tiếng Anh nói trên.

Bối cảnh của nghiên cứu này là ở Việt Nam, nơi tiếng Anh được dạy như một ngoại ngữ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vai trò của tiếng Anh được nhấn mạnh và đề cao một cách rõ rệt, được coi là “chìa khoá mở ra hội nhập trong nước và trong khu vực”. Các tài liệu dạy học tiếng Anh tại Việt Nam dựa vào cả các sách giáo khoa do các chuyên gia trong nước biên soạn (được sử dụng phổ biến tại các trường trung học) và các tài liệu nước ngoài (được sử dụng bởi các trường đại học và các trung tâm, viện đào tạo tiếng Anh).

Dữ liệu từ nghiên cứu này lấy từ Bài số 8: Lễ hội từ sách giáo khoa Tiếng Anh 11 trong bộ ba cuốn sách giáo khoa (Tiếng Anh 10, Tiếng Anh 11, Tiếng Anh 12) dành cho học sinh trung học phổ thông Việt Nam trên cả nước. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh này được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2007 và chính thức được đưa vào sử dụng trong nhà trường từ năm 2008, sau khi chính phủ Việt Nam yêu cầu cải cách chương trình giảng dạy tiếng Anh.

Bài học được lựa chọn vì những lý do sau: nội dung bài học này có liên quan cụ thể đến văn hoá Việt Nam; hình ảnh, chủ đề và nội dung bài đọc miêu tả một sự kiện cụ thể của dịp Tết Nguyên đán cổ truyền Việt Nam. Trên cơ sở này, các nhà khoa học đưa ra các câu hỏi nghiên cứu như sau: (1) Các khái niệm văn hoá Việt Nam về Tết Nguyên đán được thao tác hoá như thế nào?, (2) Các khái niệm trên được phản ánh như thế nào trong cuốn sách giáo khoa Tiếng Anh 11? Để trả lời các câu hỏi nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát dân tộc học trên các tài liệu có sẵn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và dựa trên trải nghiệm cụ thể của một trong các nhà nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chủ đề về Tết Nguyên đán Việt Nam đồng thời khơi dậy/ kích hoạt các chủ đề và yếu tố có liên quan như lễ hội, bánh chưng, mứt, tiền mừng tuổi, màu sắc, chùa chiền, lời chúc và giải trí. Khảo sát dân tộc học trên các lĩnh vực nhân học, sử học, văn hoá học và văn học cùng các phân tích văn bản/hình ảnh chỉ ra rằng các chất liệu địa phương được đề cập đến trong sách đã hàm chứa các khái niệm văn hoá Việt Nam, không chỉ ở bề nổi mà còn ở một mức độ sâu sắc hơn nhiều. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trên bình diện giảng dạy tiếng Anh, sự tái hiện các yếu tố văn hoá trong chương trình học không nên chỉ dừng lại ở “4F” (viết tắt 4 từ tiếng Anh: ẩm thực, thực tế, lễ hội và văn học dân gian). Đặc biệt, việc đính kèm các khái niệm văn hoá địa phương có thể giúp nâng cao nhận thức của học sinh về các phong tục văn hoá quê hương, mang đến cơ hội cho các em trò chuyện, trao đổi về vấn đề này trong mối liên hệ liên văn hoá với các quốc gia khác, bồi dưỡng lòng tự hào về văn hoá của dân tộc.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Dinh, T. N., & Sharifian, F. (2017). Vietnamese cultural conceptualisations in the locally developed English textbook: a case study of ‘Lunar New Year’/‘Tet.’ Asian Englishes, 19(2), 148–159. https://doi.org/10.1080/13488678.2017.1279763

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Thao tác hoá khái niệm văn hoá Việt Nam trong SGK tiếng Anh: trường hợp Tết Nguyên đán tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19