Chuyển đổi số trong giáo dục: Một trường hợp về nâng cấp hệ điều hành, đồng bộ hệ thống và đảm bảo an ninh hệ thống thông tin của nhà trường

Việc chuyển đổi các nền tảng số từ trước đến nay luôn là một trong những quá trình phức tạp và tiềm ẩn rủi ro. Vậy mà có những trường hợp, quy mô chuyển đổi lại vô cùng lớn - như trường hợp của một học khu có nhu cầu nâng cấp hệ điều hành cho một số lượng lớn thiết bị - lên tới 45.000 máy tính - thực sự là một thách thức.

Chưa hết, học khu mà chúng tôi đề cập trong bài viết này lại chỉ duy trì một lực lượng nhân viên có chuyên môn công nghệ thông tin tương đối nhỏ - đây cũng là thực trạng chung của đại đa số các trường học hiện nay, khi mà các nhà quản lý chưa thực sự chú trọng và đầu tư nguồn lực cho mảng này. Quá trình chuyển đổi dự kiến sẽ ảnh hưởng đến 75.000 học sinh, nên mọi việc càng phải được tiến hành cẩn trọng. Không may thay, trong quá trình nâng cấp số máy tính này từ hệ điều hành Windows 7 lên Windows 10, học khu này còn vấp phải một thách thức “không tưởng” khác, đó là sự tấn công của loại mã độc chuyên “bắt cóc” dữ liệu làm “con tin” và “đòi tiền chuộc”.

Công việc “quá sức” đối với đội ngũ IT của nhà trường

Do quy mô của hệ thống quá lớn mà đội ngũ IT lại quá hạn chế, học khu cần một bộ công cụ và các chuyên gia công nghệ thông tin có khả năng điều phối cuộc chuyển đổi nền tảng trên toàn bộ 45.000 máy vi tính của mình. Nhóm IT của nhà trường biết cách tạo “ảnh đĩa” (tập tin giống như một bức ảnh “chụp” lại nguyên vẹn tình trạng ổ cứng máy tính ở một thời điểm nhất định), nhưng với số lượng máy tính quá đồ sộ, nhóm không thể thực hiện thủ công trên từng máy được.

Bởi vậy, nhóm IT quyết định sử dụng công cụ System Center Configuration Manager (SCCM), phần mềm cho phép tự động hoá quá trình tạo ảnh đĩa và các tác vụ khác trong quá trình triển khai hệ điều hành Windows 10 lên các hệ thống. Đến đây, họ lại gặp phải một vấn đề khác: học khu đang sử dụng một phiên bản SCCM quá cũ, không thể tương thích với các công nghệ mới được Microsoft sử dụng trên Windows 10. Ngoài ra, nhóm cũng cần phải vận hành trên 150 điểm phân phối dữ liệu vật lý (đây là các máy chủ dùng để lưu trữ tạm thời các bộ cài đặt, bản cập nhật phần mềm… để chờ phân phối và cài đặt xuống các máy tính khác trong mạng), quá sức đối với lực lượng IT quá mỏng của học khu. Nói tóm lại, có nhiều vấn đề tồn đọng trong một thời gian dài liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin đã cản trở quá trình chuyển đổi của học khu về mặt kĩ thuật.

Giải pháp thực hiện

Sau nhiều năm trì hoãn, lần này học khu quyết tâm nâng cấp đồng bộ hạ tầng kĩ thuật, bắt đầu bằng việc cập nhật và tổ chức lại phần mềm SCCM. Bước đầu tiên, nhóm IT quyết định di chuyển 150 điểm phân phối dữ liệu vật lý mà họ đang quản lý lên nền tảng đám mây Microsoft Azure, việc này sẽ giúp nhóm nhân viên IT vốn hạn chế của học khu không cần phải đảm nhiệm việc vận hành các hệ thống máy chủ này nữa, mà chuyển giao cho một công ty chuyên về hạ tầng kĩ thuật là Microsoft giải quyết. Học khu vẫn có quyền quyết định trong việc thay đổi quy mô của dịch vụ đám mây nhằm đáp ứng với những nhu cầu thay đổi liên tục, mà không cần trực tiếp mua, lắp đặt, vận hành thêm các điểm phân phối vật lý khác. Mọi thứ từ nay chỉ diễn ra trên nền tảng đám mây. Nhờ đó, nhóm IT có thể dành nguồn lực cho các công việc khác liên quan trực tiếp hơn đến học khu. Đồng thời, việc chuyển đổi này cũng giúp hệ thống của học khu đồng bộ được với hạ tầng kĩ thuật mà Microsoft yêu cầu cho các phần mềm của mình (phần mềm SCCM). Cần nói thêm rằng, trước đó học khu này cũng đã nhiều lần trì hoãn việc chuyển đổi trên, một phần nguyên nhân dẫn đến sự chậm chạp và khó khăn trong việc tiến hành các bước tiếp theo của chuyển đổi số.

Tiếp đó, nhóm IT tiếp tục tạo các chuỗi tác vụ tự động để thực thi trong phần mềm SCCM, nhằm đơn giản hoá quá trình tạo ảnh đĩa. Đồng thời, sử dụng công cụ Windows BranchCache để giảm lượng dữ liệu truyền tải từ các điểm phân phối trên đám mây Azure tới các máy tính trong học khu. Thay vì phải làm các thao tác xoá ổ cứng, tạo và tải ảnh đĩa mới lên từng máy tính, nhóm IT sử dụng phần mềm SCCM để chạy chuỗi các tác vụ đã được cài đặt sẵn, giảm tối đa lượng dữ liệu truyền tải trong quá trình xử lý.

Một trong những điều may mắn là bản cập nhật SCCM mới này có mặt kịp thời, giúp ngăn chặn cuộc tấn công của mã độc tống tiền WannaCry trước 9.000 máy tính gặp rủi ro (chưa được cài đặt bản vá bảo mật) trong hệ thống của học khu. Trong quá trình chuyển đổi, mã độc WannaCry, bằng một cách nào đó, đã xâm nhập được vào hệ thống mạng của học khu. Với việc nhanh chóng triển khai bản vá lỗi tới các máy tính thông qua phần mềm SCCM mới được cập nhật, học khu đã tránh được một cuộc tấn công quy mô lớn, vô cùng tốn kém để khắc phục, nếu xảy ra trên hệ thống máy tính và máy chủ của họ. Điều này một lần nữa là minh chứng cho việc các trường học không nên trì hoãn việc triển khai và bảo trì hệ thống công nghệ thông tin của mình, bởi những cuộc tấn công có thể đến bất kỳ lúc nào và gây thiệt hại lớn, thậm chí không thể phục hồi, đối với hệ thống hạ tầng và dữ liệu số của nhà trường.

Sau quá trình triển khai, nâng cấp và chuyển đổi, nhóm IT của học khu đã có thể xử lý và nhanh chóng cập nhật hệ điều hành mới cho các thiết bị còn lạ của hệ thống, trước khi bàn giao cho các nhân viên, các khoa và các sinh viên của trường trong một vài tháng tiếp theo. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, các phần mềm mới liên tục ra đời, ứng dụng các công nghệ mới nhất để đơn giản hoá và đem lại nhiều tiện ích, việc cập nhật các phần mềm, trong đó có nâng cấp hệ điều hành lên phiên bản mới nhất (Windows 10 ở thời điểm viết bài này) là hết sức cấp thiết.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Todd Missey (2017). Upgrading to Windows 10: How SHI helped one school migrate 45,000 devices. K12-Blueprint.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.