CÁC TRANH LUẬN XOAY QUANH CHỦ ĐỂ TRẢ THÙ LAO CHO NGƯỜI PHẢN BIỆN

Năm 2015, Dan Morgan, nhà khoa học làm trong lĩnh vực xuất bản của nhà xuất bản Đại học California, đã sử dụng nền tảng Medium để tranh luận về những lỗ hổng trong một giả định nền tảng của ngành công nghiệp xuất bản học thuật. Giả định đó là: các chuyên gia nên tình nguyện đóng góp thời gian của mình để làm công việc phản biện đồng nghiệp.

“Chúng ta đều biết rằng một số nhà xuất bản đang ngày càng trở nên rất, rất giàu có, trong khi các tình nguyện viên đóng vai trò chính trong việc vận hành những công việc này lại không thu nhận được gì.” Morgan khẳng định rằng, để bù đắp cho công sức của họ, những người làm công việc phản biện cho các NXB thương mại cần có tiếng nói đối với việc sử dụng một phần doanh thu đến từ các bài báo được công bố. 

Ông dẫn chứng mô hình tạp chí mở Collabra: Psychology mà ông đồng sáng lập trong năm 2014. Các nhà nghiên cứu làm phản biện cho tạp chí đó đều được ghi công xứng đáng thông qua việc được kiểm soát một phần doanh thu hàng quý đến từ phí xử lý bài báo mà các tác giả phải đóng khi đăng bài ở đây. Họ có thể lựa chọn chuyển phần thù lao đó vào một quỹ miễn trừ phí APC (quỹ hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu không có khả năng trả phí APC), hoặc gửi vào ngân sách cho các chi phí liên quan tới truy cập mở của chính cơ quan của họ, hoặc bỏ túi khoản tiền đó cho riêng mình.

Ý tưởng ở đây là: “Hãy thử xem liệu chúng ta có thể xây dựng một mô hình mà ở đó giá trị tạo ra bởi hệ thống xuất bản học thuật không chỉ đến tay các nhà xuất bản, mà còn có thể được mã hoá để luân chuyển và quay trở về với cộng đồng học thuật”.

Giống như Morgan, các học giả nghĩ rằng họ nên nhận được thù lao cho việc phản biện, ít nhất là từ các nhà xuất bản học thuật, thường nêu ra những bất công họ gặp phải khi làm việc không công cho những dịch vụ thu phí của công ty. 

Hugh Gusterson, nhà nhân học tại Đại học George Mason đã viết trong một bài xã luận trên The Chronicle of Higher Education như sau: “Nếu công việc học thuật trở thành hàng hoá và một nguồn lợi nhuận cho các cổ đông và cho nhóm 1% của thế giới xuất bản, chúng ta cần phải bỏ đi quan niệm cổ hủ về lao động không công và yêu cầu thù lao cho các phần việc chuyên môn của chúng ta, cũng giống như các bác sĩ, luật sư và kế toán [nhận được thù lao cho việc thực hành chuyên môn của họ] vậy.” Các học giả nên tiếp tục tình nguyện phản biện cho các nhà xuất bản phi lợi nhuận, nhưng nên từ chối các yêu cầu làm không công đến từ các nhà xuất bản có thu phí.

Những tranh luận tương tự cũng xuất hiện thường xuyên trên Twitter và các trang mạng xã hội khác. Đầu năm nay, cố vấn và cựu học giả James Heathers đã mở một tài khoản Twitter dành riêng cho việc vận động hành lang để công việc phản biện được trả công như mọi giao dịch thương mại khác. 

Mick Watson, một nhà sinh học máy tính tại Trung tâm Roslin thuộc Đại học Edinburgh đưa ra một lập luận thực dụng hơn. Anh cho rằng, nếu công việc phản biện được trả phí, anh sẽ ưu tiên thực hiện công việc đó hơn. Thông thường, Watson phải từ chối rất nhiều lời mời phản biện do không đủ thời gian, trong khi đó, anh ưu tiên làm các công việc được trả phí, chẳng hạn như các đề nghị làm việc ở các uỷ ban tài trợ.

Sự chần chừ của các nhà xuất bản

Trong số 8 nhà xuất bản mà tạp chí The Scientific liên hệ, chỉ có PLOS thể hiện sự hào hứng với mô hình trả phí cho người phản biện. “Chúng tôi rất mong muốn trả công cho hơn 9,000 thành viên ban biên tập và hơn 100,000 phản biện viên trong 1 năm nhất định, nhưng quy mô này sẽ không bền vững cho một nhà xuất bản cỡ chúng tôi,” PLOS tuyên bố.  

Các tạp chí thuộc dòng họ Science không có kế hoạch nào về việc trả phí cho các nhà phản biện. Trong tuyên bố gửi tới The Scientist, người đại diện của NXB này đã viết “Rất may cho tất cả chúng ta, rất nhiều người phản biện cảm thấy họ có trách nhiệm thực hiện việc này, và đó là một truyền thống phù hợp để phục vụ cho khoa học.” 

NXB Springer Nature đã nhắc tới những nỗ lực của họ trong việc cải thiện quá trình phản biện đồng nghiệp trong tuyên bố gửi tới The Scientist, chẳng hạn như sáng kiến ghi danh người phản biện trong bài báo được công bố, nhưng không nhắc tới vấn đề trả công cho họ. 

Năm 2018, Publons (một trang web hỗ trợ các nhà nghiên cứu theo dõi các ấn phẩm của họ và các hoạt động khác trên các hồ sơ trực tuyến) đã thực hiện một khảo sát trên 15,000 nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội và kỹ thuật và nhận thấy rằng, khoảng 17% lựa chọn phương án “nhận được thanh toán bằng tiền mặt hoặc hiện vật từ các tạp chí” là yếu tố thúc đẩy họ chấp nhận yêu cầu mời tham gia phản biện. 4.5% lựa chọn phương án “Được giảm giá khi sử dụng các dịch vụ hoặc sản phẩm của nhà xuất bản” và khoảng 11.6% lựa chọn “được truy cập vào các nội dung của tạp chí.” 

Trong một câu hỏi khác về lý do tham gia làm phản biện, câu trả lời được lựa chọn nhiều nhất là: “Nó là một phần công việc của một nhà nghiên cứu”, lựa chọn cao thứ hai là “Tôi muốn chia sẻ công bằng với những nhà nghiên cứu khác đã phản biện các công trình của tôi.” Hai lựa chọn theo sau lần lượt là “Để theo kịp những xu hướng nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực của tôi” và “Để đảm bảo chất lượng và tính toàn vẹn của những nghiên cứu được công bố trong lĩnh vực của tôi.”

Tương tự, Erich van Rijn, giám đốc Xuất bản và Truy cập mở của NXB UC chia sẻ rằng các biên tập viên của tạp chí Collabra: Psychology cảm thấy “cơ hội được trả phí cho công việc phản biện có vẻ như không phải là động lực thúc đẩy các nhà nghiên cứu tham gia làm phản biện cho tạp chí.”

Các thử thách thực tiễn của mô hình trả thù lao cho người phản biện

Có những rào cản có thể giúp giải thích việc tại sao ý tưởng trả phí cho người phản biện chưa nhận được sự ủng hộ. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng, nếu mô hình này thành hiện thực, các NXB sẽ đẩy gánh nặng chi phí cho việc đó vào người dùng, thay vì bớt một phần lợi nhuận của họ. 

Jason Hoyt (CEO của nhà xuất bản PeerJ) ước tính rằng việc trả thù lao cho người phản biện sẽ làm gia tăng 10 - 20% tổng chi phí cho việc xuất bản ở “toàn bộ hệ sinh thái xuất bản học thuật,” kể cả khi thù lao đó chỉ ở mức khiêm tốn (50 - 100 USD cho mỗi lần phản biện).

Đề xuất trả công cho người phản biện cũng có nguy cơ mang đến các xung đột lợi ích đối với quá trình phản biện. Ví dụ, một tạp chí có thể gây ảnh hưởng tới một người phản biện được trả phí để chấp nhận một bản thảo cụ thể nào đó. 

Một cản trở khác là các chi phí hành chính và công sức trong việc quản lý thù lao của người phản biện. Trong mô hình của Collabra: Psychology, chỉ có khoảng 15% người phản biện lựa chọn phương án bỏ túi phần thù lao này cho cá nhân, tỉ lệ lựa chọn việc gửi nó vào ngân sách hỗ trợ truy cập mở ở cơ quan của mình còn ít hơn. Đa số lựa chọn ủng hộ cho các quỹ miễn trừ phí APC. 

NXB UC Press tốn nhiều nỗ lực và thời gian để quản lý việc chuyển giao thù lao này, nhưng mô hình đó lại có vẻ không phải là một yếu tố tạo động lực cho các nhà nghiên cứu tham gia phản biện. Vì thế, NXB này đang có kế hoạch loại bỏ mô hình chia sẻ doanh thu đó. Thay vào đó, với phần lớn các nhà nghiên cứu lựa chọn việc ủng hộ các quỹ miễn trừ phí APC, UC Press đang xem xét việc tự động trích một phần phí APC họ thu được với mỗi bài báo vào các quỹ này.

Những lựa chọn mới

Mặc dù có nhiều sự đồng ý rằng phần lớn các nhà phản biện đều tự nguyện muốn thực hiện công việc này, nhiều NXB và nhà khoa học vẫn nhận thấy một nhu cầu cho một phần thưởng cụ thể hơn cho việc phản biện, có thể không phải là dưới dạng tiền mặt. Chẳng hạn, PeerJ giảm giá 200USD phí APC cho mỗi một phản biện. 

Jon Tennat, một nhà vận động khoa học mở, trong một bản preprint của mình đã đề xuất rằng, thay vì trả thù lao cho cá nhân nhà nghiên cứu, các NXB có thể bao gồm dịch vụ phản biện đồng nghiệp trong thoả thuận của nó với trường đại học. Ví dụ, các trường đại học có thể thỏa thuận rằng các cán bộ của họ sẽ cung cấp một số lượng phản biện nhất định, đổi lại là giảm giá đăng ký tạp chí hoặc phí APC. 

Một số khác gợi ý rằng các quỹ tài trợ hoặc những nhà tuyển dụng nên cân nhắc xem xét hoạt động phản biện như một thành tựu nghiên cứu khi họ đưa ra các quyết định tuyển dụng, thăng chức hoặc cấp tài trợ. Publons và ORCID giờ đây đã cho phép các tạp chí báo cáo các bài phản biện, từ đó các nhà nghiên cứu có thể thêm các đóng góp đó vào trong hồ sơ khoa học trực tuyến của mình. 

Một phong trào như vậy sẽ phù hợp với nhận định của Ana Heredia (giám đốc của ORCID khu vực Mỹ Latinh), rằng giới khoa học giờ đây đang có xu hướng hướng tới lượng hóa nhiều hơn. Chẳng hạn như việc các tác giả nghiên cứu sử dụng các danh mục tiêu chuẩn để phân loại đóng góp của họ cho một bài báo đã xuất bản. “Thời gian bây giờ rất ngắn,” cô nói, vì vậy khi nói đến phản biện đồng nghiệp và các loại công việc khác mà các nhà nghiên cứu phải làm, “bạn ít nhất cũng mong được thừa nhận phần nào đó."


Nguồn:

Shawna Williams. (Nov 1, 2020). Scientists, Publishers Debate Paychecks for Peer Reviewers. The Scientist.

 

Bạn đang đọc bài viết CÁC TRANH LUẬN XOAY QUANH CHỦ ĐỂ TRẢ THÙ LAO CHO NGƯỜI PHẢN BIỆN tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19