Các nghiên cứu trước đó đã chứng minh rằng khối lượng kiến thức mà giáo viên có khi đứng lớp môn Toán có liên hệ chặt chẽ đến sự tiếp thu kiến thức của học sinh. Một nghiên cứu tiến hành năm 2016 sử dụng phương pháp thực nghiệm PISA cho thấy một số quốc gia thành công trong việc giảm tỉ lệ học sinh có thành tích học tập kém phần lớn là nhờ những giáo viên có trình độ cao. Nghiên cứu của tổ chức UNESCO năm 2012 cũng cho thấy các giáo viên là nhân tố chính góp phần vào sự phát triển bền vững của giáo dục, đồng thời là những thách thức chính để đạt được một chương trình giáo dục chất lượng.
Các tác giả đã tiến hành khảo sát trên 328 học sinh lớp 4 tại các trường tiểu học. Những học sinh này đến từ 13 lớp học khác nhau thuộc 9 trường ở Chile, với 9 giáo viên dạy Toán khác nhau. Mẫu nghiên cứu gồm 9 trường đã đảm bảo được tính đại diện của nghiên cứu thống kê. Dữ liệu được thu thập từ năm học năm 2015. 6 trên 9 giáo viên được khảo sát là nữ giới. Trung bình, họ có 13 năm kinh nghiệm (trong đó tối thiểu là 2 và tối đa là 34). 2 người đã từng tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu về Toán, 4 người có bằng sau đại học về Toán học.
Kết quả cho thấy 77% sự khác biệt trong khả năng hình thành khái niệm về phân số trong tư duy của học sinh ghi nhận được qua nghiên cứu là do ảnh hưởng của các biến số đến từ phía học sinh, còn 23% còn lại là do các biến số đến từ phía giáo viên.
Mặt khác, 38% sự khác biệt trong khả năng nhận thức về phân số của học sinh (của tất cả các trường) đến từ yếu tố tri thức sẵn có của các học sinh đó, 32% trường hợp đến từ yếu tố tình hình kinh tế - xã hội của môi trường trường học.
Đặc biệt, gần như toàn bộ sự chênh lệch trong khả năng nhận thức Toán của các học sinh tham gia khảo sát đều có thể được giải thích qua mức độ chuyên môn chung của nhà trường. Trong khi đó, tri thức của giáo viên (xét riêng biệt hoặc xét chung cùng với các yếu tố khác) chiếm khoảng 10%, với mức ý nghĩa là 10%.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Raimundo Olfos et al. (2019). Contribution of teacher knowledge to student knowledge of mathematics. Culture and Education, https://doi.org/10.1080/11356405.2019.1630956.
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.