Nghiên cứu của tác giả Nicole Holzhauser với tiêu đề “Quantifying the exclusionary process of canonisation, or How to become a classic of the social sciences”, được đăng tải trên tạp chí International Review of Sociology, là một nghiên cứu định lượng về quá trình “kinh điển hoá” các diễn ngôn khoa học xã hội của các nhà khoa học nói tiếng Đức, đại diện bởi một nhóm gồm 1.000 nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Trong đó, tác giả đã khảo sát tất cả các học giả có công trình được trích dẫn trong cuốn sổ tay toàn diện về xã hội học Đức (Handwörterbuch der Soziologie), in năm 1931. Kết quả thu được sau đó được so sánh với với cuốn Klassiker der Soziologie của tác giả Dirk Kaesler, một cuốn sổ tay tóm lược các thành tựu của một số nhà nghiên cứu kinh điển được chọn lọc. Cuốn sách này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ngành khoa học và là tài liệu giảng dạy quan trọng trong thời gian từ năm 1970 đến nay. Bằng việc so sánh, chúng ta có thể chỉ ra một số xu hướng trong việc “tấn phong” các công trình khoa học trở thành “nhà kinh điển” và những biến số tác động.
Thông số chính được chọn làm cơ sở xác định tính “kinh điển” là số lượt trích dẫn. Trích dẫn càng nhiều chứng tỏ nghiên cứu của tác giả càng được nhiều người tiếp cận và nhận được sự ghi nhận lớn hơn; nhờ đó giúp gia tăng vị thế của học giả và đồng thời cũng là phương tiện gây ra sự bất bình đẳng và sự “loại trừ” lớn hơn đối với các nhà khoa học trẻ và ít được biến đến.
Bảng xếp hạng các học giả thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nói chung ban đầu cho thấy sự bất bình đẳng rất lớn, trong đó sự ghi nhận được dành cho số ít các học giả có vị thế xã hội rất cao và chỉ một nhóm nhỏ các học giả có vốn xã hội không quá mạnh mẽ. Điều này dẫn đến trường hợp: một nhóm rất nhỏ các học giả thuộc nhóm “chiến thắng” thu hút hết mọi “ánh hào quang” và khiến cho gần như toàn bộ nhà nghiên cứu khác trong giới chìm vào “quên lãng”. Đáng chú ý hơn, ngay từ năm 1931 người ta đã có thể dự đoán những ai sẽ là các “nhà kinh điển” trong nửa sau của thế kỷ: Các học giả nam có được sự ghi nhận lớn. Tuy nhiên, qua so sánh với sách lassiker der Soziologie, có thể thấy những người có được thành công bền vững thường không giữ nhiều vị trí quan trọng trong xã hội.
Bên cạnh đó, có thể thấy các nữ học giả gần như bị loại trừ hoàn toàn khỏi các thống kê. Bạn có thể cho rằng đây là một điều có thể dự đoán trước bởi số lượng học giả nữ thời bây giờ thấp. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. 3% trong số nhà xã hội học được trích dẫn nhiều nhất là các nữ học giả, và (điều đáng ngạc nhiên là) họ đều nhận được sự ghi nhận của các đồng nghiệp nam. Trong bối cảnh năm 1931, số giáo sư nữ chiếm tỉ lệ dưới 1%, thì 3% nghe có vẻ là một con số lớn. Tuy nhiên, với việc tất cả các nữ học giả đều nằm cuối trong bảng xếp hạng và không có một học giả nữ nào lọt vào nhóm 50 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất, khó có thể tin rằng không có sự thiên lệch nào ở đây (ít nhất là về mặt thống kê).
Một trong những điểm gây ngạc nhiên lớn nhất là không chỉ các nữ học giả nhận được sự ghi nhận thấp, mà còn bởi sự “độc chiếm” của nam giới trong bảng xếp hạng. Không có sự khác biệt có ý nghĩa nào (về các đặc điểm cá nhân) giữa 99% số học giả nam và các đồng nghiệp nữ của họ được thống kê trong danh sách so với 1% số nam học giả thuộc nhóm “tinh hoa”. Điều này chỉ ra rằng có những yếu tố tác động khác bên cạnh yếu tố giới. Chẳng hạn, sẽ là một lợi thế nếu học giả đó có địa vị xã hội đặc biệt cao, chẳng hạn là thành viên ban biên tập sách hoặc là thành viên của Hiệp hội Xã hội học Đức. Vốn xã hội tốt sẽ giúp một người có thể có danh tiếng và sự ghi nhận gấp 9 lần so với các học giả khác cùng thời.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Nicole Holzhauser (2021). Who gets to be a classic in the social sciences?. The London School of Economics and Political Science.
Ghi chú: Quan điểm của tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.