Về mặt khái niệm, cần lưu ý rằng cụm từ khoa học-chính sách trong bối cảnh này được hiểu theo nghĩa hai chiều, có thể được coi cả với nghĩa "khoa học về chính sách", cũng như "chính sách về khoa học". Theo tổng kết của Neal et al. (2008), khoa học về chính sách “liên quan đến việc sử dụng kiến thức để hỗ trợ hoặc cải thiện việc ra quyết định”, trong khi chính sách về khoa học là “ra quyết định về cách tài trợ hoặc cấu trúc việc theo đuổi tri thức một cách có hệ thống”. Rộng hơn nữa, Sarewitz và Pielke (2007) khẳng định rằng “các quyết định về lĩnh vực khoa học có nhiệm vụ xác định thành phần và quy mô của danh mục nghiên cứu“ cung cấp ”các kết quả khoa học,” và theo cách này, việc tạo ra tri thức khoa học và ứng dụng tri thức đó trong xã hội là khá phụ thuộc lẫn nhau.
Trong những năm gần đây, những lời kêu gọi về sự tham gia của khoa học-chính sách ngày càng nhiều, và những thách thức phức tạp đòi hỏi sự thảo luận nhiều hơn - giữa các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách - và hành động càng trở nên cấp thiết hơn. Các nhà khoa học ngày càng được yêu cầu cung cấp thông tin để hỗ trợ việc ra quyết định và cung cấp thông tin chính sách. Ví dụ, cả Ủy ban Châu Âu và Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đều yêu cầu các đề xuất giải quyết các tác động rộng hơn của nghiên cứu, chẳng hạn như cách đề xuất giải quyết các Mục tiêu Phát triển Bền vững và mang lại lợi ích cho xã hội.
Chương trình Học bổng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Hiệp hội vì sự Tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ (AAAS) và các sáng kiến toàn cầu như Trái đất Tương lai kêu gọi “một ngành khoa học mới liên kết các ngành, hệ thống tri thức và các đối tác xã hội” là minh chứng cho sự quan tâm ngày càng tăng đối với sự tham gia của lĩnh vực khoa học-chính sách, đến từ cả nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách. Bất chấp các yêu cầu đối với các nhà khoa học phải chỉ ra các tác động xã hội của nghiên cứu của họ, sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học mới vào nghề, đối với sự tham gia của khoa học trong lĩnh vực chính sách, và sự thừa nhận rằng trong một thời kỳ mà khoa học và chính sách liên tục tác động lẫn nhau, song lại có rất ít hoặc gần như không có sự đào tạo, tập huấn nào dành cho các nhà khoa học, đặc biệt là bên ngoài Hoa Kỳ, về lý do tại sao điều quan trọng và cấp thiết đối với các nhà khoa học là phải hiểu bối cảnh chính sách tại nơi mà họ đang làm việc và tiến hành các hoạt động khoa học, ý nghĩa thực sự của việc tham gia vào chính sách khoa học ‐ và các lựa chọn để có thể tham gia vào hệ thống này.
Có thể so sánh thực trạng này với trường hợp của ngành khoa học về Hệ thống Trái đất. Mặc dù mỗi nhà khoa học thường có chuyên môn chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như khoa học khí quyển, song họ đều nhận ra tầm quan trọng của việc hiểu biết về toàn bộ hệ thống Trái đất, vì các hoạt động trong một lĩnh vực có ý nghĩa và tác động đến các lĩnh vực khác. Tương tự như vậy, các nghiên cứu khoa học cũng thường không được tiến hành trong môi trường biệt lập, mà là trong hệ thống chính sách khoa học. Các nhà khoa học cần hiểu rõ các quyết sách có ảnh hưởng tới việc nghiên cứu của họ có nhận được sự tài trợ của chính phủ hay không (chính sách cho khoa học) và các tác động tiềm tàng mà kết quả nghiên cứu của họ có thể gây nên đối với các chính sách và xã hội (khoa học cho chính sách).
Mặc dù chúng ta đều nhận ra rằng nhu cầu tham gia vào hệ thống khoa học-chính sách đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của cả cộng đồng những người làm khoa học và cộng đồng những người làm chính sách, song trong khuôn khổ bài báo này, nhóm nghiên cứu xác định những khoảng trống và cung cấp một số thông tin nền tảng và đề xuất hành động để khuyến khích những hiểu biết chung đó từ góc độ khoa học. Cần làm rõ rằng, những thay đổi này sẽ không phải là “viên đạn bạc” nhắm vào giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của thế giới, song trong một chừng mực nào đó, chúng sẽ là một phần của loạt động thái thúc đẩy các hành động và giải pháp sáng suốt hơn.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Schneidemesser, E., Melamed, M., & Schmale, J. (2020). Prepare Scientists to Engage in Science‐Policy. Earth’s Future, 8(11). https://doi.org/10.1029/2020ef001628.
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.