Xuất bản khoa học “thần tốc”: một phân tích trắc lượng các bài báo nghiên cứu về Covid-19

Nhóm nghiên cứu của ​​Amandeep Khatter và cộng sự đã khảo sát chất lượng các bài báo nghiên cứu COVID-19 bằng phương pháp phân tích trắc lượng thư mục chất lượng và rủi ro thiên lệch (RoB) từ 250 bài nghiên cứu COVID-19 từ tháng 1 đến tháng 4/2020.

Việc xác định sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 vào tháng 12 năm 2019 và đại dịch do virus này gây ra ngay sau đó đã dẫn đến một nỗ lực nghiên cứu toàn cầu trong các lĩnh vực chẩn đoán, phòng chống dịch bệnh, khoa học hành vi, chuẩn bị và điều trị. Điều này đã dẫn đến tốc độ xuất bản khoa học tăng vọt chưa từng có về chủ đề này. Đến tháng 6 năm 2020, hơn 19.000 bài báo nghiên cứu đã được xuất bản về COVID-19. Tháng 2/2020, WHO đã phải phát đi cảnh báo về một “đại dịch thông tin” liên quan đến COVID-19, khi các nguồn tin giả, tin chưa được kiểm chứng và bình duyệt tràn lan.

Từ trước đến nay, hệ số tác động (impact factor - IF) hay số lượng trích dẫn của một tạp chí được sử dụng làm thước đo mức độ phổ biến nghiên cứu. Tuy nhiên, sự chậm trễ giữa các lần xuất bản và sự sẵn có của các dữ liệu về số lượt trích dẫn trên các hệ thống thống kê thời gian thực đã dẫn đến việc ngày càng nhiều người chuyển sang các biện pháp đo lường chất lượng thay thế. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ đại dịch, ảnh hưởng của truyền thông đại chúng và khả năng lan truyền thông tin (đôi khi là cả tin giả) một cách nhanh chóng của nó đã được thể hiện rõ nét.

Từ lâu, mối quan tâm về chất lượng và độ tin cậy của các nghiên cứu đã được công bố đã xuất hiện, với 85% số nghiên cứu về đề tài y học được cho là 'lãng phí' do thiết kế, báo cáo kém, v.v... Đặc biệt, các nghiên cứu về COVID-19 nói riêng đã phải đối mặt với nhiều thách thức về yếu tố bằng chứng ban đầu; nhiều nghiên cứu có lựa chọn thiết kế nghiên cứu kém, sự thiên lệch không được chấp nhận, phân tích lặp lại, các vấn đề liên quan đến tài chính, và những trường hợp được gọi là sự “nạo vét dữ liệu”. Các tạp chí khoa học có trách nhiệm cân bằng việc lựa chọn các nghiên cứu có chất lượng tốt, được thực hiện với tốc độ cần thiết để bắt kịp với một đại dịch toàn cầu đang diễn biến nhanh chóng.

Mục đích của nghiên cứu này là mô tả các bài báo nghiên cứu khoa học COVID-19 có độ phổ biến cao (được xác định bằng điểm Altmetric) được xuất bản trên các tạp chí khoa học từ ngày 1 tháng 1 năm 2020 đến ngày 28 tháng 4 năm 2020 và để đánh giá chất lượng của chúng. Trong khuôn khổ sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục, ​​nhóm nghiên cứu đã truy cập cơ sở dữ liệu Altmetric Explorer để tìm kiếm các bài báo được lập chỉ mục bằng cách lọc các bài báo về chủ đề y tế (MeSH) cùng với các từ khóa 'COVID-19' và 'coronavirus' trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2020 đến ngày 28 tháng 4 năm 2020. Có 5.971 bài báo có chứa cụm từ ‘COVID-19’ và 2,523 bài báo có chứa cụm từ ‘coronavirus’. Danh sách các bài báo nghiên cứu sau đó được lọc bỏ các trường hợp trùng lặp (891 trường hợp bị loại bỏ, còn lại 7.603) và được liệt kê theo thứ tự giảm dần về điểm Altmetric (AAS) và giữ lại 250 bài báo có điểm cao nhất. Nhóm nghiên cứu xử lý các dữ liệu thu được bằng các phương pháp thống kê mô tả. Bằng cách sử dụng kiểm định Kruskal-Wallis, nhóm nghiên cứu đánh giá mối liên hệ giữa rủi ro thiên lệch (RoB) và hệ số tác động của tạp chí và AAS. Dữ liệu được trình bày dưới dạng số trung bình và số liên phần tư. Mức ý nghĩa α = 0,05 được sử dụng cho tất cả các phép so sánh.

Nghiên cứu trắc lượng thư mục này cho thấy trong 4 tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19, các nghiên cứu được phổ biến rộng rãi nhất chủ yếu là loạt trường hợp nghiên cứu chất lượng kém, không tuân thủ các nguyên tắc báo cáo chính thức mặc dù chúng đã được công bố trên một số tạp chí y khoa có hệ số tác động cao nhất. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa hệ số tác động và RoB.

Độ chính xác và độ tin cậy của các nghiên cứu được công bố là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh của một đại dịch toàn cầu. Nhu cầu khẩn cấp về bằng chứng khoa học để hỗ trợ việc ra quyết định chính sách và sự hiểu (sai) nội dung các bài nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông đại chúng (xảy ra tương đối thường xuyên) là những đặc trưng của đại dịch Covid-19 này. Sự phổ biến tri thức khoa học dạng này đã diễn ra dưới nhiều hình thức với vô số các nghiên cứu tiền xuất bản (preprint), thông cáo báo chí và bình luận được phổ cập khắp trên mạng xã hội, kết hợp với đòi hỏi thực tế buộc các tạp chí phải đối mặt với một bài kiểm tra thực sự về tốc độ bình duyệt và xuất bản. Ví dụ, tạp chí JAMA đã báo cáo số lượng bài nghiên cứu gửi đến tăng gấp ba lần, hầu hết đều liên quan đến COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2020.

Một số nghiên cứu trước đó đã sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục để kiểm tra tính chính xác của các nghiên cứu về COVID-19, trong đó mô tả các yếu tố quốc gia, loại bằng chứng và đóng góp cụ thể của mỗi tạp chí cho nghiên cứu hoặc sự tương phản giữa các ấn phẩm nghiên cứu bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Các báo cáo cho thấy phần lớn các hoạt động nghiên cứu bắt nguồn từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch với tần suất xuất hiện vượt trội trong các tạp chí y sinh học hàng đầu. Nghiên cứu của nhóm nghiên cứu tập trung vào các ấn phẩm được phổ biến rộng rãi, được AAS xác định. Tương tự như một nghiên cứu trước đó của Raynaud và cộng sự, nghiên cứu tổng hợp năm 2021 về hơn 10.000 bài báo nghiên cứu COVID-19, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng phần lớn các bài báo COVID-19 được xác định cho thấy mức độ sai sót cao và quan trọng là 57,6% không báo cáo dữ liệu sơ cấp (ví dụ như các bài xã luận, báo mạng, v.v...). Nhóm nghiên cứu đã đi sâu thêm bằng cách mô tả các yếu tố chính góp phần vào tỉ suất RoB cao trong các bài báo COVID-19, ví dụ, sự thiếu hụt các báo cáo thông tin nhân khẩu học trong nhiều trường hợp nghiên cứu. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã phân tích việc sử dụng và tuân thủ các khung nghiên cứu, xác định rằng chỉ có 9 nghiên cứu được báo cáo có tuân thủ khung này và 44% trong số này có sự tuân thủ kém hoặc không tuân thủ các khung nghiên cứu như đã trình bày. Cuối cùng, nghiên cứu không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy các tạp chí có hệ số tác động cao cho xuất bản các nghiên cứu về COVID-19 có tỉ suất RoB thấp.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Khatter, A., Naughton, M., Dambha‐Miller, H., & Redmond, P. (2021). Is rapid scientific publication also high quality? Bibliometric analysis of highly disseminated COVID ‐19 research papers. Learned Publishing, 34(4), 568-577. https://doi.org/10.1002/leap.1403.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Xuất bản khoa học “thần tốc”: một phân tích trắc lượng các bài báo nghiên cứu về Covid-19 tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19