Học sinh cần gì khi một năm học mới lại bắt đầu?

Sau một năm học đầy những biến động không thể lường trước về mọi mặt, cả học sinh và giáo viên đều cần phải tập trung vào các mối quan hệ và lấy lại nhịp sống quen thuộc hàng ngày của trường học.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh giáo dục và những ảnh hưởng xã hội, tâm lý do đại dịch Covid-19 gây ra suốt 18 tháng qua, có thể thấy, nhiều nhà trường và các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách đang đề cập đến “sự mất mát trong học tập” với tư cách là một trong những thách thức lớn nhất của năm học 2021-2022.

Không có gì nghi ngờ khi việc dạy học đã phải trải qua nhiều mất mát trong thời gian gần đây; nhưng cốt lõi của sự mất mát này nằm ở sức khoẻ tinh thần mong manh của những đứa trẻ, của con cái chúng ta. Các thầy cô giáo cũng phải trải qua cảm xúc lo lắng tột độ, bị choáng ngợp trước những tình huống không thể đoán trước trong suốt năm qua.

Vậy những điều này có ý nghĩa gì và có giúp chúng ta rút ra được bài học nào trong năm học mới không? Dưới đây là một vài gợi ý của chúng tôi về những điều các lớp học nên dành sự ưu tiên trong năm học tới.

Sự kết nối bắt đầu từ những người lớn

Khi các giáo viên dành sự quan tâm cho nhau một cách có chủ đích, học sinh của chúng ta sẽ cảm nhận được bầu không khí an toàn. Chúng ta bước vào thế giới này luôn kèm theo những sợi dây ràng buộc chúng ta với người khác, để tạo sự kết nối, mối quan hệ — đó là điều tự nhiên bắt buộc về mặt sinh học. Hệ thống thần kinh của con người cần sự liên hệ qua lại đó để điều chỉnh trạng thái tâm lý của chúng ta, để mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn. Cảm giác thân thuộc mang lại sự hài lòng, còn cảm giác hạnh phúc cá nhân chịu ảnh hưởng khi chúng ta trở thành một phần của mạng lưới xã hội. Chúng ta đã đánh mất sự kết nối này trong suốt năm ngoái - khi thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, và những ảnh hưởng còn sót lại của cảm giác cô lập và sự không thể đoán trước được của tình hình - vốn là xu thế chủ đạo của 18 tháng qua - sẽ còn được nhớ đến trong nhiều năm tới. Việc nuôi dưỡng văn hóa gia đình trong lớp học và trường học của chúng ta sẽ giúp giảm thiểu những cảm giác bị cô lập, mất mát và cô đơn.

Các trường học cần phải lên kế hoạch về việc tạo ra các thói quen và lập lịch công tác, học tập, tạo cho giáo viên và học sinh cảm giác mọi việc đều có kế hoạch, đồng thời giúp nâng cao sức chịu đựng về mặt tinh thần và thể chất mà nhiều học sinh đang cần tới, đặc biệt là những học sinh phải học từ xa trong toàn bộ hoặc hầu hết thời gian của năm học trước.

Việc ưu tiên gặp gỡ trực tiếp học sinh sẽ tạo cảm giác thân mật, giúp học sinh tĩnh tâm hơn, do đây chính là những khoảnh khắc của sự kết nối, tăng cường sự tự chủ, tự lập của mỗi học sinh, giúp các em xác định được khi nào, và cái gì, đang diễn ra đúng hướng hoặc cần có sự điều chỉnh. Những học sinh ở tuổi thiếu niên sẽ cần đến sự kết nối này hơn so với những em học sinh ở bậc tiểu học, do ở lứa tuổi này các em đang trải qua sự phát triển mạnh mẽ về cả thể chất và tinh thần, khi các xi-náp thần kinh đang có sự gia tăng nhanh chóng. Sự kết nối, tương tác có thể đơn giản chỉ là bàn tay đặt lên vai các em, tương tác bằng mắt nhẹ nhàng, một tờ giấy ghi chú ngắn gọn hay một lời chào, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào mà hai bên quy ước với nhau.

Lấy lại nhịp sống thường nhất

Những tiết sinh hoạt chung buổi sáng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho học sinh ở mọi lứa tuổi - từ học sinh tiểu học đến trung học phổ thông. Những buổi sinh hoạt này giống như bước khởi động hệ thần kinh để sẵn sàng cho việc học tập, đồng thời cho phép mọi người tương tác với nhau nhiều hơn. Chẳng hạn, giáo viên có thể để học sinh truyền tay nhau một chiếc trống nhỏ, và mỗi em sẽ đánh nhịp dựa theo cảm xúc ở thời điểm đó của các em. Các em có thể chọn nhịp, tốc độ và âm lượng của tiếng trống khác nhau vào mỗi buổi sáng, giờ giải lao và cuối ngày học. Giáo viên sau đó có thể giải thích đôi chút về những tiếng trống này. Tiếng trống của em nào nhanh, em nào chậm, em nào có tiếng trống lớn, em nào có tiếng trống nhẹ nhàng? Tiếng trống dồn dập, vội vã, hay mượt mà, đằm thắm? Từ đó, chúng ta có thể phần nào xác định tâm trạng của các học sinh một cách tương ứng.

Đã một thời gian dài các học sinh của chúng ta không bị bắt buộc phải ngồi ở trường bảy tiếng một ngày để làm các bài tập. Giáo viên có thể giúp các em bắt nhịp lại với hoạt động của trường học một cách dần dần, bằng cách chia nhỏ các bài tập và các tiết học, xen giữa là các hoạt động giải lao ngắn, uống nước, ăn quà vặt. Giáo viên có thể sẽ cần rút ngắn các tiết học, chú trọng yếu tố chất lượng thay vì số lượng. Nếu học sinh hiểu được bài và có khả năng tiếp thu, vận dụng bài tốt, giáo viên sẽ dần dần tăng thời lượng của các tiết học và độ khó của bài tập lên, để giúp các em tập trung hơn vào việc học.

Việc vận động cũng rất quan trọng; học sinh cần các giờ giải lao, tập thể dục để giúp giảm căng thẳng và cảm thấy bản thân các em được quan tâm hơn. Các bài tập duy trì sự tập trung cũng là một phần quan trọng của thời gian biểu hàng ngày của lớp học - trong đó bao gồm những bài tập tích hợp nhịp thở có chủ định, thực hành nhịp nhàng và các cảm giác phù hợp để hỗ trợ tạo ra cảm giác bình tĩnh và an toàn trong cơ thể, tác động lên hệ thống thần kinh của chúng ta để cải thiện sự chú ý, trí nhớ làm việc và khả năng học tập học tập.

Nhịp điệu của cuộc sống luôn xoay quanh các tình huống có sự xáo trộn, không đạt được mục tiêu kỳ vọng, thậm chí là “đổ vỡ” và sau đó sửa chữa lại. Trong suốt một năm qua, các trường học đã trải qua nhiều sự “đổ vỡ” mà không có thời gian, không gian và cơ hội để sửa chữa. Chúng ta sẽ cần phải thừa nhận những nghịch cảnh và tổn thương mà học sinh đã trải qua và tìm ra những cách thức mới để sửa chữa, dẫn dắt, giảng dạy và sống cuộc sống phù hợp với tình cảm, tinh thần và sinh lý vốn là quyền bẩm sinh của mỗi con người.

Vân An dịch

Nguồn:

Lori Desautels (2021). What Students Will Need as the Year Begins. Edutopia. 

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Học sinh cần gì khi một năm học mới lại bắt đầu? tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19