Phương pháp Giáo dục hòa nhập đã được phê chuẩn trong Tuyên bố Salamanca của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) và Khuôn khổ Hành động trong Giáo dục Nhu cầu Đặc biệt vào năm 1994. Do phương pháp giáo dục hòa nhập tập trung vào việc đưa các học sinh có những nhu cầu đặc biệt về giáo dục vào các lớp giáo dục phổ thông phù hợp với lứa tuổi hoặc các trường phổ thông tương ứng phù hợp, đây được coi là “vấn đề công bằng xã hội và bình đẳng” và là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để chống lại sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Với sự ra đời của các phương pháp giáo dục hòa nhập, những người ủng hộ phương pháp tin rằng tất cả học sinh, dù có hay không có khuyết tật hay khiếm khuyết ảnh hưởng đến khả năng học tập, đều có thể nhận được sự hướng dẫn và can thiệp chất lượng cao; tuy nhiên, những tác động lâu dài của giáo dục hòa nhập vẫn còn gây tranh cãi, mặc dù ngày càng có nhiều công trình về chủ đề này.
Dữ liệu sử dụng cho thao tác phân tích trắc lượng thư mục của bài nghiên cứu này được lấy từ danh mục Core Collection thuộc cơ sở dữ liệu Web of Science vào ngày 03/7/2020. Từ khoá tìm kiếm sử dụng để lọc các bài báo khoa học tương ứng là “inclusive education” (giáo dục hoà nhập) và “inclusion of education” (sự hoà nhập của giáo dục). Tác giả chỉ lọc ra các bài báo được đăng tải trong thời gian từ năm 1992 đến 2020. Có tổng cộng 1.786 bài báo khoa học, của 3.376 tác giả đăng tải trong 345 tạp chí được lọc ra. Tổng cộng có 54.747 trích dẫn và 2.981 từ khoá xuất hiện trong tiêu đề và tóm tắt của các bài viết.
Có tổng cộng 1.786 bài báo về giáo dục hòa nhập đã được xuất bản trong 29 năm qua, từ năm 1992 đến năm 2020, thoả mãn các tiêu chí phân tích của nghiên cứu này. Số lượng xuất bản tăng dần sau năm 2006 và sau đó tăng mạnh từ năm 2012 trở đi. Các ấn phẩm từ năm 2012 đến năm 2020 chiếm 74,8% trong tổng số 1.786 bài báo (Hình 1). Tính trong toàn giai đoạn, khoảng thời gian có số lượng xuất bản cao nhất là từ năm 2018 đến năm 2019. Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều ấn phẩm khoa học về chủ đề này nhất, trong khi Vương quốc Anh là quốc gia dẫn đầu về số lượt trích dẫn (Hình 2).
Hình 1. Số lượng các công trình khoa học về giáo dục hòa nhập theo năm. Chú giải: TLCS: Tổng điểm trích dẫn cục bộ.
Hình 2. 12 quốc gia có số công trình khoa học về chủ đề giáo dục hoà nhập cao nhất trong giai đoạn 1992-2020.
Trong số 15 cơ sở giáo dục có nhiều nghiên cứu xuất bản nhất, có bốn cơ sở giáo dục tại Vương quốc Anh, ba cơ sở giáo dục ở Úc, hai cơ sở giáo dục tại Nam Phi, hai cơ sở giáo dục ở Hoa Kỳ, hai cơ sở giáo dục ở Phần Lan, một cơ sở giáo dục ở Hà Lan và một cơ sở giáo dục ở Trung Quốc. Hầu hết các cơ sở giáo dục có tên trong danh sách này đều nằm ở những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới. Bảy trong số 15 cơ sở giáo dục có nhiều nghiên cứu được xuất bản nhất đến từ châu Âu, ba ở Châu Đại Dương, hai ở châu Mỹ, hai ở châu Phi và một ở châu Á. 10 tạp chí được trích dẫn nhiều nhất có thể được xếp vào hai cụm: cụm 1 bao gồm các tạp chí liên quan đến giáo dục đặc biệt, chẳng hạn như International Journal of Inclusive Education, European Journal of Special Needs Education, và Disability&Society; cụm thứ hai bao gồm các tạp chí liên quan đến giáo dục, chẳng hạn như Teaching and Teacher Education, Cambridge Journal of Education, và European Journal of Psychology of Education.
Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Úc thống trị các nghiên cứu giáo dục hòa nhập, do đây là các quốc gia có những bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất, có nhiều nhà khoa học xuất bản nhiều nhất và có các cơ sở đào tạo/nghiên cứu với số lượt được trích dẫn nhiều nhất. Nhóm nghiên cứu cũng đã rút ra ba chủ đề cốt lõi từ 30 bài báo được trích dẫn nhiều nhất, gồm: thái độ của giáo viên, năng lực bản thân của giáo viên và tác động của giáo dục hòa nhập. Giáo viên ở đây bao gồm cả giáo viên dự bị và giáo viên tại chức; còn học sinh đại diện cho những người có và không có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Thái độ và hiệu quả của giáo viên đối với giáo dục hòa nhập sẽ có tác động đáng kể đến sự thành công của việc thực hành giáo dục hòa nhập. Do đó, giáo viên dự bị cần tham gia các khóa học giáo dục đặc biệt để nâng cao kiến thức sư phạm, trong khi giáo viên tại chức cần được đào tạo liên tục để nâng cao khả năng sư phạm của họ.
Tạp chí Quốc tế về Giáo dục Hòa nhập (International Journal of Inclusive Education) là tạp chí được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực này và xuất bản các bài báo có tính chuyên môn cao nhất về giáo dục hòa nhập. Các tạp chí được trích dẫn nhiều nhất cũng bao gồm các tạp chí về lĩnh vực giáo dục, vốn chấp nhận các bản thảo nghiên cứu về chủ đề giảng dạy và giáo dục giáo viên. Các giáo viên tuyến đầu trong các lớp học phổ thông nên cân nhắc gửi các bài báo phản ánh kinh nghiệm giảng dạy của họ cho các tạp chí được trích dẫn nhiều nhất này, những tạp chí có lượng độc giả lớn. Để đo lường tác động của giáo dục hòa nhập và hiệu quả tự thân của giáo viên, cần xây dựng các công cụ cho nghiên cứu định lượng hoặc định tính, chẳng hạn như bảng hỏi, các thang đo và giao thức phỏng vấn. Hơn nữa, độ tin cậy và hiệu lực của các công cụ nghiên cứu đó cần được tính toán cẩn thận. Rất ít nghiên cứu về giáo dục hòa nhập có sự hợp tác của các nhà khoa học đến từ các quốc gia, nhưng trong tương lai gần, có thể thực hiện các nghiên cứu đa văn hóa về chủ đề này. Do đó, việc phát triển một công cụ nghiên cứu không có văn hóa cũng sẽ rất cần thiết.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Wu, J. F., & Lin, X. (2021). Bibliometric analysis of publications on inclusive education from the Web of Science Core Collection published from 1992 to 2020. Science Editing, 8(1), 79–84. https://doi.org/10.6087/kcse.233
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.