Đứng trước ngày càng nhiều thách thức trên quy mô toàn cầu, nhu cầu của sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hiện nay là trang bị càng nhiều kĩ năng làm việc nhóm, cộng tác và các kĩ năng đa ngành, liên ngành càng tốt. Mặc dù xu hướng thúc đẩy số hoá tại các trường đại học hiện nay diễn ra khá đột ngột và không vững chắc (phần lớn được “vội vã” triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19), nhưng về lâu dài, việc trang bị năng lực số cho sinh viên luôn là điều cần thiết.
Bài nghiên cứu của nhóm tác giả Melissa Bond và cộng sự nhấn mạnh quá trình số hoá tại các trường đại học ở Cộng hoà Liên bang Đức - một vấn đề được chính các nhà làm luật tại quốc gia này đánh giá là một “thách thức”. Cụ thể, mục tiêu chính của nhóm tác giả là tìm hiểu những công nghệ kĩ thuật số và giáo dục nào đang được sử dụng trong quá trình học tập và giảng dạy, thông qua nhận thức và đánh giá của học sinh, sinh viên.
Bài viết chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích dữ liệu thứ cấp. Trong đó, nguồn dữ liệu được sử dụng để phân tích là bộ dữ liệu Đánh giá Giảng viên Nội bộ năm học 2017-2018 của Phòng Đánh giá Học đường, Đại học Oldenburg (Đức) (đối với dữ liệu liên quan đến giảng viên) và một nghiên cứu quy mô lớn về thực trạng sử dụng các công cụ truyền thông, liên lạc của sinh viên (đối với các dữ liệu liên quan đến sinh viên).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đại đa số giảng viên tại Đại học Oldenburg sử dụng hệ thống quản lý học tập (LMS) đã được triển khai đồng bộ trên quy mô toàn trường. Tuy nhiên, đa số các công cụ được tích hợp trong hệ thống như cliqr (hệ thống thu thập phản hồi của người học), Bubbler (công cụ microblog) hay Meetings (hội họp trực tuyến) bị trên 80% giảng viên cho biết chưa từng sử dụng. Dù vậy, nhận thức của giảng viên về tính hữu dụng của những công cụ trực tuyến này có phần tích cực hơn. 93% giảng viên đánh giá hệ thống LMS của trường là “rất” hoặc “tương đối hữu ích”, các công cụ khác cũng nhận được đánh giá tích cực tương đương.
Trong khi đó, sinh viên Đại học Oldenburg chủ yếu sử dụng các công cụ tìm kiếm, máy tính, hệ thống LMS và tài khoản email của nhà trường cấp phục vụ việc học tập. 94% sinh viên cho biết họ sử dụng các công cụ tìm kiếm gần như hàng ngày, thậm chí vài lần một ngày. Các công cụ khác, bao gồm hệ thống nhắn tin tức thời, công cụ ghi hình bài giảng, hệ thống lưu trữ dữ liệu đám mây do nhà trường cung cấp và phần mềm trích dẫn tài liệu, được sinh viên sử dụng không quá thường xuyên.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Melissa Bond et al. (2018). Digital transformation in German higher education: student and teacher perceptions and usage of digital media. International Journal of Educational Technology in Higher Education, 15(48), https://doi.org/10.1186/s41239-018-0130-1
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí GIáo dục.