Nghiên cứu về các yếu tố định hình động cơ đăng bài trên các tạp chí "săn mồi"

Thuật ngữ tạp chí “săn mồi” (hoặc xuất bản “săn mồi”) là một chủ đề luôn gây tranh cãi trong giới học thuật quốc tế. Trước khi danh sách của Jeffrey Beall ra đời, giới học giả đã có những quan ngại về tính toàn vẹn (integrity) của các tạp chí khoa học và thực hành phản biện đồng nghiệp. Với sự ra đời của danh sách “tạp chí săn mồi” vào năm 2011 của Beall, cụm từ này nhanh chóng gia nhập vào diễn ngôn học thuật.

Khi đưa ra danh sách này, Beall mô tả các tạp chí săn mồi là các tạp chí có chất lượng đáng ngờ, thu phí APC cao, thường có các hành vi mời chào đăng bài, và gần như không có quá trình phản biện. Danh sách này của Beall đã tăng từ 18 đến hơn 920 từ năm 2011 đến 2017.

Danh sách này trở nên gây tranh cãi khi nhiều học giả chỉ ra rằng những ‘tiêu chí’ do Beall đặt ra cũng xuất hiện ở một số tạp chí uy tín. Có hơn 200 các tạp chí và nhà xuất bản nằm trong cả danh sách của Beall lẫn những danh sách uy tín như DOAJ. Điều này gợi ý rằng đang tồn tại một “vùng xám” các tạp chí có các đặc điểm phù hợp với cả hai phân loại, và có những tiêu chí không được xác định rõ ràng dẫn tới khó khăn trong đánh giá chính xác (ví dụ: chất lượng của việc phản biện). 

Tuy vậy, trong các bàn luận về tạp chí săn mồi, chiếm phần lớn là những bài bình luận, xã luận, thư của ban biên tập. Nghiên cứu mới đây của 2 tác giả David Mills và Kelsey Inouye (khoa Giáo dục, Đại học Oxford) đã mang tới một phân tích hệ thống các bằng chứng thực chứng (empirical evidence) về khía cạnh động cơ của nhà nghiên cứu khi xuất bản trên các “tạp chí săn mồi”. Nghiên cứu mang tên “Problematizing ‘predatory publishing’: A systematic review of factors shaping publishing motives, decisions, and experiences” được công bố online vào ngày 23 tháng 8 trên tạp chí Learned Publishing (2019 JIF = 2.606).

Hai tác giả đã tìm kiếm các từ khóa liên quan tới “tạp chí săn mồi” trên cơ sở dữ liệu Scopus, Web of Science và ProQuest Social Sciences. Trong số 684 bài báo thu được sau khi lọc các nghiên cứu trùng và các nghiên cứu không liên quan tới phạm vi đề tài, các tác giả tiếp tục tiến hành đọc các phần abstract để lựa chọn những bài nghiên cứu về động lực xuất bản trên các tạp chí săn mồi của nhà nghiên cứu và loại những bài không dựa trên thực chứng (như các bài bình luận của ban biên tập, bài xã luận). Sau bước này, nhóm tác giả thu được 16 bài nghiên cứu và tiến hành phân tích.

Mặc dù lệnh tìm kiếm không giới hạn thời gian, tất cả các bài viết về xuất bản “săn mồi” đều xuất hiện sau năm 2011, cho thấy tầm ảnh hưởng của danh sách Beall. Hơn nửa số kết quả có tiêu đề về xuất bản “săn mồi” là các bài bình luận, bài viết của tổng biên tập trên các tạp chí khoa học tự nhiên, y khoa với nội dung mô tả hình thức xuất bản này và đưa ra các lời khuyên để các tác giả có thể tránh đăng bài trên các tạp chí đó. Điều này góp phần tạo ra một diễn ngôn về sự thận trọng và lo ngại, cảnh báo rằng các tạp chí “săn mồi” là lừa đảo, khai thác các nhà nghiên cứu ít kinh nghiệm và xuất bản những nghiên cứu kém chất lượng. Trong khi đó, còn ít các nghiên cứu thực chứng về các yếu tố định hình động cơ xuất bản trên các tạp chí đó của các nhà nghiên cứu.

Tất cả 16 nghiên cứu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu về các quyết định xuất bản trong bối cảnh các chính sách khuyến khích xuất bản và các kỳ vọng từ các tổ chức và quốc gia cụ thể; và mô tả các áp lực mà các nhà nghiên cứu mới vào nghề phải đối mặt. Ngày càng có nhiều quốc gia đưa việc xuất bản quốc tế vào làm một điều kiện cho học vị tiến sĩ (đôi khi là cả Thạc sĩ). Áp lực gia tăng hồ sơ xuất bản giải thích cho sự gia tăng của các số tạp chí cũng như sự đa dạng các quy trình kiểm soát chất lượng của các tạp chí. Các yêu cầu và các khuyến khích phần thưởng cho xuất bản từ tổ chức một phần được thiết kế để giúp thúc đẩy năng lực và kết quả đầu ra học thuật, nhưng lại có thể dẫn tới các hệ quả không lành mạnh ở cá nhân nhà nghiên cứu.

Phần lớn 16 bài báo này tập trung vào các thách thức công bố của các nhà nghiên cứu đến từ các khu vực đang phát triển, nhưng cũng cho thấy tình trạng đăng bài trên các tạp chí “săn mồi” phổ biến ở cả các nước phát triển. Trong số đó, chỉ có 2 nghiên cứu tìm hiểu về góc nhìn của các biên tập viên tạp chí. Một nghiên cứu nhận thấy rằng 40% các biên tập viên không biết rằng tạp chí của họ được nhìn nhận là tạp chí kém chất lượng, nghiên cứu còn lại thì chỉ ra rằng khoảng một nửa số người phản biện được khảo sát thậm chí là không ý thức được rằng tên họ có mối liên hệ với các tạp chí đó. Kết quả này gợi ý rằng nhiều ban biên tập ít có sự gắn kết tới các tạp chí mang tên họ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Phần lớn các nghiên cứu (12/16) sử dụng danh sách của Beall để lựa chọn đối tượng khi thiết kế nghiên cứu. 3 trên 4 nghiên cứu còn lại, sử dụng thuật ngữ “săn mồi” (predator) nhưng không dựa trên danh sách của Beall. Nghiên cứu của Chavarro và các đồng nghiệp sử dụng một thuật ngữ khác hẳn đó là xuất bản “không chính thống” (non-mainstream).

Là một trong số các nghiên cứu hiếm hoi về chủ đề này được công bố trên tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nghiên cứu của Chavarro và các đồng nghiệp (2017) đã mang tới một cái nhìn thú vị về xuất bản “không chính thống” trong bối cảnh Colombia. Nhóm tác giả nhận định rằng các thực hành xuất bản này góp phần xây dựng một văn hoá xuất bản mới ở những lĩnh vực coi trọng các kiến thức mang tính địa phương chẳng hạn như khoa học nông nghiệp. Những xuất bản như vậy có chức năng đào tạo, giúp các nghiên cứu sinh có cơ hội để công bố các nghiên cứu của họ; và có vai trò “lấp đầy lỗ hổng” thông qua việc phổ biến các kiến thức ở những tạp chí truy cập mở sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha.

Những công bố trên các tạp chí này thường được sử dụng cho việc giảng dạy, hoặc cho các học giả không sử dụng được tiếng Anh hoặc không có khả năng truy cập vào các tạp chí chính thống. Nhóm tác giả cũng đưa ra một quan điểm rất quan trọng rằng, những tạp chí “không chính thống” sẽ giúp soi sáng các kiến thức đến từ các bối cảnh “ngoài lề” (marginalised/peripheral) đang bị bỏ qua trong các đánh giá khoa học phổ quát. Cách sử dụng thuật ngữ “không chính thống” đã giúp định hình lại những vai trò tích cực của các tạp chí đó đối với cộng đồng nghiên cứu. Tuy vậy, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, thực hành này có thể dẫn tới các tri thức được tạo ra ở phía Nam địa cầu sẽ ngày càng co cụm và tách rời khỏi diễn ngôn khoa học phương Bắc đang chiếm thế chủ đạo, ngày càng bị bỏ qua, không được coi trọng hoặc đơn giản là không thể truy cập được. 

Phân tích hệ thống của Mills & Inouye đã cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện các nghiên cứu thực chứng để phát triển những hiểu biết và góc nhìn tổng quát hơn về các thực hành xuất bản học thuật. Các kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy những khía cạnh còn chưa được khám phá về chủ đề này như: các bối cảnh độc đáo của từng quốc gia, khu vực đã góp phần định hình việc xuất bản học thuật ở nơi đó như thế nào; các góc nhìn, quan điểm từ phía ban biên tập của các tạp chí về xuất bản “săn mồi” cũng như xuất bản học thuật nói chung; hay các nghiên cứu trường hợp chiều dọc theo dõi sự phát triển về chất lượng và danh tiếng của một tạp chí (các thực hành kém chất lượng có thể đến từ các khó khăn do tạp chí đó đang trong giai đoạn khởi đầu). Đây sẽ là những gợi ý quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể tiếp tục tìm hiểu và phát triển những khung lý thuyết toàn diện hơn trong tương lai. 

Linh Chi tóm lược

Theo: EdLab Asia

Nguồn

Mills, D., & Inouye, K. (2020). Problematizing ‘predatory publishing’: A systematic review of factors shaping publishing motives, decisions, and experiences. Learned Publishing.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu về các yếu tố định hình động cơ đăng bài trên các tạp chí "săn mồi" tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19