Hội thảo “GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI - NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN”

Ngày 12 tháng 10 năm 2021, Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi - Những vấn đề lí luận và thực tiễn” nhằm tổng kết thành tựu nghiên cứu lý luận và thực tiễn về Giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong 10 năm gần đây, gắn liền với bối cảnh đối mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam và hướng tới kỉ niệm 60 năm thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

     Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực truyến với các điểm ở các địa phương và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Ảnh 1. Đại biểu tham dự trực tiếp tại phòng họp Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc

      Tham dự Hội thảo có Ông Đặng Vũ Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội; Ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD-ĐT; TS. Vũ Thị Thanh Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân tộc, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu dân tộc, Học viện Dân tộc; GS. TS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học, Cục Công nghệ thông tin, Tạp chí Giáo dục, Trường Hữu nghị T78 của Bộ GD-ĐT và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: UNICEF, Plan, AEA,…; cùng hơn 40 đại biểu của các địa phương tham gia trực tuyến.

      Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Yên - Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc đã nhấn mạnh, giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó giáo dục đối với người dân tộc thiểu số cần được quan tâm hơn nữa trong bối cảnh đổi mới. Do đó, vấn đề về chính sách, về hệ thống trường lớp và nội dung, phương pháp giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần phải được chú trọng, quan tâm nhiều hơn.

Ảnh 2. TS. Trần Thị Yên, Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe 06 báo cáo chính, 02 báo cáo tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi hỏi - đáp của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các thầy cô đến từ các cơ quan trung ương và các  Sở GD-ĐT của 11 tỉnh/thành như Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các phát biểu mang tính định hướng và chỉ đạo của Vụ Dân tộc - Văn phòng Quốc hội, Vụ Giáo dục Dân tộc, Vụ Giáo dục Tiểu học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ GD-ĐT. Các phát biểu tập trung làm rõ các vấn đề lí luận và thực tiễn giáo dục dân tộc trong nhiều năm qua tập trung vào ba nội dung chính: Chính sách vùng, chính sách giáo dục vùng dân tộc thiểu số; Công bằng tiếp cận trong giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số; Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số.

     Ông Đặng Vũ Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội phát biểu “đánh giá rất cao về các chuyên đề của hội thảo. Đây là bức tranh đánh giá toàn diện về giáo dục dân tộc thiểu số, miền núi trong bối cảnh đổi mới bao gồm: chính sách, loại hình trường lớp, nội dung, phương pháp. Đây là cũng là nguồn tài liệu quý để chúng tôi tham khảo tham mưu cho Quốc Hội về giáo dục dân tộc”. Thay mặt cho cơ quan quản lí về Giáo dục Dân tộc, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD-ĐT cũng đánh giá cao các báo cáo được trình bày cũng như các ý kiến trao đổi trong Hội thảo. Báo cáo tham luận trong tài liệu Hội thảo đã được chuẩn bị chu đáo, dày dặn, trong đó có cả báo cáo của đại biểu trung ương, các nhà nghiên cứu, và các thầy cô đại diện cho các địa phương. Các nội dung chính trong tài liệu bám sát nhiệm vụ nghiên cứu giáo dục dân tộc. Hội thảo có nhiều góc nhìn phong phú, phản ánh thực tiễn và ông cũng mong muốn Ban hoàn thiện thêm lí luận để làm cơ sở, tham mưu cho các cơ quan quản lí về lĩnh vực giáo dục dân tộc.

     Đến dự và chỉ đạo hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng và ghi nhận những thành tựu trong nghiên cứu khoa học, những thành công, những kết quả đạt được và những nỗ lực của Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc trong những năm qua. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, trong đó cần làm rõ hơn vai trò tham mưu cho Viện, cho Bộ GD-ĐT trong công tác nghiên cứu liên quan đến đánh giá tác động chính sách; các nghiên cứu chuyên sâu mô hình dạy học, việc vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học khi có những diễn biến bất thường (thiên tai, dịch bệnh) xảy ra đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo cơ hội cho tất cả học sinh người dân tộc thiểu số được tiếp cận một nền giáo dục công bằng có chất lượng.

Ảnh 3. Đại biểu tham dự trực tiếp từ điểm cầu Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc (Hà Nội)

Ảnh 4. Đại biểu tham dự trực tuyến từ các điểm cầu

     Bế mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Yên đã tổng kết lại các nội dung và nhấn mạnh, cho đến nay, Giáo dục vùng dân tộc đã có nhiều thành tựu đạt được. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho giáo dục nói chung và giáo dục dân tộc nói riêng. Điều này đòi hỏi các nhà quản lí, các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo cần nỗ lực nhiều hơn từ cơ chế chính sách đến thể chế hóa chính sách cũng như quá trình vận hành tại các cơ sở giáo dục liên quan như trường lớp, chương trình, nội dung, phương pháp,…; đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các quí vị đại biểu, các thầy/cô giáo đã quan tâm và tham dự hội thảo. 

Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo “GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI - NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” tại chuyên mục Hội thảo khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19