Bắt đầu từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu quá trình Đổi mới về chính trị và kinh tế, từng bước mở cửa và hội nhập với thế giới. Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, với nền kinh tế mở và đang phát triển với tốc độ cao. Trong đó, giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, được xem là một trong những phương tiện quan trọng nhất để giúp đất nước hội nhập với nền kinh tế tri thức của thế giới. Các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học cũng đóng vai trò ngày càng cao trong sự phát triển chung của đất nước.
Nghiên cứu của hai tác giả Cuong Huu Hoang và Marianne Turner tìm hiểu về vị trí của các nhà khoa học Việt Nam trong nền tảng kinh tế - xã hội đang vận động không ngừng của quốc gia, đặc biệt là các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Việc sản xuất tri thức khoa học xã hội ở Việt từ lâu đã là ‘lãnh địa’ của các nhà khoa học quốc tế. Tính riêng trong nước, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhận được ít sự quan tâm hơn so với khoa học tự nhiên và công nghệ. Họ cũng gặp nhiều bất lợi hơn trong việc kết nối với cộng đồng nghiên cứu quốc tế. Ngoài ra, việc sản xuất các tri thức có liên quan tới Việt Nam thường được coi là những tri thức đến từ một quốc gia “nằm ngoài rìa” - nơi trình độ phát triển còn hạn chế. Do đó, các tác giả của nghiên cứu muốn khám phá vị thế của các nhà khoa học VIệt Nam, để tiếp cận vấn đề theo hướng từ dưới lên, lấy nhà nghiên cứu làm trung tâm thay vì hướng tiếp cận truyền thống ‘từ trên xuống’, hay lấy quốc gia làm trung tâm.
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp định tính để giải quyết vấn đề. Trong đó, nhà nghiên cứu tiếp cận và gặp gỡ 6 nhà nghiên cứu Việt Nam, mỗi người đều có những kết nối riêng với cộng đồng khoa học của mình, đại diện cho 3 nhóm đối tượng: nhóm các nhà nghiên cứu có thâm niên, kỳ cựu, nhóm các nhà nghiên cứu ở độ tuổi và kinh nghiệm trung bình và các nhà nghiên cứu trẻ tuổi, mới bước vào nghề.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy các nhà nghiên cứu khoa học xã hội tại Việt Nam định vị bản thân họ có sự liên kết chặt chẽ với đất nước nhưng theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, có 3 dạng quan hệ chính: quan hệ với một đất nước Việt Nam đặc biệt - với những điều kiện, hoàn cảnh kinh tế-xã hội rất đặc trưng, riêng biệt, quan hệ với mạng lưới cộng đồng các nhà nghiên cứu Việt Nam khác, và quan hệ với một Việt Nam được coi là còn nhiều hạn chế và cần học hỏi nhiều từ nước ngoài.
Thông qua việc tìm hiểu sự tự định vị của các nhà nghiên cứu, các tác giả phát hiện ra rằng, giới khoa học tại Việt Nam (lĩnh vực Khoa học Xã hội) đã có sự thoả hiệp trong việc sản xuất tri thức theo nhiều cách khác nhau tương ứng với thâm niên công tác của từng nhà nghiên cứu. Sự tự định vị này không phản ánh mối quan hệ hay sự ảnh hưởng từ giới khoa học phương Tây. Các nhà nghiên cứu trẻ thường có xu hướng tìm kiếm đề tài nghiên cứu từ bối cảnh một Việt Nam còn nhiều hạn chế và đang trên đà phát triển, khắc phục các điểm yếu. Các nhà nghiên cứu có thâm niên trung bình thường tự cho rằng bản thân họ có thể đóng vai trò người hướng dẫn cho các nhà nghiên cứu mới vào nghề khác, nhưng nếu muốn tập trung vào phát triển sự nghiệp nghiên cứu, họ không thể dành quá nhiều thời gian vào việc này. Nói cách khác, họ muốn đóng góp vào sự phát triển của nền khoa học Việt Nam với tinh thần trách nhiệm của một người Việt, nhưng điều đó lại ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp cá nhân của họ. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu lão thành thường đặt lợi ích quốc gia lên trước lợi ích cá nhân của họ. Đây là một nghiên cứu thú vị, mang đến một góc nhìn mới mẻ, tập trung vào những trải nghiệm hiện có của các nhà khoa học đương thời và sử dụng chúng làm cơ sở cho những tranh luận đã phổ biến từ trước đó, cho rằng Việt Nam vẫn còn là một quốc gia “đứng ngoài” trong chuỗi sản xuất tri thức của nhân loại.
Vân An lược dịch
Nguồn
Cuong Huu Hoang & Marianne Turner (2020). Framing Vietnamese scholars’ negotiation of knowledge production: a positioning perspective. Comparative Education, 56(4), 565-582.
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.