Liệu xếp hạng đại học có thể điều chỉnh để phù hợp với thời kỳ không chắc chắn này?

Thứ hạng đã trở thành một phần của thực tế học thuật và khi thực tế này bắt đầu thay đổi, thứ hạng cũng phải tuân theo. Hội nghị IREG 2020 đã diễn ra với chủ đề “ Xếp hạng đại học trong thời điểm không chắc chắn” vào cuối tháng 10 vừa qua. Đây cũng là số ít dịp các tác giả của các bảng xếp hạng học thuật quốc tế và quốc gia tiêu biểu, như Times Higher Education và QS, có cơ hội gặp nhau để thảo luận về tác động của COVID-19 đối với các xếp hạng quốc tế và quốc gia.

Gero Federkeil của bảng xếp hạng U-Multirank đã đặt ra câu hỏi gây tranh cãi: “Đây có còn là thời điểm để việc xếp thứ hạng tiếp sức cho sự cạnh tranh không? "Ai là người quy định?” và phải chăng “Các cơ sở giáo dục đại học có nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn là cung cấp dữ liệu cho các bảng xếp hạng."

 

Mặc dù không ai có thể chắc chắn về tương lai của bảng xếp hạng trong sự ảm đạm này nhưng với niềm tin rằng thứ hạng vẫn sẽ luôn được đặt ra, mọi người kết luận rằng bảng xếp hạng khó tránh được việc phải thay đổi. 

 

Cùng với tình hình dịch COVID-19 cản trở sự di chuyển của sinh viên quốc tế và các nhân sự học thuật, sự quan tâm đến các bảng xếp hạng toàn cầu cũng giảm đi. Thay vào đó, xếp hạng về khu vực quốc gia và chuyên ngành trở nên quan trọng hơn.

 

Với lý do tương tự, những chỉ số liên quan đến đa dạng sắc tộc, quốc tịch trong sinh viên và đội ngũ giáo viên có thể giảm một phần tỉ trọng trong phương pháp luận đang được sử dụng bởi các bảng xếp hạng. Thay vào đó, các chỉ số mới liên quan đến sự hiện diện của trường đại học trên internet sẽ được thêm vào.

 

Ngoài những thay đổi do COVID gây ra, xếp hạng đại học cũng sắp đón nhận một số thay đổi khác. Một số tổ chức xếp hạng đã chú trọng đến vấn đề trách nhiệm của trường đại học đối với cộng đồng và đối với xã hội. Bảng xếp hạng Three University Missions, do Dmitry Grishankov đứng đầu, là nỗ lực đầu tiên nghiêm túc thúc đẩy vấn đề này. 

 

Phil Baty đã khởi xướng một cách tiếp cận trực diện đối với sứ mệnh thứ ba trong Bảng xếp hạng tác động (Impact Rankings) của THE được đưa ra gần đây dựa trên 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Nhiệm vụ thứ ba đạt được vị thế trong thứ hạng không chỉ vì COVID mà còn từ mối quan tâm ngày càng tăng về biến đổi khí hậu đã làm mọi người chú ý đến yếu tố đóng góp xã hội của các trường đại học. 

 

Các cuộc thảo luận tại hội nghị IREG cho thấy xã hội mong đợi nhiều hơn từ các tổ chức xếp hạng. Chúng ta đều biết Harvard là một ngôi trường vĩ đại, nhưng đối với nhiều người, một trường đại học nhỏ có những đóng góp cho cộng đồng địa phương cũng cũng là một điều tuyệt vời không kém.

Đại dịch đã tàn phá “cuộc sống” của các trường đại học, trên cả cấp độ giảng dạy và nghiên cứu. Mặc dù vậy, Hans de Wit của Boston College nhận định: “Đại học sẽ không biến mất; sinh viên và giảng viên luôn muốn quay trở lại lớp học và có tương tác trực tiếp, nhưng sẽ không thể hoàn toàn quay lại như trước đây được.” Sau này, kể cả khi COVID biến mất hay bất cứ khi nào nó tái diễn, việc cung cấp nền tảng trực tuyến sẽ vẫn diễn ra và là một phương thức dạy và học vững chắc.

 

Hans de Wit cũng cho biết thêm: “Chúng ta sẽ cần nhiều hơn nữa sự hợp tác nghiên cứu quốc tế về mọi khía cạnh của cuộc sống để phục vụ xã hội, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và những vấn đề nền tảng đối với tương lai của xã hội.” Guo Fu, phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Bắc Kinh, cũng nêu ý kiến tán thành với ông về sự quan trọng của “sức mạnh đoàn kết trong hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu.”

 

Ở một góc cạnh khác, những người trẻ tuổi thường có sự điều hướng trong không gian mạng một cách dễ dàng mà một số giáo viên lớn tuổi của họ không thể sánh kịp. Công nghệ trực tuyến sẽ không chỉ thay đổi và khiến cho quy trình giảng dạy trở nên cạnh tranh hơn (đối với giảng viên), mà còn là một động lực đột phá “tạo ra cơ hội để đẩy nhanh những thay đổi sâu sắc trong tổ chức và sự len lỏi của đổi mới” - Ben Sowter của QS nhận định 

Tất cả điều này dù chậm trễ nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thứ hạng. Có thể mất đến ba năm hoặc hơn cả thế để chúng ta có thể thấy được những biến động trong bảng xếp hạng.

Nhận thức về thứ hạng có thể sẽ thay đổi theo nhiều hướng khác nhau. Các sinh viên tương lai, những người đang phải chịu bị ảnh hưởng kép từ việc hạn chế đi lại tiếp theo đó là tình hình kinh tế đi xuống, sẽ có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến thứ hạng quốc gia và khu vực hơn thứ hạng toàn cầu.

Stanislaw Kistryn của Đại học Jagiellonian nhận xét: “Xếp hạng đại học quốc gia… góp phần hiệu chỉnh sự vận hành và hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học ở các quốc gia, cũng như thúc đẩy sự phát triển tối ưu của các trường đại học có sự quản lý tốt.”

Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, coi các trường đại học là động lực thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ công nghệ của quốc gia. Các nước khu vực này được các chuyên gia như Richard Holmes dự đoán rằng sẽ đề cao xếp hạng dựa trên nghiên cứu.

Trong khi đó, các khu vực khác trên thế giới, châu Âu, Bắc Mỹ hoặc Brazil, là nơi mà bất bình đẳng xã hội đang trở thành một vấn đề lớn hơn cả sự tăng trưởng, do vậy các thứ hạng về giảng dạy và trách nhiệm xã hội cũng nhận được sự chú trọng hơn - Alex Usher cho biết

Bảng xếp hạng THE Impact dường như đang đi theo hướng này. Tuy nhiên, Holmes cảnh báo rằng “việc thu thập dữ liệu chuyên sâu tạo ra gánh nặng cho các trường đại học. Các trường đại học ở những nơi như châu Phi sẽ không phân bổ được nguồn lực để báo cáo dữ liệu.”

Mọi người đều biết rằng công bố trên các tạp chí khoa học là một trong những trụ cột của mọi bảng xếp hạng. Vấn đề này đã xuất hiện tại hội nghị IREG nhưng theo một góc nhìn khác. Một số diễn giả chỉ ra rằng COVID đã đặt các nhà nghiên cứu nữ trẻ vào vị trí đặc biệt thiệt thòi.

M’hamed el Aisati, phó chủ tịch của Elsevier, nhận xét rằng “cuộc khủng hoảng [vi rút] đã ảnh hưởng đáng kể đến các nhà khoa học nữ, và đặc biệt là những người có con càng chịu những ảnh hưởng lớn hơn.” Michael Matlosz của EuroScience chỉ ra rằng, trong thời gian dịch bệnh, các nhà nghiên cứu nữ phải phân bổ quỹ thời gian để gánh vác cả công việc nghiên cứu và gia đình. 

Về hội nghị IREG 2020, ban đầu, hội nghị được lên kế hoạch tổ chức bởi Đại học Công nghệ Bắc Kinh (BJUT) tại Trung Quốc. Tuy nhiên do COVID-19, IREG cuối cùng đã diễn ra trên nền tảng trực tuyến và được phát sóng từ trường quay của Tổ chức Giáo dục Perspektywy ở Warsaw.

Nhiều bảng xếp hạng đại học danh tiếng đã được thảo luận chi tiết tại hội nghị, bao gồm tám bảng xếp hạng quốc tế: THE, ARWU, QS, US News Global, Webometrics, Leiden, Three University Missions và U-Multirank, và bốn bảng xếp hạng quốc gia: Best University Ranking (Anh), Folha (Brazil), CHE (Đức), Perspektywy University Ranking (Ba Lan).

Đề cập đến sự hiện diện rộng rãi của các tổ chức xếp hạng trong hội nghị, chủ tịch IREG Luiz Claudio Costa cho biết: “Điều đó chứng tỏ rằng IREG là một diễn đàn độc lập và trung lập dành cho tất cả những người quan tâm đến chất lượng của thứ hạng, và chất lượng của giáo dục đại học nói chung. ”

Tại hội nghị, Isidro Aguillo, người đứng đầu Cybermetrics Lab tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha và là tác giả của bảng xếp hạng Webometrics, đã được trao tặng Huân chương Danh dự IREG.  

Isidro Aguillo là người tiên phong khi công bố bảng xếp hạng Webometrics dựa trên internet đầu tiên kể từ năm 2004. Trong lời tán dương, Waldemar Siwinski, phó chủ tịch IREG, đã gọi Aguillo là “người có tầm nhìn sâu rộng nhất trong số những người làm công việc xếp hạng khi có những hiểu biết sớm hơn những người khác nhiều năm về dấu ấn internet của một trường đại học quan trọng như thế nào đối với tầm nhìn và danh tiếng quốc tế.”

Phương Thục lược dịch

Waldemar Siwinski & Kazimierz Bilanow. (November 07, 2020). Will university rankings adjust to our uncertain times?. University World News. 

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Liệu xếp hạng đại học có thể điều chỉnh để phù hợp với thời kỳ không chắc chắn này? tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19