Sự cạnh tranh trong học thuật và các công nghệ xuất bản với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin đã dẫn đến sự tăng trưởng đột phá của các tạp chí khoa học điện tử trong 20 năm qua. Do đặc thù của các tạp chí điện tử được phân phối qua mạng Internet không bị giới hạn bởi số lượng bài viết trên mỗi số như tạp chí in truyền thống, khái niệm “truy cập mở” đã xuất hiện trong thời đại của các tạp chí điện tử, cho phép bất kì độc giả nào cũng có thể truy cập tự do và sử dụng lại các nội dung của bài báo khoa học mà không phải chịu bất kì rào cản nào. Từ đó, mô hình thu nhập của các tạp chí cũng có sự điều chỉnh, từ việc thu phí truy cập định kì của độc giả (thông qua dạng phí thuê bao hàng tháng hoặc phí mua từng ấn bản, không thu phí tác giả) chuyển sang thu phí xử lí/đăng bài viết của tác giả (không thu phí người đọc). Có nhiều cách phân loại các tạp chí và bài báo truy cập mở, chủ yếu dựa trên mô hình mà tạp chí hay bài báo đó sử dụng và mức phí mà tác giả và/hoặc người đọc phải chi trả để có thể đăng bài/truy cập nội dung của tạp chí hay bài báo đó.
Biểu đồ phân loại các tạp chí khoa học dựa trên mức độ truy cập đóng/mở ở cấp độ tạp chí và cấp độ bài viết.
Tuy nhiên, mỗi cơ sở dữ liệu khoa học với các dạng bài viết và lĩnh vực chuyên môn khác nhau lại có cách thức đánh giá và phân loại truy cập mở khác nhau. Do đó, khó để thống kê thực trạng bài viết và tạp chí truy cập mở trên quy mô toàn cầu nếu không có sự thống nhất về các khái niệm và cách phân loại. Chẳng hạn, cơ sở dữ liệu Scopus không chia nhỏ nội dung truy cập mở thành từng loại con khác nhau, Web of Science (ISI) chia các nội dung truy cập mở theo hai cấp độ tạp chí và bài viết. Báo cáo Trích dẫn Tạp chí (JCR) có phân loại tạp chí truy cập mở, song chỉ cung cấp số lượng bài viết truy cập mở trong vòng 3 năm gần nhất và không cho phép người xem tải bài viết xuống. Do đó, trong bài nghiên cứu thuần mô tả, dựa hoàn toàn vào phương pháp phân tích tài liệu này, nhóm tác giả sử dụng các dữ liệu về truy cập mở ở cấp độ bài báo từ cơ sở dữ liệu Web of Science (ISI) và dữ liệu truy cập mở ở cấp độ tạp chí từ JCR, nhằm thu được những dữ liệu đáng tin cậy nhất về thực trạng công tác xuất bản khoa học mở hiện nay.
Nghiên cứu này đã điều tra số lượng các bài báo khoa học truy cập mở trong 6 năm, giới hạn phạm vi trong các tạp chí có tên trong báo cáo JCR. Trong báo cáo JCR 2014-2019, tỉ lệ tạp chí truy cập mở, bao gồm cả tạp chí “lai”, là 80,4%, nhưng số lượng bài báo truy cập mở vẫn còn ít (chỉ chiếm 20,9%). Tỷ lệ các bài báo truy cập mở có xu hướng tăng dần, và ở thời điểm khảo sát, các bài báo truy cập mở chiếm hơn 1/4 số bài báo thuộc phạm vi thống kê của JCR.
Liên quan đến việc chuyển đổi các tạp chí từ mô hình độc giả trả phí truy cập truyền thống sang mô hình truy cập mở (vốn nhận được sự quan tâm lớn của các thư viện), 77,4% số tạp chí đã chuyển sang mô hình “tạp chí lai”, nhưng có đến 22,6% vẫn tiếp tục duy trì mô hình thu phí đăng ký truyền thống. Mặc dù vậy, các bài báo truy cập mở chỉ chiếm tỉ lệ 5,2% và phần còn lại (94,8%) vẫn là các bài báo xuất bản theo mô hình độc giả trả phí truyền thống.
Mặc dù các nhà xuất bản thương mại đã tích cực đẩy mạnh các tạp chí truy cập mở theo mô hình yêu cầu tác giả bài viết trả phí xuất bản, đồng thời chuyển đổi các tạp chí chất lượng cao sử dụng mô hình thu phí truy cập truyền thống sang dạng các tạp chí “lai”, vẫn cần có những nỗ lực lớn hơn nữa để đạt được mục tiêu truy cập mở năm 2020. Tuy nhiên, với phong trào “PLAN S” (https://www.coalition-s.org/) ở Châu Âu, trong đó khuyến khích các nghiên cứu nhận tài trợ công được xuất bản dưới dạng các bài báo truy cập mở, sẽ đẩy nhanh tiến độ này.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Kim, S. J., & Park, K. S. (2021). Open access status of journals and articles in Journal Citation Reports. Science Editing, 8(1), 26–31. https://doi.org/10.6087/kcse.226
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.