Thuật ngữ phát triển chuyên môn giáo viên (viết tắt tiếng Anh là TPD) được phát triển từ những năm 1970, dựa trên ý tưởng về sự chuyển dịch trong quan niệm về bản chất của người giáo viên trên một số khía cạnh. Từ đây, giáo viên cũng bắt đầu được coi là những “người học” thay vì chỉ đơn thuần là “người lao động”. Trong các nghiên cứu trước đây, cách thức các giáo viên thể hiện những giá trị mà họ coi là quan trọng trong quá trình thực hành chuyên môn trở thành một trọng tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, thách thức trong việc khái quát, lý thuyết hoá vấn đề này trong phạm vi việc thực hành chuyên môn của các giáo viên vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, nghiên cứu này làm rõ các giá trị ẩn trong quan niệm của các giáo viên thông qua việc làm nổi bật sự tương phản giữa hai thuật ngữ “sự điều tra” (các hành vi được giáo viên thể hiện phản ánh các giá trị quan liêu tồn tại trong tâm thức của họ) và “sự dạo chơi” (thể hiện các giá trị mang tính “dân chủ” hơn trong cách thức các giáo viên tự định vị vị thế của mình).
Các tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp để xác định các chỉ báo về các hành vi thể hiện những giá trị ẩn của giáo viên. Nghiên cứu chủ yếu sử dụng các ghi chép thực địa của một giáo viên Việt Nam, ông Moi (tên đã thay đổi), trong đó mô tả những trải nghiệm và ý kiến của ông về các vấn đề xảy ra trong quá trình triển khai mô hình dạy học của Nhật Bản tại các trường học Việt Nam giai đoạn 2006-2009. Các ghi chép được viết năm 2009, bao gồm 43 tập nhỏ, mỗi tập gồm 1000-1500 chữ. Bên cạnh đó, các tác giả còn trực tiếp phỏng vấn ông Moi để có thêm thông tin chi tiết hơn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các giáo viên Việt Nam bắt đầu áp dụng các phương pháp mới để tiếp cận, chấp nhận và cuối cùng là chào đón các hiện tượng xảy ra trong phạm vi lớp học, suy ngẫm về thực trạng đó - quá trình này được gọi bằng một thuật ngữ khá lạ tai, “dạo chơi”. Các giáo viên có cơ hội trải nghiệm những quá trình, khả năng học tập, nhận thức rất khác nhau của mỗi học sinh - vốn là một yếu tố không được quan tâm trong các nghiên cứu “điều tra” trước đó. Sự “dạo chơi” của ông Moi đã bổ sung các giá trị mới trong quan niệm về chuyên môn của ông, đồng thời giúp bổ sung kiến thức và “cái tôi” chuyên môn của vị giáo viên này. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các tiết học cũng mang đến cho các giáo viên trải nghiệm quan sát chính bản thân mình, từ đó kích hoạt các thay đổi nội tại trong nhận thức của họ.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Atsushi Tsukui, Eisuke Saito (2018). Stroll into students’ learning: Acts to unload teachers’ values through the practices of lesson study for learning community in Vietnam. Improving Schools, 21(2), 173-186, DOI: 10.1177/1365480217717530.
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.