Với việc các toà nhà công trình thường được xây dựng để chống chịu các điều kiện thời tiết cực đoan trong thời gian dài và rằng triển khai các biện pháp phòng ngừa bao giờ cũng tiết kiệm hơn về mặt tài chính so với các biện pháp khắc phục hậu quả, chúng ta cần có những phương pháp tiếp cận chủ động để thích nghi với sự biến đổi về khí hậu. Khoa học có thể tham gia hỗ trợ việc thiết kế và triển khai các cách tiếp cận chủ động này bằng cách giúp nâng cao nhận thức về các thách thức, hỗ trợ việc thay đổi và cải tiến chính sách có liên quan,...
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy các quy định liên quan đến lĩnh vực xây dựng ở Australia không tính toán một cách đầy đủ đến các vấn đề về biến đổi khí hậu. Đây là một thực trạng đáng lo ngại bởi các quy định về xây dựng là chìa khoá để gia tăng khả năng chống chịu trước những điều kiện thời tiết cực đoan của các công trình xây dựng. Một trong những thách thức then chốt đối với các lĩnh vực khoa học, chính sách và thực hiện là việc đổi mới các quy định về xây dựng để tích hợp các tri thức khoa học có liên quan và đảm bảo rằng các toà nhà có khả năng chống chịu các điều kiện khí hậu trong tương lai. Khả năng chống chịu giờ đây là một khái niệm phân tích cốt lõi trong quản lý đô thị; và sự phản ánh của cộng đồng về việc triển khai thực hiện các biện pháp này đang ngày càng nhận được sự quan tâm lớn, với mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản do biến đổi khí hậu gây nên.
Bài viết của tác giả Josephine Mummery đề cập đến những điểm yếu này với hai mục tiêu: một là, để hiểu rõ hơn các quy định trong xây dựng có thể được xem như “điểm hợp nhất giữa khoa học-chính sách-thực tiễn” (SPPI) như thế nào, trong bối cảnh diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu; thứ hai, để tìm hiểu một cách chi tiết làm thế nào hệ thống SPPI hoạt động để xác định những đổi mới nào cần được tiến hành trong hệ thống luật pháp của Australia để cải thiện khả năng chống chịu của các toà nhà trong điều kiện này. SPPI được xem như một hệ thống công cụ đóng vai trò là cầu nối hợp long ba yếu tố khoa học nghiên cứu vấn đề, chính sách hỗ trợ quản lý, giải quyết vấn đề và sự thực hành thực tiễn các biện pháp giải quyết, khắc phục. Cụ thể hơn, bài viết hướng tới ba câu hỏi nghiên cứu cụ thể: (i) Khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu được tích hợp với các quy định về xây dựng của Australia như thế nào?; (ii) Những yếu tố nào của hệ thống SPPI đối với quy định về xây dựng là rào cản trong việc tăng cường khả năng chống chịu của các công trình xây dựng; và (iii) Những đổi mới nào về quy định là cần thiết để thực hiện mục tiêu trên?
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp, và nguồn dữ liệu nghiên cứu đến từ các tài liệu và các phỏng vấn bán cấu trúc với các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, các tổ chức tư vấn, các tổ chức về khoa học xây dựng và khoa học khí hậu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, SPPI góp phần nâng cao nhận thức đối với các rào cản cản trở việc tích hợp các tri thức khoa học về biến đổi khí hậu trong các chính sách. Việc cân nhắc những hàm lượng khoa học nào có thể được tích hợp vào hệ thống các quy định và thực tiễn, khác biệt với những quan niệm trước đó cho rằng vai trò của khoa học là quá “xa vời” đối với những người dùng cuối. Bài viết cũng chỉ ra một số biện pháp có thể áp dụng trong việc giải quyết những điểm yếu đã được xác định trong các thành phần SPPI có liên quan đến các quy định xây dựng ở Australia, trong bối cảnh nhận thức về biến đổi khí hậu.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Josephine Mummery (2021). Science-policy practice interfaces for resilient housing in a . changing climate: a reform agenda for Australia’s building regulation. Housing and SocietyDOI: 10.1080/08882746.2021.1947738
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.