Đại dịch có thể làm chậm năng suất công bố khoa học của thế giới trong vài năm - đặc biệt là với các nữ học giả và nhà nghiên cứu đã có gia đình

Đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự gia tăng các nghiên cứu về chủng virus mới và dịch bệnh nói chung, nhưng lại gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng các lĩnh vực nghiên cứu khác - các phòng thí nghiệm buộc phải đóng cửa, việc đi lại bị hạn chế và khiến các nhà khoa học có con nhỏ vừa phải vất vả làm việc vừa chăm con trong bối cảnh dịch vụ chăm sóc trẻ không hoạt động.

Một loạt các nghiên cứu chỉ ra rằng năng suất làm việc của các nhà khoa học nữ bị chậm lại trong thời kỳ đại dịch ở mức độ lớn hơn so với các đồng nghiệp nam. Và giờ đây, một cuộc khảo sát được thực hiện trên một số lượng lớn các nhà khoa học cho thấy rằng những tác động của đại dịch có thể còn được cảm nhận trong nhiều năm tới, do nhiều nhà khoa học - đặc biệt là phụ nữ và những người có con nhỏ - không thể khởi động các dự án nghiên cứu mới trong năm 2020 vừa qua.

Dashun Wang, một giáo sư tại Đại học Northwestern, người đứng đầu dự án khảo sát mới được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 26/10 vừa qua chia sẻ, “Dường như đang có một vách đá sừng sững đứng cuối chân trời.

Nhóm của Wang đã thăm dò ý kiến của 7000 nhà nghiên cứu làm việc tại Hoa Kỳ và Châu Âu vào tháng 1 vừa qua, đặt câu hỏi để đánh giá hoạt động nghiên cứu tổng thể và số lượng sản phẩm khoa học của họ trong năm 2020 so với năm 2019. Các nhà khoa học không thực hiện các nghiên cứu về COVID-19 cho biết có sự sụt giảm về số lượng bài báo mà họ đã xuất bản (giảm 9%) và số lượng các bản thảo nghiên cứu được nộp tới các tạp chí khoa học (giảm 15%). Thậm chí, vấn đề còn được bộc lộ ở những giai đoạn sớm hơn của tiến trình nghiên cứu: số lượng nghiên cứu được khởi động trong năm 2020 đã giảm tới 36% so với năm trước đó. Các nhà nghiên cứu là phụ nữ và cha mẹ của trẻ em từ 5 tuổi trở xuống chịu ảnh hưởng nặng nề hơn - họ khởi động ít dự án nghiên cứu hơn so với các nhà khoa học khác.

Catherine Wagner, một trợ lí giáo sư tại Đại học Wyoming, người đã viết về những thách thức mà cô và các bà mẹ là nhà khoa học phải đối mặt vào năm trước đó, cho biết phát hiện này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chính sách hỗ trợ các nhà nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Ngoài ra, kết quả này cũng tương ứng với một nghiên cứu trước đây của Wang và các cộng sự. Cụ thể, trong vài tuần đầu tiên của đại dịch các nhà khoa học dành ít hơn 7 giờ mỗi tuần để làm việc so với bình thường, đặc biệt là các nhà khoa học nữ và những người có con nhỏ. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy các chuyên gia làm việc trong các phòng thí nghiệm như lĩnh vực khoa học sinh học hoặc hóa học, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với những nhà khoa học thuộc lĩnh vực toán học, thống kê hoặc các ngành khác.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới nhất, Wang và các cộng sự viết: “Không có lĩnh vực khoa học nào tránh khỏi tình trạng sụt giảm số lượng các dự án nghiên cứu mới”. Nhưng có một tin tốt lành dành cho họ: Tính đến tháng 1/2021, thời gian nghiên cứu gần như phục hồi về mức trước đại dịch, những người tham gia phỏng vấn cho biết họ chỉ làm việc ít hơn 2 giờ mỗi tuần so với bình thường.

Bên cạnh đó, những cá nhân tham gia phỏng vấn không phải chia sẻ nguyên nhân đã ngăn cản các dự án mới thành công. Wang cho rằng, nguyên nhân có thể bắt đầu từ việc có ít sự hợp tác mới, ít đơn xin tài trợ mới được gửi hơn, ít sinh viên mới tốt nghiệp hoặc thiếu nghiên cứu sinh sau tiến sĩ làm việc tại các phòng thí nghiệm… Phát hiện này không gây ngạc nhiên cho Courtney Jones, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Princess Margaret, người điều hành một nhóm hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu khởi nghiệp: “Hạn chế đi lại cũng khiến việc tuyển dụng nghiên cứu sinh sau tiến sĩ khó hơn nhiều, điều này làm hạn chế số lượng dự án mà phòng thí nghiệm của tôi có thể tiến hành.”

Wang cũng lưu ý rằng, thường mất 3 năm hoặc hơn để nghiên cứu đi từ giai đoạn hình thành ý tưởng cho đến khi một bài báo được xuất bản. Vì vậy, các chính sách ngắn hạn được thiết kế để giảm thiểu ảnh hưởng của COVID-19 như kéo dài thời gian tài trợ hay gia hạn hợp động bổ nhiệm 1 năm, có thể không đủ để hạn chế những tổn thất. Tác giả dành sự lo lắng đặc biệt cho các nhà khoa học nữ và đang làm cha mẹ, những người luôn được cho là có sự giảm sút năng suất nghiên cứu lớn nhất.

“Những việc mà các lãnh đạo đã làm để giúp đỡ sau đại dịch, nếu có thể duy trì lâu dài, chúng có thể thực sự hữu ích trong việc xóa bỏ sự mất cân bằng về giới”, Wang chia sẻ. 

Vân An lược dịch

Nguồn:

Jyoti Madhusoodanan (2021). The pandemic’s slowing of research productivity may last years—especially for women and parents. AAAS Articles DO Group. Published. https://doi.org/10.1126/science.caredit.acx9446

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19