Đại dịch Covid-19 tác động thế nào đến việc học tập và kế hoạch của học sinh tốt nghiệp THPT: Nghiên cứu trường hợp ở Ireland

Việc đóng cửa trường học và triển khai dạy học trực tuyến đã dẫn đến sự gián đoạn lớn đối với việc học tập của các học sinh năm cuối trung học - những học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào tháng 6/2020 tại Ireland. Sử dụng phương pháp Lý thuyết kiến tạo, nhóm nghiên cứu của Ayeshah Émon và cộng sự đã thực hiện 14 cuộc phỏng vấn sâu để hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch Covid-19 và các lệnh giãn cách xã hội đối với cuộc sống, giáo dục và kế hoạch của học sinh.

Từ ngày 12/3/2020, để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục ở Cộng hòa Ireland đã bị đóng cửa với một thông báo chỉ được đưa ra trước đó có một vài giờ. Các trường trung học đã chuyển sang dạy học trực tuyến - công việc này được triển khai theo nhiều phương thức khác nhau tuỳ điều kiện của từng trường, dẫn đến sự khác biệt đáng kể về chất lượng của công tác dạy học từ xa. Việc các trường học đột ngột đóng cửa và tìm cách chuyển đổi nhanh chóng sang dạy học từ xa đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với học sinh năm cuối trung học, khi các em gần đến thời điểm tham dự kỳ thi cấp quốc gia - có tên gọi The Leaving Certificate - vào tháng 6/2020.

Kỳ thi The Leaving Certificate đối với học sinh trung học ở Ireland có ý nghĩa rất lớn. Theo một thống kê năm 2020, 73% học sinh chọn kỳ thi này làm phương thức đánh giá tốt nghiệp trung học. Hai năm cuối ở trường trung học ở Ireland của các học sinh chủ yếu được dành để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi này. Tuy nhiên, sau nhiều tuần tranh luận và lo ngại về những rủi ro liên quan đến việc tiến hành các kỳ thi cho hàng chục nghìn học sinh giữa bối cảnh đại dịch, vào tháng 4/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ireland đã thông báo các kỳ thi The Leaving Certificate sẽ được hoãn cho đến tháng 7 và tháng 8. Đến tháng 5/2020, Bộ Giáo dục Ireland quyết định huỷ bỏ kỳ thi The Leaving Certificate và thay bằng một hệ thống đánh giá điểm tốt nghiệp dựa trên các công thức tính toán (thậm chí là “dự đoán”). Số điểm ước tính và danh sách xếp thứ hạng lớp được mỗi giáo viên biên soạn và sau đó được điều chỉnh (nhiều lần) theo sự chuẩn hóa của quốc gia.

Việc hủy bỏ các kỳ thi The Leaving Certificate đánh dấu sự kết thúc đột ngột những năm tháng trung học của các học sinh tốt nghiệp năm 2020. Các dấu ấn truyền thống của dịp này như lễ tốt nghiệp và các buổi tiệc “debs” (dạ hội cuối cấp) đã bị hủy bỏ. Vào đầu mùa hè năm 2020, dân số Ireland vẫn còn chịu nhiều hạn chế về đời sống kinh tế và xã hội, và hầu hết học sinh trung học phải từ bỏ các kế hoạch như đi du lịch hoặc tìm việc làm trong mùa hè. Trong bối cảnh này, nhóm nghiên cứu quyết định tìm hiểu cách mà đợt cách ly xã hội dài đầu tiên (từ 28/3 - 8/6/2020), quyết định đóng cửa trường học, những bất ổn và hạn chế của hệ thống giáo dục giai đoạn đã ảnh hưởng đến học sinh trung học như thế nào và các em đã đối phó ra sao với những thách thức chưa từng có này.

Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra, phỏng vấn thực tế để thu thập dữ liệu cho nghiên cứu. Thời gian tiến hành khảo sát là từ ngày 5/8/2020 đến ngày 4/9/2020. Các đáp viên tiềm năng được nhóm nghiên cứu tìm và lựa chọn theo hai cách: thông qua mạng xã hội và phương pháp “quả cầu tuyết” từ những mối quan hệ cá nhân của các nhà nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu lập một tài khoản Twitter cho dự án, trước đó thu hút người dùng theo dõi bằng việc đăng tải các thông tin cập nhật về kỳ thi The Leaving Certificate. Sau khi có một lượng người theo dõi nhất định, nhóm bắt đầu đăng tải các đoạn tweet kêu gọi người tham gia vào nghiên cứu. Đã có ít nhất 4 đáp viên liên hệ với nhóm nghiên cứu sau khi đọc các tweet này; một vài người khác liên hệ để xác minh về dự án trước khi tham gia. Phương pháp “quả cầu tuyết” (snowballing) bao gồm việc các nhà nghiên cứu gửi các tin nhắn qua Whatsapp và gửi email tới một số địa chỉ liên lạc nhất định, sau đó đề nghị người nhận tiếp tục chia sẻ thông tin về nghiên cứu tới những học sinh dự kiến tham gia kỳ thi The Leaving Certificate mà họ biết. Qua thời gian, mỗi người tham gia lại được đề nghị giới thiệu thông tin về dự án tới nhiều người quen của họ hơn nữa.

Từ kết quả của các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc với các khách thể, nhóm nghiên cứu đã phân loại học sinh thành ba nhóm: nhóm miễn dịch (“the shielded”), nhóm lo âu/bất an (“the worried/uncertain”) và nhóm bất mãn (“the discontented”). Nhóm miễn dịch chủ yếu là các học sinh vẫn còn sinh sống cùng bố mẹ, và không phải trải qua bất kỳ tác động tiêu cực nào của việc mất việc làm hay sự sụt giảm thu nhập của gia đình. Hai bạn trẻ trong nhóm này đã có việc làm thêm mùa hè thông qua sự trợ giúp của các mối quan hệ xã hội. Khi bắt đầu thời gian cách ly xã hội, tất cả những học sinh trong nhóm này đều gặp khó khăn với việc thiết lập các thói quen học tập có kỷ luật - một trách nhiệm mà họ thường ỷ lại cho giáo viên của mình. Cha mẹ cũng đóng một vai trò trong việc thiết lập tính kỷ luật cho con cái, tuy nhiên đôi khi áp lực họ gây ra cũng khiến con cái gặp căng thẳng. Tuy nhiên, nhìn chung, nhóm này nhận được sự hỗ trợ rất sâu sát và kĩ lưỡng từ gia đình. Những nữ sinh trong nhóm này đều cho biết họ giữ các mối liên hệ xã hội một cách tích cực và ổn định với một số bạn bè. Tất cả đều  liên lạc hàng ngày với bạn bè qua mạng xã hội, chẳng hạn như các cuộc gọi Zoom, Snapchat, Messenger, FaceTime và một số trò chơi tiêu khiển qua hình thức trực tuyến khác. Nhìn chung, thái độ của nữ sinh này đối với hoàn cảnh thay đổi của họ khi đối mặt với đại dịch và việc giãn cách xã hội là tương đối lạc quan, mặc dù họ đã bị buộc phải hủy bỏ kế hoạch mùa hè và kỳ nghỉ ở nước ngoài. Do đó, nhóm miễn dịch hầu hết không bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên khía cạnh sức khỏe, sự an toàn và an ninh kinh tế của chính họ và gia đình họ.

Trong nhóm lo âu/bất an, Cathy là người cởi mở nhất về những khó khăn về sức khỏe tâm thần của cô ấy trong thời gian giãn cách xã hội. Cô thừa nhận đã gặp phải triệu chứng lo âu và trầm cảm và rất cởi mở với nhóm nghiên cứu khi tiết lộ những cảm xúc này. Tuy nhiên, cô rõ ràng đã có một số cách đối phó với tình trạng này, bao gồm dựa vào các mối quan hệ thân thiết và tin cậy. Việc tập cho mình thái độ biết ơn với mọi việc đã giúp Cathy đối mặt được với những vấn đề của mình và chấp nhận những thay đổi xảy ra với cuộc sống của cô ấy sau giai đoạn giãn cách xã hội. Trái ngược với cách tiếp cận của Cathy để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần, những học sinh khác trong nhóm này chia sẻ về những cảm giác lo lắng và hồi hộp nhưng thiếu các cách đối phó với những cảm xúc này. Catriona đã nói với nhóm nghiên cứu về những lần cô ấy khóc trong thời gian giãn cách xã hội vì cô ấy cảm thấy "bất lực". Cô gái này cảm thấy khó đối diện với sự không chắc chắn/bất ổn, cho dù đó là kết quả bài thi khó đoán trước hay sự không chắc chắn về tương lai của cô sau của đại dịch. Vào thời điểm phỏng vấn, Catriona vẫn đang tìm kiếm một công việc và quá trình này đối với nữ sinh là rất căng thẳng.

Trái ngược với Cathy và Catriona, Brian không có bất kỳ biểu hiện bên ngoài nào của sự lo âu, chẳng hạn như khóc, nhưng nam sinh này đã kể về việc bản thân mất liên lạc với bạn bè, sự bất định, không có mục đích trong việc học tập và việc thời gian trôi qua vô ích trong thời gian giãn cách, và sự không chắc chắn về việc học tập trong tương lai. Điều này đã khiến nam sinh chọn các trường đại học và các ngành học nằm trong “mạng lưới an toàn” hơn là các ngành học mà bản thân thực sự yêu thích. Brian cảm thấy bực bội và thất vọng trước việc hủy bỏ lễ trao bằng tốt nghiệp và các giải thưởng thể thao của mình. Nam sinh này đã lên kế hoạch đi du lịch nước ngoài vào mùa hè để tham dự một lễ hội âm nhạc và cảm thấy tất cả các kế hoạch của mình đã bị “tóm gọn”. Ở nhà, Brian gặp phải một số mâu thuẫn với các thành viên trong gia đình, nhưng nói rằng các cuộc tranh cãi thường được giải quyết nhanh chóng. Cả bố và mẹ của Brian đều vẫn có việc làm, nên gia đình không gặp vấn đề nào về tài chính, nhưng bản thân Brian vẫn có cảm giác cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.

Nhóm bất mãn chủ yếu bao gồm những học sinh “có tham vọng cao” (chẳng hạn như những em nhắm mục tiêu đến các ngành học đầu bảng của các trường đại học), và tỏ ra hướng ngoại hơn trong các câu chuyện, đặc biệt là việc phê phán các chính sách khác nhau của chính phủ. Hai em trong số đó (Alex và Evie) sẽ đi du học tại các trường đại học danh tiếng, càng nói lên định hướng và tham vọng hướng ngoại mạnh mẽ của họ. Ngoại trừ Evie đang sống trong một gia đình đơn thân, những học sinh khác trong nhóm này đang sống với cả cha mẹ và anh chị em. Công việc kinh doanh của bố Julie ban đầu bị ảnh hưởng bởi Covid (trong khi mẹ cô vẫn giữ được công việc của mình), nhưng những học sinh "bất mãn" khác đến từ các gia đình nơi cha mẹ phần lớn không bị ảnh hưởng về kinh tế bởi đại dịch. Mặc dù một số học sinh cho biết thỉnh thoảng đã trải qua những xung đột gia đình trong thời gian giãn cách xã hội, song những xung đột này thường được giải quyết một cách nhanh chóng và về tổng thể, các em học sinh thuộc nhóm này cảm thấy gia đình dành sự hỗ trợ lớn cho họ, những người đóng vai trò hình thành trong việc bồi dưỡng sự tự tin và thể hiện bản thân của các học sinh này. Hơn nữa, các học sinh này còn có những mối quan hệ xã hội rất sâu sắc và rộng rãi, từ những mối quan hệ công việc, chỉ gặp một vài lần cho tới những nhóm bạn thân nhỏ nhưng vô cùng thân thiết, gặp gỡ và chia sẻ với nhau hàng ngày.

Trải nghiệm chờ đợi quyết định của chính phủ liên quan đến kỳ thi Leaving Certificate trong thời gian giãn cách xã hội khiến các em học sinh này khó chịu và cảm thấy bị “cướp mất” các kế hoạch mà các em đang rất mong đợi. Các học sinh này đã trải qua cảm giác bất an và tâm trạng thấp thỏm vào nhiều thời điểm khác nhau trong thời gian cách ly xã hội; do đó một số em đã biểu hiện như tranh cãi với bạn bè về các giá trị xã hội và chính trị, niềm tin và ý thức hệ. Việc thể hiện ra bên ngoài những suy nghĩ của họ thông qua các phương tiện nghệ thuật hoặc những phát ngôn trên mạng xã hội là động lực cho nhóm này, tuy nhiên, đôi khi, họ cũng dẫn đến những bất đồng và sự khác biệt mạnh mẽ về quan điểm trong mạng lưới xã hội của chính các em - lại càng làm sâu sắc thêm sự khó chịu, bất mãn trong nhóm các học sinh này. Trước thực trạng trên, nghệ thuật, âm nhạc, đọc sách và thiền định trở thành những hình thức tự chăm sóc bản thân cho những học sinh thuộc nhóm này và giúp các em đối phó với tình trạng bế tắc. Alex và Evie đã tích cực ghi lại trải nghiệm của mình trong đại dịch. Alex, với tài năng nghệ thuật từ trước, đã biên soạn một "chiếc hộp thời gian", với hy vọng giúp ghi lại những trải nghiệm hiện tại để xem lại nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ sau đó.

Việc quản lý (bất cập) kỳ thi Leaving Certificate đã gây ra phản ứng chỉ trích mạnh mẽ trong nhóm học sinh “bất mãn”, đặc biệt là cách chính phủ xử lý vấn đề và sự truyền thông không rõ ràng giữa Bộ Giáo dục và học sinh. Các học sinh hoan nghênh khả năng những thay đổi trong hệ thống kỳ thi cấp quốc gia trong năm 2020 vừa qua có thể khiến chính phủ đánh giá lại vai trò thực sự của kỳ thi Leaving Certificate và chính thức thừa nhận sự lỗi thời của nó. 

Vân An lược dịch

Nguồn:

Ayeshah Émon et al. (2021). Generation covid: Experiences of the coronavirus pandemic among secondary school graduates of 2020 in Ireland. Cogent Education, 8(1). DOI: 10.1080/2331186X.2021.1947014.

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19