Tác động của các chính sách học phí tới nền giáo dục đại học tại Anh và Đức

Giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia, cộng đồng xã hội, trong đó chủ yếu góp phần tạo ra các giá trị tập thể trong tương lai. Nghiên cứu của tác giả Larissa von Alberti-Alhtaybat và cộng sự tìm hiểu nhận thức của những người làm công tác tài chính, kế toán tại các trường đại học trong bối cảnh chính phủ Anh và Đức giới thiệu chương trình học phí bậc đại học tại các quốc gia này, và tác động của những chính sách này tới đời sống học thuật, sinh viên.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, phân tích dữ liệu thông qua các phỏng vấn bán cấu trúc. Những người làm công tác tài chính, kế toán tại các trường đại học trao đổi với nhóm nghiên cứu về những hiểu biết, nhận thức của họ liên quan đến các chính sách học phí mới của chính phủ Anh và Đức, trong bối cảnh đặc thù riêng của từng trường đại học nơi các đáp viên này công tác. Yếu tố học tập được nhấn mạnh và là trọng tâm của các chính sách về giáo dục. Những người làm công tác tài chính, kế toán tại các trường đại học được lựa chọn để trả lời các câu hỏi phỏng vấn của nhóm nghiên cứu, bởi họ có nền tảng về cả lĩnh vực học thuật lẫn chuyên môn tài chính của riêng họ. Ngoài ra, những người này đã chứng kiến sự thay đổi về vị thế của các trường đại học trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều biến động, ngoài ra họ còn đóng vai trò đại diện cho môi trường học thuật nơi họ đang công tác. Sau đó, nhóm tác giả tiến hành phân tích dữ liệu thu thập được bằng phương pháp mã hoá dữ liệu phỏng vấn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong khi học phí bậc đại học của nước Anh đã được điều chỉnh tăng một vài lần trong vòng 15 năm qua thì nước Đức lại không có nhiều sự điều chỉnh, thậm chí còn từ bỏ chính sách này. Lý do dẫn đến thực trạng trên đã được các nhà nghiên cứu khám phá thông qua những cuộc phỏng vấn với các đáp viên làm công tác tài chính, kế toán tại các trường đại học. Ngoài ra, kết quả của các phỏng vấn còn có một số hàm ý về chính sách trong tương lai, trong đó nhấn mạnh rằng phải duy trì sự ủng hộ về chính trị bền vững đối với các chính sách học phí ở trường đại học bất chấp sự thay đổi của các nội các, chính phủ cầm quyền. Ngoài ra, bản thân khối giáo dục đại học cũng phải có sự ủng hộ nhất quán đối với các chính sách này. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn bàn về tác động của các chính sách học phí đối với nền giáo dục của từng nước, cho thấy rằng các sinh viên tại Anh có kỳ vọng lớn hơn về chương trình giáo dục đại học mà họ đang theo đuổi. Khi đề cập đến thực trạng giáo dục tại từng lớp học, các sinh viên Đức và Anh đều có những kỳ vọng tương tự nhau. Một khía cạnh khác cũng được đặt ra là sự khác biệt về bối cảnh chính trị và giáo dục của từng nước, các vấn đề nổi cộm của giáo dục đại học của từng quốc gia và tác động xã hội của chúng.

Đây là một trong những nghiên cứu không phổ biến trực tiếp so sánh sự khác biệt về chính sách học phí và những hàm ý chính sách cho cả hai quốc gia Đức và Anh. Hai trường hợp khác nhau của hai nước là minh chứng cho nhận định rằng Đức và Anh đang ở hai đầu khác nhau của quá trình đổi mới giáo dục, và do đó những kỳ vọng khác nhau của sinh viên về trải nghiệm giáo dục ở hai quốc gia này thực chất đến từ những chính sách học phí của mỗi nước.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Larissa von Alberti-Alhtaybat, Njlaa Abdelrahman, Khaldoon Al-Htaybat (2017). The effect of different higher education fee policies on education A comparison between England and Germany. International Journal of Public Sector Management, 30(2), 189 - 208.

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí GIáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Tác động của các chính sách học phí tới nền giáo dục đại học tại Anh và Đức tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19