Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Trong những năm gần đây, cùng với nhiệm vụ phát triển KT-XH, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm đầu tư nguồn lực, tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, sự tham gia của mỗi gia đình, cá nhân và cả cộng đồng trong việc nâng cao hiệu quả đảm bảo quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Tuyên truyền, giáo dục cho người dân ý thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Phổ biến sâu rộng Luật Trẻ em, các quyền cơ bản của trẻ em, những kiến thức về bạo lực trẻ em… nhằm nâng cao nhận thức của người dân, của phụ huynh, của những người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ về các vấn đề liên quan đến tình trạng bạo lực trẻ em. Trên cơ sở đó thực hiện tốt các quy định của pháp Luật về bảo vệ trẻ em và có các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với tình trạng này để phòng ngừa rủi ro cho trẻ em.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em đến tận xóm, ấp bằng nhiều hình thức như: thiết kế mẫu áp phích, hình ảnh và thông điệp về bảo vệ trẻ em, phát rong truyền thông tư vấn nhóm cho gia đình và trẻ em ở cộng đồng, trường học giúp mọi thành viên trong gia đình nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em, quan tâm chú ý đến trẻ em hơn.

Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em thông qua các hội nghị trực tuyến chuyên đề về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và phát thanh trực tiếp trên hệ thống loa đến xóm, ấp cộng đồng dân cư; tổ chức các lớp tập huấn về pháp luật bảo vệ trẻ em và kiến thức phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cho cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ, truyền thông tư vấn trực tiếp cho các hộ gia đình và tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề; truyền thông dưới cờ cho học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Tỉnh, tổ chức Hội thi kĩ năng an toàn trong môi trường nước với hình thức trực tuyến cho học sinh tham gia.

Tuyên truyền, vận động về những tác hại nguy hiểm của tai nạn thương tích đối với sức khỏe, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là đuối nước. Từ đó, các bậc phụ huynh có những biện pháp phòng tránh an toàn như: Làm hàng rào quanh nhà, cử người lớn trông trẻ thường xuyên, các vật dụng về điện, vật sắc nhọn, thuốc trừ sâu, nước sôi, bếp lửa,... phải để nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ, bố trí các vật dụng trong nhà sao cho an toàn cho trẻ, đặc biệt là phòng chống điện giật, cháy nổ.

Tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho chính quyền địa phương, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đầu tư, bố trí nguồn lực dành cho công tác trẻ em, đáp ứng được yêu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, theo định kì hàng tháng, theo chuyên đề, trực tiếp truyền thông tư vấn tại cộng đồng, lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm của đoàn thể, buổi sinh hoạt dưới cờ trong trường học và sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em…

Thứ hai, tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả của các mô hình“ngôi nhà an toàn”, “nhà lạm lánh” cho trẻ em. Khuyến khích và yêu cầu các gia đình có trẻ nhỏ phải đăng kí thực hiện “Ngôi nhà an toàn” với các tiêu chí như: Đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà, đảm bảo an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay trẻ em. đồng thời hướng dẫn gia đình biết cách làm cho ngôi nhà của mình an toàn hơn cho trẻ em. Mô hình này sẽ góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em, tiến đến “cộng đồng an toàn”, từng bước kiểm soát và khống chế tai nạn thương tích ở trẻ em một cách hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện mô hình “địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” tại cộng đồng nhằm hỗ trợ nạn nhân nơi tạm lánh khẩn cấp nhằm cách li và bảo vệ an toàn cho nạn nhân khỏi đối tượng gây bạo lực, chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn tâm lí cho nạn nhân, tư vấn pháp luật cơ bản để nạn nhân bảo vệ có quyền lợi hợp pháp của mình, hỗ trợ nạn nhân về gia đình khi đảm bảo an toàn… Bên cạnh đó mô hình này đã góp phần phát hiện, hỗ trợ can thiệp, ngăn ngừa kịp thời tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, giảm nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em.

Thứ ba, tăng cường công tác tiếp nhận, xử lí, can thiệp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bạo lực kịp thời. Tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lí thông tin và can thiệp, hỗ trợ kịp thời trẻ em bị bạo lực, xâm hại; giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước.

Chủ động tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lí nghiêm minh các vụ việc xâm hại trẻ em. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước và xâm hại trẻ em: về giao thông đường bộ, đường thủy... xử lí nghiêm, kịp thời các hành vi phạm quyền trẻ em. Những người gây bạo lực trẻ em phải được phát hiện kịp thời và có hình thức xử lí phù hợp. Các đơn vị liên quan cần xử lí nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục... Kiên quyết ngăn chặn, xử lí nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán trẻ em, nhất là trẻ em gái, xâm hại tình dục, tảo hôn; hỗ trợ trẻ em có yếu tố nước ngoài về pháp lí.

Thường xuyên triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường rà soát, phát hiện ngăn chặn, xử lí kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, bóc lột trẻ em.

Thứ tư, tăng cường truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em. Cung cấp các số điện thoại khẩn cấp như Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, số điện thoại của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp của tỉnh (0277) 8516171 để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thứ năm, triển khai các giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi. Ngoài công tác bảo vệ trẻ em, trong những năm qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chú trọng tới việc chăm sóc trẻ em, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoặc nhằm phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi; kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em; xây dựng quy trình tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; các cơ quan giám định pháp y ưu tiên giám định trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại trẻ em.

Tích cực huy động Quỹ Bảo trợ trẻ em để sử dụng vào mục đích hỗ trợ, giúp đỡ hàng ngàn trẻ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn khám chữa bệnh, phẫu thuật và chỉnh hình miễn phí, cấp học bổng cho trẻ em gia đình nghèo, tổ chức dạy nghề và tạo việc làm phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thứ sáu, phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học; giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho trẻ em đảm bảo có môi trường sống an toàn, thân thiện, có điều kiện phát triển thể chất và tinh thần, được học tập, tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh nhằm giảm thiểu các điều kiện phát sinh tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên...

Tăng cường công tác phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ không an toàn cho trẻ em và giám sát hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp hoạt động ngày càng hiệu quả. Tiếp tục duy trì phát huy hiệu quả dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em” và “Hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” do UNICEF hỗ trợ; tiếp nhận dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững về phòng, chống đuối nước cho trẻ em”…

Xây dựng, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình câu lạc bộ “Quản lí, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em”, “Nuôi con bằng sữa mẹ”...

Thứ bảy, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, gia đình, cộng đồng các kiến thức, kĩ năng thực hiện trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hướng dẫn để mọi người dân nhận thức được công tác Phòng, chống xâm hại trẻ em là trách nhiệm của tất cả mọi người, vì vậy cần phát hiện, tố giác kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; giám sát, trông coi trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi.

Tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em, các lớp tập huấn kiến thức, kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn cho các gia đình, người chăm sóc trẻ em về biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm hạn chế các yếu tố nguy cơ gây đuối nước trẻ em tại gia đình, cộng đồng. Hiệu quả mang lại không còn tình trạng trẻ em sau giờ học rủ nhau đến chơi gần môi trường không an toàn, giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, góp phần giảm số trẻ em bị đuối nước.

Thứ tám, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với trẻ em. Đặc biệt đối với các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, khu dân cư, khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lí.

Đồng thời tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thiếu niên, học sinh; xử lí nghiêm các trường hợp quảng cáo, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo người chưa thành niên sử dụng trái phép ma túy, hoạt động tội phạm về ma túy.

Thứ chín, phát huy chức năng, nhiệm vụ, nhất là nhóm thường trực bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở cơ sở, chú trọng việc lập kế hoạch hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. 

Các cấp, ngành chủ động xây dựng giải pháp cụ thể, thiết thực nhất để nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đặc biệt là ngăn ngừa tình trạng trẻ em yếu thế rơi vào nguy cơ bị xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước...

Kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy làm công tác trẻ em từ tỉnh đến cơ sở theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; đổi mới hình thức huy động Quỹ bảo trợ trẻ em để thu hút đủ nguồn lực thực hiện các chương trình, hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Phát huy và nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay trong công tác bảo vệ trẻ em; quan tâm chăm sóc y tế, dạy nghề và giải quyết việc làm phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các cấp, các ngành, cộng đồng, gia đình cam kết chung tay bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chủ động xây dựng nhiệm vụ và giải pháp mang tính trọng tâm, trọng điểm; báo cáo tổng thể để rà soát, thống kê định kỳ về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

 

Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp

Biên tập viên: Trương Văn Thạo

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tại chuyên mục Thông tin tuyên truyền của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn