Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái (thời điểm bài viết được xuất bản là vào năm 2010, hai năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra vào năm 2008), có hai động lực kinh tế chính mà chính phủ cần phải “hàn gắn” nhằm cân nhắc một “mức giá” tốt nhất cho sinh viên. Một bên là việc giữ cho tình hình tài chính công của quốc gia nằm trong tầm kiểm soát, trong bối cảnh chính phủ phải giảm thuế để “cứu” doanh nghiệp, và một bên là phải nâng cao kĩ năng và tri thức của dân số để giữ tính cạnh tranh cho lực lượng lao động của nước mình (so với các quốc gia khác trên thế giới). Nhằm giải quyết mâu thuẫn này, nhiều chính phủ đã chọn cách “đẩy” gánh nặng học phí đại học từ người nộp thuế sang người học. Và không có gì ngạc nhiên khi chính sách này vấp phải sự phản ứng không mấy tích cực từ phía các sinh viên.
Chính phủ của Đảng Lao động Anh sau đó đã gia nhập làn sóng toàn cầu nói trên. Từ tháng 9/2006, tất cả các sinh viên đại học toàn thời gian tại Anh, xứ Wales và Bắc Ireland, trừ sinh viên ngoài khu vực châu Âu, đều phải chịu mức tăng học phí. Ban đầu, học phí tối đa là 3000 bảng một năm, nhưng sau đó mức giới hạn này đã tăng lên hàng năm do lạm phát. Đến năm 2009, giới hạn tối đa đã tăng lên 3225 bảng/năm. Ngoài ra, chính phủ Anh đã có sự thay đổi lớn trong cách thức cung cấp nguồn tài chính cho sinh viên Anh. Học phí có thể được chi trả thông qua những khoản vay dành cho tất cả sinh viên, bất kể thu nhập của cha mẹ hay năng lực tài chính của gia đình các em như thế nào. Các khoản trợ cấp và cho vay duy trì cũng được thiết kế lại, nhằm đảm bảo sinh viên đến từ những gia đình thu nhập thấp đều nhận được một khoản hỗ trợ tài chính cơ bản, đồng thời mọi sinh viên đều có đóng góp nhất định vào nguồn thu nhập chung của nhà trường.
Chính sách học phí đại học của Chính phủ Anh (UK) có thực sự hợp lý?
Phần lớn các chính sách giáo dục dưới thời các chính phủ của Thủ tướng Tony Blair là nhằm hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế của quốc gia, rằng kinh tế càng phát triển, lực lượng lao động càng cần có thêm tri thức và kĩ năng để giữ đất nước ổn định. Trong lĩnh vực giáo dục đại học, các trường đại học được khuyến khích mở rộng khả năng tiếp cận với các nhóm dân số ít có cơ hội tiếp cận với bậc học này và mục tiêu 50% dân số thuộc nhóm này được đi học đại học đã được đặt ra để “đảm bảo rằng đất nước có các cơ sở giáo dục đại học có thể cạnh tranh với các trường tốt nhất trên thế giới về giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, và chúng liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo ra việc làm và sự thịnh vượng”.
Trong bối cảnh đó, nhiều người tin rằng chính sách gia tăng học phí là một biện pháp cần thiết và dễ nhận thấy để đạt được tầm nhìn “Lao động mới” về một “nền kinh tế tri thức”. Các chính sách được thúc đẩy bởi một chương trình nghị sự cải cách và là một phương thức đầy tính duy lý để tiến tới những mục tiêu kinh tế - xã hội như kỳ vọng. Tuy nhiên, bức tranh này đặt ra vấn đề về công bằng xã hội.
Mặc dù những lời hùng biện của chính phủ nhấn mạnh tầm nhìn về cơ hội cuộc sống ngày càng được nâng cao cho sinh viên, thực chất chính sách tăng học phí được thúc đẩy bởi những vấn đề của sự chênh lệch trong chi phí giáo dục đại học và nhu cầu thắt chặt chi tiêu công. Tuy nhiên, bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy Đạo luật năm 2004 không xuất phát từ quan điểm duy lý đến từ các tuyên bố của Charles Clarke, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh. Ông cho rằng mặc dù đạo luật năm 2004 về việc cải cách học phí có vẻ như một lời hùng biện về tầm nhìn và tính hợp lý cho nền giáo dục quốc gia, nhưng thực chất lại chỉ là một phần của truyền thống cải cách giáo dục đã tồn tại từ nhiều năm trước của Anh, được mô tả một cách tiếp cận bảo thủ trong việc xây dựng chính sách.
Chính sách giáo dục đại học sẽ dẫn đến tương lai nào?
Những người theo chủ nghĩa duy lý sẽ nhận định rằng giáo dục là một nhân tố quan trọng góp phần vào di động xã hội. Rõ ràng, quyền lực kinh tế sẽ không rơi vào tay nhóm dân số không được đào tạo ở những bậc học cao từ cử nhân trở lên. Do đó, chính sách giáo dục cần phải có tầm nhìn rõ ràng về việc bản thân chúng có thể trở thành động lực cho sự biến đổi xã hội.
Một sự phân cực khác giữa hai luồng tư tưởng - nhóm ủng hộ sự can thiệp và nhóm ủng hộ sự hòa giải - khó quan sát hơn. Những người theo chủ nghĩa duy lý sẽ lập luận rằng các mục tiêu kinh tế xã hội sẽ biện minh cho việc sử dụng một loạt các công cụ chính sách để đạt được những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế. Những người tiếp cận bảo thủ sẽ ủng hộ một kết quả trung gian, trong đó sự thay đổi trong lòng hệ thống xã hội diễn ra theo thời gian sẽ là kết quả của việc giải quyết xung đột. Trong trường hợp của hệ htoongs giáo dục đại học, cả hai lập luận này đều có vấn đề đạo đức. Nếu một sự can thiệp cụ thể về mặt chính sách có tác động tích cực đến cơ hội sống của một cá nhân, thì việc không thực thi nó ngay lập tức có thể bị coi là trái đạo đức. Tuy nhiên, nếu tác động của chính sách là tiêu cực, thì sự can thiệp có thể gây thiệt hại cho những cá nhân mà hậu quả là cơ hội sống của họ có thể gặp trở ngại.
Tóm lại, bài viết này đã tìm hiểu sự phát triển của chính sách học phí ở Vương quốc Anh và đặc biệt là việc đưa ra các mức học phí mới, trong bối cảnh chính quyền đối mặt với sự phản đối của những người ủng hộ truyền thống của Đảng Lao động và trái ngược với những lời hứa rõ ràng được đưa ra trong tuyên ngôn bầu cử năm 2001. Dự án Lao động mới ở Anh đã sử dụng những luận điểm của chủ nghĩa duy lý để phát triển tầm nhìn cho giáo dục đại học chứa đựng các yếu tố của các loại chủ nghĩa duy lý được mô tả bởi nhà nghiên cứu Oakeshott (1962). Ông cho rằng các chính trị gia duy lý sẽ tìm cách theo đuổi một tầm nhìn về giáo dục về cơ bản là thực dụng. Quan điểm cho rằng những người thụ hưởng giáo dục đại học phải trả phí cho khoản đầu tư này trong tương lai của họ rất phù hợp với cách tiếp cận duy lý trong giáo dục, nhưng đây không phải là lập luận mà dự án Lao động mới đã áp dụng để ủng hộ chính sách của họ. Thay vào đó, việc chuyển đổi sang triển khai các mức học phí mới dường như là một quá trình tiến hóa bắt buộc do sự thúc đẩy hoàn cảnh, chứ không phải là bất kỳ kế hoạch chính sách duy lý nào.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Brian Miller (2010). The price of higher education: how rational is British tuition fee policy?. Journal of Higher Education Policy and Management, 32(1), 85-95.
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí GIáo dục.