Dự định tiếp tục sử dụng các công cụ giảng dạy trực tuyến của giảng viên hậu đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã buộc các nhà giáo dục phải chuyển đổi nhanh chóng sang các hình thức giảng dạy trực tuyến. Trong bối cảnh này thì đây là phương án khả thi duy nhất. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu của nhóm tác giả Parul Bajaj và cộng sự (2021) tìm hiểu quan niệm của các giảng viên đại học về việc có tiếp tục sử dụng các nền tảng giảng dạy trực tuyến hay không trong tương lai, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Mặc dù ở thời điểm hiện nay, thật khó để nói trước khi nào người dân tại các quốc gia sẽ được trở lại trạng thái sinh hoạt, học tập và lao động bình thường như trước khi đại dịch bùng phát, đã bắt đầu nảy sinh những câu hỏi về việc liệu các trường đại học, các cơ sở giáo dục có nên tiếp tục đầu tư nguồn lực để duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực sử dụng các công cụ đào tạo trực tuyến thời hậu đại dịch hay không. Đặc biệt, đây tiếp tục là mối quan tâm lớn trong bối cảnh các giải pháp đào tạo trực tuyến đang bắt đầu phát huy tác dụng và nhận được sự ủng hộ nhất định từ một số giảng viên, sinh viên và các nhà lãnh đạo giáo dục. Các giáo viên, sinh viên đã dần làm quen và tỏ ra thích thú trước những nền tảng đào tạo trực tuyến như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams, mạng xã hội, các trang blog, các video học tập trên YouTube, v.v…

Câu hỏi đặt ra là liệu các nền tảng đào tạo trực tuyến có thể đóng vai trò một sự thay đổi mang tính cách mạng của nền giáo dục hay không, hay chỉ là một ứng dụng tạm thời nhằm giải quyết một tình huống tạm thời? Nghiên cứu của các tác giả tìm hiểu quan điểm của các giảng viên đại học về dự định có tiếp tục sử dụng các công cụ đào tạo trực tuyến hậu đại dịch Covid-19 hay không. Cụ thể, một số mục tiêu nghiên cứu được nhóm tác giả trình bày bao gồm: i) Tìm hiểu nhận thức của các giảng viên về sự hữu ích của các công cụ đào tạo trực tuyến có tác động như thế nào tới thái độ và ý định sử dụng các nền tảng này trong tương lai; ii) Kiểm tra những tác động của tính dễ sử dụng của các công cụ đối với thái độ của giáo viên đối với việc giảng dạy trực tuyến; iii) Tìm hiểu liệu thái độ đối với việc giảng dạy trực tuyến có ảnh hưởng đến ý định tiếp tục giảng dạy trực tuyến của các giảng viên hay không; iv) Tìm hiểu tác động của yếu tố giới tính đến quan điểm của các giảng viên về tính hữu ích của các công cụ giảng dạy trực tuyến và và thái độ / ý định tiếp tục sử dụng các nền tảng trực tuyến để giảng dạy; v) Kiểm tra ảnh hưởng của yếu tố giới tính đến quan điểm của các giảng viên về tính dễ sử dụng của các công cụ giảng dạy trực tuyến và và thái độ / ý định tiếp tục sử dụng các nền tảng trực tuyến để giảng dạy; vi) Kiểm tra mức độ ảnh hưởng của yếu tố giới tính đến thái độ đối với việc giảng dạy trực tuyến và ý định tiếp tục giảng dạy trực tuyến.

Nghiên cứu sử dụng thiết kế nghiên cứu hỗn hợp, trong đó bao gồm cả các kỹ thuật nghiên cứu định tính và kỹ thuật nghiên cứu định lượng. Cụ thể, nhóm nghiên cứu tiến hành các phỏng vấn sâu (định tính), sau đó là một cuộc khảo sát bằng bảng hỏi đóng (định lượng). Phương pháp lấy mẫu phi ngẫu nhiên được sử dụng đối với cả hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng.

Một số kết quả nghiên cứu nổi bật bao gồm: 80% số giảng viên cảm thấy thoải mái với việc sử dụng các nền tảng trực tuyến, 40% giảng viên gặp khó khăn trong việc học cách vận hành các lớp học trực tuyến; 60% giáo viên cảm thấy thiếu môi trường xã hội trên các nền tảng số; 40% giảng viên cho biết họ cảm thấy tự tin hơn trên các lớp học trực tuyến; 40% giảng viên cho biết họ sẽ tăng cường sử dụng các công cụ giảng dạy trực tuyến để cải thiện mức độ hứng thú của sinh viên với lớp học; 60% số giảng viên nhận thấy những nền tảng này khá thuận tiện để sử dụng ở bất kỳ nơi đâu, và điều này thúc đẩy họ tiếp tục sử dụng các lớp học trực tuyến như một giải pháp để không bỏ lỡ tiết học ngay cả khi họ không thể trực tiếp đến trường; 50% số giảng viên chia sẻ quan điểm tích cực về các nền tảng giảng dạy trực tuyến, cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được và sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng trực tuyến để giảng dạy sau đại dịch.

Phần tiếp theo của nghiên cứu trình bày các kết quả dựa trên sự khác biệt về yếu tố giới tính sử dụng mô hình áp dụng công nghệ (TAM). Để đạt được mục tiêu này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các phân tích đa nhóm (MGA) trong phần mềm SmartPLS. MGA trong PLS-SEM là một kỹ thuật phi tham số kiểm tra sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm khách thể nghiên cứu khác nhau.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Bajaj, P., Khan, A., Tabash, M. I., & Anagreh, S. (2021). Teachers’ intention to continue the use of online teaching tools post Covid-19. Cogent Education, 8(1). https://doi.org/10.1080/2331186x.2021.2002130

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Dự định tiếp tục sử dụng các công cụ giảng dạy trực tuyến của giảng viên hậu đại dịch Covid-19 tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19