Giáo dục STEM là một trong những cách tiếp cận liên ngành về giáo dục, trong đó các khái niệm khoa học chủ chốt được tích hợp chặt chẽ với những ví dụ thực tiễn. Ở nhiều quốc gia, các lợi ích kinh tế - xã hội có được từ giáo dục STEM được cho là có các ứng dụng rộng rãi đối với cả những người làm việc trong và ngoài các lĩnh vực này.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra xu hướng gia tăng số lượng các nghiên cứu về giáo dục STEM trong nhiều năm vừa qua ở các nước phát triển. Tuy nhiên, tầm quan trọng của các nghiên cứu về giáo dục STEM tại các nước Đông Nam Á lại chưa được đề cập nhiều. Do đó, nghiên cứu của nhóm các tác giả Cao Thị Hà và cộng sự tập trung tìm hiểu thực trạng hiện tại của các nghiên cứu về giáo dục STEM tại các quốc gia Đông Nam Á thông qua các dữ liệu trắc lượng thư mục, được trích xuất từ cơ sở dữ liệu Scopus từ năm 2000 đến 2019.
Số lượng xuất bản hàng năm và giá trị trích dẫn tích lũy trong lĩnh vực STEM giáo dục ở ASEAN
Phương pháp trắc lượng thư mục được nhóm tác giả sử dụng bao gồm năm bước: Thiết kế nghiên cứu, Thu thập dữ liệu, Phân tích dữ liệu, Trực quan hoá dữ liệu và Diễn giải dữ liệu. Trong đó, bước Thu thập dữ liệu lại được chia làm ba bước nhỏ hơn là Thu thập dữ liệu, Lọc dữ liệu và Làm sạch dữ liệu. Kết quả là nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 175 công trình xuất bản thoả mãn các tiêu chí để tiến hành phân tích.
Mạng lưới hợp tác giữa các nước đối tác và ASEAN trong lĩnh vực giáo dục STEM
Từ các thống kê trắc lượng thư mục, nhóm tác giả khẳng định rằng nghiên cứu khoa học về chủ đề giáo dục STEM tại các quốc gia ASEAN đã có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 3 năm (từ năm 2017-2020), tuy nhiên sự phát triển đó lại không đồng đều giữa các nước. Hợp tác nội khối ASEAN trong lĩnh vực giáo dục STEM cũng chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả. Trong khi đó, các nghiên cứu về giáo dục STEM trong khu vực lại chủ yếu tập trung vào đối tượng học sinh, và các ngành được nghiên cứu chủ yếu là Khoa học Máy tính và Kỹ thuật - đều thể hiện sự chưa đầy đủ và toàn diện của các công trình nghiên cứu. Cuối cùng, nhóm tác giả đưa ra khuyến nghị các học giả ASEAN cần nâng cao chất lượng nghiên cứu của họ để đáp ứng các tiêu chuẩn của các tạp chí có thứ hạng cao trong lĩnh vực giáo dục STEM.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Cao Thi Ha, Trinh Thi Phuong Thao, Nguyen Tien Trung, Le Thi Thu Huong, Ngo Van Dinh, Tran Trung (2020). A Bibliometric Review of Research on STEM Education in ASEAN: Science Mapping the Literature in Scopus Database, 2000 to 2019. EURASIA Journal of Mathematics, Science and Technology Education, 16(10).
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.