Lớp học thông minh (smart classroom) và kĩ năng tư duy bậc cao của sinh viên

Lớp học thông minh (smart classroom) là mô hình đã thu hút được sự chú ý của các học giả và nhà giáo dục trên toàn cầu. Đã có báo cáo dự đoán rằng mô hình này sẽ được áp dụng trên quy mô rộng vào năm 2022.

Thuật ngữ “lớp học thông minh” dùng để chỉ lớp học được trang bị các công nghệ giáo dục cao cấp, nhằm cung cấp cơ hội cho sinh viên học tập và trải nghiệm trong các môi trường giáo dục hiện đại mà các lớp học truyền thống không thể đáp ứng được. Bốn đặc điểm chính của lớp học thông minh được các tác giả tổng hợp bao gồm: sự kết hợp giữa các không gian học tập “thực” và “ảo”, cung cấp thông tin và các công nghệ giao tiếp, tài nguyên học tập và hỗ trợ tương tác cho nhiều loại hình giáo dục khác nhau, cho phép lưu trữ, thu thập, tính toán và phân tích dữ liệu học tập của từng sinh viên, và tạo ra không gian mở mang đến cho người học tinh thần học tập thực sự.

Các nghiên cứu trước đó đã tìm hiểu một số khía cạnh tác động của mô hình lớp học thông minh tới động lực học tập của sinh viên, tính chủ động và kết quả học tập; tuy nhiên có rất ít nghiên cứu tìm hiểu về tác động của loại mô hình lớp học này đến kĩ năng tư duy bậc cao của sinh viên. Đây là kỹ năng được các nhà nghiên cứu xác định là “kĩ năng của thế kỷ XXI” - các kỹ năng thiết yếu mà giới trẻ cần tích luỹ phục vụ cho tương lai.

© associationofmbas

Các tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích mô hình toán học có cấu trúc để tìm hiểu mối quan hệ giữa những yếu tố chính tác động đến kỹ năng tư duy bậc cao của sinh viên trong mô hình lớp học thông minh. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng mẫu gồm 217 sinh viên đại học năm thứ nhất người Trung Quốc, đã học ít nhất 1 học kỳ trong một lớp học thông minh. Các sinh viên này được yêu cầu điền vào một bảng hỏi, được thiết kế để đo lường sự yêu thích đối với mô hình lớp học thông minh, những động lực học tập, chiến lược học tập, tương tác với bạn học và kỹ năng tư duy bậc cao của sinh viên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tương tác ngang hàng và động lực học tập là hai yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến kỹ năng tư duy bậc cao của sinh viên. Ngoài ra, các tác giả còn phát hiện ra mối quan hệ tác động gián tiếp giữa chiến lược học tập của từng sinh viên với kỹ năng tư duy bậc cao tương ứng của họ, thông qua yếu tố trung gian là sự tương tác ngang hàng. Ngoài ra, sự yêu thích/lựa chọn của sinh viên đối với mô hình lớp học thông minh cũng có tác động gián tiếp tới kỹ năng tư duy bậc cao của các em thông qua các yếu tố trung gian như: sự kết hợp giữa chiến lược học tập và tương tác ngang hàng, hay sự kết hợp giữa bộ ba yếu tố động lực học tập, chiến lược học tập và tương tác ngang hàng. Dựa theo các phát hiện trên, nghiên cứu đề xuất các giảng viên giảng dạy trong các lớp học thông minh cần tập trung tăng cường các tương tác ngang hàng giữa sinh viên, kích thích động lực học tập của các em, giúp các em tìm ra những chiến lược học tập mới, cũng như tìm cách tăng cường sự yêu thích của sinh viên với mô hình lớp học này, nhằm hướng đến cải thiện kỹ năng tư duy bậc cao của sinh viên.

Vân An lược dịch

Nguồn: Kaili Lu, Harrison H. Yang, Yinghui Shi, Xuan Wang (2021). Examining the key influencing factors on college students’ higher‑order thinking skills in the smart classroom environment. International Journal of Educational Technology in Higher Education, 18:1. DOI: 10.1186/s41239-020-00238-7.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Lớp học thông minh (smart classroom) và kĩ năng tư duy bậc cao của sinh viên tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19