Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với tỷ lệ 85,3% (82.085.729 triệu người), còn lại là 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với tỷ lệ 14,7% (14.123.255 người). Tuy đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ thấp nhất trong mặt bằng dân cư cả nước nói chung nhưng được coi là phên giậu của Tổ quốc, đồng thời giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước. Trong những năm qua, hệ thống các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ, đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực nơi đây, đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thêm một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh tới việc cần thiết phải quan tâm đầu tư, phát triển hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi "Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách..."
CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI
Trên cơ sở chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời của Đảng, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có những chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Theo đó, nổi bật một số nội dung sau:
Chính sách đối với giáo viên, học sinh và cán bộ quản lý
Hiện nay, hệ thống chính sách phát triển giáo dục đối với vùng DTTS và miền núi đã được ban hành khá đầy đủ cho các nhóm đối tượng học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Các chính sách cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm chính sách học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người; chính sách tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh vùng DTTS, thực hiện chế độ cử tuyển đang được thực hiện.
Chính sách đối với học sinh, sinh viên vùng dân tộc, miền núi đã được triển khai đầy đủ và toàn diện ở các mặt. Về học bổng, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), trường dự bị đại học được hưởng học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng và được hưởng 12 tháng/năm theo Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 và Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi đi học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng (một năm học 9 tháng) để duy trì bữa ăn trưa tại trường theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 09/5/2018 của chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.
Học sinh bán trú cấp tiểu học, trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông là người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhà ở xa trường, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được hỗ trợ tiền ăn (40% mức lương tối thiểu chung) và tiền nhà ở (10% mức lương tối thiểu chung), hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Học sinh trường phổ thông DTNT, trường dự bị đại học còn được hưởng các chế độ hỗ trợ khác như: hỗ trợ tiền tàu xe nghỉ hè hoặc nghỉ tết; học phẩm; tiền điện nước, bảo hiểm y tế... (Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐTngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ GDĐT).
Hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên đối với sinh viên là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng theo Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Về chính sách miễn, giảm học phí, học sinh trường phổ thông DTNT, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; học sinh, sinh viên người DTTS rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trẻ em học lớp mẫu giáo 05 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Cũng theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được giảm học phí 70%.
Về trợ cấp xã hội, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn tập trung được trợ cấp 140.000 đồng/tháng.
Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh được triển khai theo tinh thần Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, HS, SV các DTTS rất ít người. Theo đó, hỗ trợ học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên 16 DTTS rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) học tại các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trung học sơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú, tùy từng đối tượng, được hưởng chính sách hỗ trợ về học tập hằng tháng từ 30% đến 100% mức lương tối thiểu chung.
Thực hiện chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Về chế độ, chính sách, sinh viên cử tuyển được hưởng học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu chung/sinh viên/tháng và được hưởng 12 tháng/năm, hỗ trợ thiết bị, hiện vật bằng 50% mức lương tối thiểu/SV trong suốt thời gian học tập.
Để đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh và cán bộ quản lý vùng dân tộc thiểu số được thực hiện đúng, đủ và hiệu quả, trong những năm qua, Chính phủ đã có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách của địa phương hết sức thường xuyên và kịp thời có chỉ đạo, định hướng. Trên cơ sở hệ thống chính sách đã ban hành của Chính phủ, các địa phương đã chủ động triển khai và vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Nhiều địa phương đã có chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viênvùng DTTS, giúp các em yên tâm bám trường bám lớp như Yên Bái, Hà Giang...
Chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn gồm có các chính sách về phụ cấp như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp vận chuyển mua nước ngọt và sạch, phụ cấp lưu động và một số phụ cấp khác, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp lần đầu, trợ cấp học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS, trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu.
Các chính sách hỗ trợ nói trên đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện được cuộc sống đối với nhà giáo, CBQLGD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giúp nhà giáo, CBQLGD yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính sách hỗ trợ nhà giáo, CBQLGD công tác ở vùng đặc biệt khó khăn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên, thu hút và tạo điều kiện cho nhà giáo, CBQLGD đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đóng góp công sức đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần để vùng này đạt các chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục. Các chính sách đối với nhà giáo, CBQLGD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn này đã khắc phục được những hạn chế của chính sách của giai đoạn trước đối với các trường chuyên biệt ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú), chính sách đối với nhà giáo ở vùng bãi ngang. Các địa phương đã chủ động, tích cực trong việc thực hiện các chế độ chính sách đối với nhà giáo, CBQLGD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các chế độ ưu đãi được chi trả đầy đủ và kịp thời.
Trẻ em dân tộc thiểu số học tập trong chương trình giáo dục song ngữ |
QUAN TÂM ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT PHỤC VỤ GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước với hệ thống chính sách đặc thù, cơ sở vật chất, mạng lưới, quy mô trường lớp phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước phát triển đáng kể. Mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp từ mầm non đến đại học. Đặc biệt, quy mô mạng lưới và chất lượng giáo dục trong các trường chuyên biệt được nâng lên. Trong khuôn khổ các chính sách cho DTTS và vùng miền núi và đặc biệt khó khăn, Nhà nước đã tập trung đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục tại các vùng này.
Trên cơ sở Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng DTTS, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tựớng Chính phủ phê duyệt, hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú đã được đầu tư thỏa đáng và củng cố rõ nét nhằm tạo thuận lợi cho sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao. Thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị cho các trường PTDTNT với tổng mức vốn là 641,707 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn đầu tư phát triển trung ương là 401,696 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 1.100 tỷ đồng); Hỗ trợ trang thiết bị, sửa chữa, cải tạo nâng cấp, mở rộng các hạng mục thiết yếu của các trường PTDTBT và các trường/điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có HSBT tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách Trung ương và địa phương; hỗ trợ hoạt động giám sát, đánh giá, triển khai Chương trình. Tổng mức vốn thực hiện là 4.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn sự nghiệp của ngân sách Trung ương là 3.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 1.000 tỷ đồng. (Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT).
*
Có thể nói, sau thời gian triển khai, hệ thống chính sách đã có tác động sâu sắc và rõ nét đối với thực trạng giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách đối với đồng bào vùng DTTS, miền núi đã được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi đã có những chuyển biến đáng kể: hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông hằng năm tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sư bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác tổ chức thực hiện chính sách giáo dục dân tộc đã tăng cường phân cấp cho địa phương; nội dung chính sách bao phủ, tác động toàn diện đến mọi đối tượng trong và ngoài ngành giáo dục như học sinh - sinh viên, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.
Nguồn lực thực hiện chính sách cũng hết sức đa dạng, ngoài ngân sách Trung ương cấp, chính sách giáo dục dân tộc đã xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực của nhân, huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Kết cấu hạ tầng cho giáo dục vùng DTTS từng bước được hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát kinh tế - xã hội từng vùng.
Ngoài sự tác động tích cực của hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước mang tính ổn định, bền vững, giáo dục miền núi còn được thụ hưởng sự đầu tư phát triển từ các Chương trình, Đề án, Dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn, sự ưu tiên hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội.
Thầy giáo Lý Chí Thành với 16 năm công tác tại huyện miền núi Quảng Trị, nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp tỉnh, là một trong 2 nhà giáo của tỉnh Quảng Trị được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương tại Lễ tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019”. Trong ảnh: Thầy giáo Thành trong một lần đi tặng quà em nhỏ vùng cao Quảng Trị. |
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như, hộ nghèo DTTS vẫn bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ giáo dục so với hộ nghèo nói chung và so với cả nước. Việc thực thi và giám sát việc thực thi chính sách chưa thực sự hiệu quả. Nhiều địa phương chỉ chú ý đến quy hoạch về số lượng mà chưa chú ý các điều kiện đảm bảo chất lượng, cơ sở vật chất ở hầu hết các trường phổ thông dân tộc bán trú chưa được chú trọng đầu tư xây dựng. Phòng ở nội trú cho HSBT, nhà bếp, nhà ăn tập trung phục vụ HSBT; các hạng mục công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng và công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt cho HSBT còn thiếu hoặc đã có thì chưa đảm bảo vệ sinh và an toàn cho HS. Nhiều trường PTDTBT vẫn chưa có nhà ở nội trú, HSBT vẫn phải ở trọ ngoài nhà trường hoặc ở xung quanh trường.
Thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ giáo dục ở cả người lớn và trẻ em của người nghèo còn tồn tại ở phần lớn các DTTS. Tình trạng người DTTS biết đọc, biết viết tiếng phổ thông chưa cao, có nhiều dân tộc hơn một nửa số dân mù chữ. Hiện có khoảng 14 tỉnh có đông đồng bào DTTS có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động không biết chữ rất cao như Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Ninh Thuận, KonTum, Gia Lai, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang. Điều này cho thấy việc xóa mù chữ cho người trưởng thành là một thách thức rất lớn với các DTTS.
Khoảng cách đến trường trung học phổ thông là tương đối xa đối với nhóm học sinh DTTS. Số liệu cho thấy trung bình một học sinh trung học phổ thông cần di chuyển qua quãng đường 17,6 km để đến trường. Khoảng cách trung bình gần nhất dưới 9,6 km trong khi khoảng cách xa nhất trung bình trên 23,3 km. Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên mầm non đang là một trong những vấn đề bức xúc. Vẫn còn 5,7% chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Mạng lười trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.
Một số chính sách ưu đãi về giáo dục dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nguồn cán bộ cho sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên người dân tộc thiểu số trong hệ thống còn thấp, chất lượng còn yếu kém. Nhiều tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi thiếu cán bộ giáo dục là người DTTS, nhất là cán bộ giỏi.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi ở một số địa phương có nơi còn hạn chế, thiếu quan tâm; các lĩnh vực đầu tư phát triển trong công tác giáo dục và đào tạo chưa đồng đều; công tác kiểm tra, giám sát có lúc chưa kịp thời, chưa đáp ứng các yêu cầu đề ra; cơ chế phối hợp giữa các ngành chưa hiệu quả và đồng bộ.
Việc tham mưu ban hành mới, điều chỉnh, sửa đổi các chính sách cho nội dung và chương trình giáo dục - đào tạo; cho người dạy, người làm công tác quản lý giáo dục - đào tạo, người học, và người dân... ở vùng DTTS, miền núi vẫn còn nhiều hạn chế như: chế độ chính sách khuyến khích giáo viên vùng khó khăn chưa được thực hiện triệt để. Thiếu biên chế cho giáo dục ở địa phương. Hệ thống các trường chuyên biệt chưa có biên chế nhân viên hành chính, do vậy công tác chăm sóc, bảo vệ HS gặp nhiều khó khăn. Một số chế độ, chính sách đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học và sinh viên DTTS hiện không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi hoặc ban hành mới. Đối tượng thụ hưởng chính sách trong Nghị định số 86/NĐ-CP của Chính phủ chưa phủ hết các đối tượng học sinh vùng sâu vùng xa mà chỉ tập trung vào đối tượng con nhà nghèo mới được hưởng. Nhiều địa phương còn chậm, muộn trong việc thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông xã, thôn đặc biệt khó khăn. Chế độ hỗ trợ cho sinh viên DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo còn thấp, sinh viên diện tuyển thẳng theo Nghị quyết số 30a chưa được hưởng chính sách học bổng, hỗ trợ học tập hoặc miễn giảm học phí. Chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên cử tuyển nên không bố trí được việc làm sau khi ra trường. Còn tồn tại việc thiếu đất xây dựng trường, có nơi phải sử dụng đất quốc phòng để xây dựng.
Một số chính sách chưa thỏa mãn yêu cầu thực tế, còn nhiều chồng chéo trong quá trình triển khai; ban hành nhiều chính sách nhưng hiệu quả chưa cao, chưa huy động được sự tham gia của toàn xã hội đối với giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số; một số chính sách đã ban hành nhưng không có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện hoặc nguồn kinh phí được phân bổ chưa kịp thời.
Trong những năm qua, chính sách về phát triển mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho giáo dục vùng cao đã được tăng cường. Tuy nhiên, hệ thống chính sách ấy chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của địa phương, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng DTTS, miền núi. Chính sách dồn dịch điểm trường gặp nhiều khó khăn do giao thông không được nâng cấp nhiều (còn tồn tại nhiều phòng học tạm, phòng học mượn và đi thuê, nhờ). Chương trình đầu tư lớn nhất cho giáo dục vùng DTTS là chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Tuy nhiên, quá trình triển khai diễn ra rất chậm do việc giải ngân vốn còn nhiều ách tắc.
TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ BAN HÀNH VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát việc ban hành các cơ chế chính sách phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định các đơn vị hành chính xã, huyện, tỉnh là những đơn vị hành chính thuộc vùng miền núi, vùng cao bảo đảm không bị chồng chéo. Sớm ban hành nghị định mới hợp nhất các văn bản quy định chế độ đãi ngộ, tránh việc triển khai chính sách chồng chéo, bất cập giữa các nghị định Chính phủ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục đang công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo hướng quy định rõ ràng, hợp lý về đối tượng, địa bàn, định mức cụ thể. (Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, ngày 23/02/2013 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).Tiếp tục chú trọng đầu tư các nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng được một cơ chế điều hành, kiểm tra, đánh giá gọn nhẹ và có hiệu quả khi thực thi các dự án.
Việc quan tâm, đầu tư cho giáo dục vùng DTTS&MN đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nơi đây |
Các bộ, ngành và địa phương cần chủ động và tích cực huy động cũng như sử dụng có hiệu quả cao các nguồn kinh phí trong nước và kinh phí hỗ trợ ở nước ngoài nhằm đáp ứng được các công việc cần tiến hành trong thời gian tới. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vùng cao nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh miền núi; tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất tạo cơ sở vững chắc để chuẩn hóa trường học vùng cao, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đồng thời là căn cứ để bố trí, sắp xếp, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục vùng cao. Tiếp tục rà soát các chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp với điều kiện, tình hình mới. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giáo dục dân tộc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng dân tộc thiểu số về vai trò quan trọng, cấp bách của sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng và phát triển xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân.
Củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, nhất là các trường của tỉnh, bảo đảm nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ cho miền núi. Chú trọng cải tiến chương trình dạy và học ở các trường này, gắn học với hành, tiếp thu ngay kỹ thuật mới. Có kế hoạch sử dụng toàn bộ số học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Tăng quy mô huy động trẻ ra lớp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, cũng như nghiên cứu phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Xác định rõ cơ chế trách nhiệm, phối hợp giữa cấp ủy chính quyền địa phương với các cấp quản lý giáo dục trong việc: điều tra, hoạch định phát triển giáo dục, thanh tra giáo dục, vận động gia đình, cha mẹ học sinh cho con tới lớp. Tận dụng vai trò của trưởng dòng họ, trưởng bản, các cán bộ đã nghỉ hưu trong việc huy động, giữ vững và phát triển số lượng học sinh tới lớp.
Đầu tư xây dựng "trường ra trường, lớp ra lớp", thực sự là trung tâm văn hóa, giáo dục ở địa phương.
Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo vùng cao đủ về số lượng, vững về chất lượng, có khả năng hòa nhập và phát triển tinh thần cộng đồng, thực sự là cốt cán của cộng đồng trên nhiều lĩnh vực. Chú trọng cải tiến nội dung, phương pháp dạy học đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi của đồng bào vùng cao trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội./.
TS. Đào Nguyên Phúc
Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề
Ban Tuyên giáo Trung ương
Nguồn tin: tuyengiao.vn