Một nghiên cứu về những băn khoăn của sinh viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục

Khi theo đuổi các mục tiêu cải cách giáo dục trong nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách giáo dục chủ yếu tập trung vào giáo viên, sự quản lý và cấu trúc trường học như là chìa khóa để giúp học sinh, sinh viên đạt được thành tích giáo dục cao hơn.

Trên thực tế chính học sinh và sinh viên đóng vai trò trung tâm, tương đương với các nhà giáo dục, trong việc giúp nâng cao thành tích giáo dục của các trường nói riêng và cả hệ thống giáo dục nói chung. Do đó, nhóm tác giả David P. Ericson,Frederick S. Ellett đã xem xét sự tương tác hợp lý giữa học sinh với hệ thống giáo dục và chỉ ra lý do vì sao một số lượng lớn học sinh lại không quá hào hứng và quan tâm đến mục tiêu và động lực của các cải cách. Đây là những động lực có được nhờ việc chúng ta đang nỗ lực để tạo dựng và phát triển cả hệ thống kinh tế và xã hội dựa trên giáo dục, trong đó coi trọng nhân tài.

Rõ ràng, hầu như không có ai đặt câu hỏi những “cải cách” thực sự là gì từ góc nhìn có phần lý tính, nếu không nói là đôi khi có phần vô trách nhiệm, chỉ tập trung vào quyền lợi của người sinh viên mà không chú ý đến những lợi ích chung của toàn hệ thống cũng như xã hội. Thật vậy, hệ thống kinh tế và xã hội dựa trên nền tảng giáo dục, quá coi trọng nhân tài sẽ khiến cho học sinh, sinh viên cuối cùng lại muốn trở thành những học viên bình thường hơn là trở thành những người thực sự nổi bật, xuất sắc. Cuối cùng, nhóm tác giả bình luận về ý nghĩa của "sự xuất sắc trong giáo dục" và chỉ ra lý do tại sao sự hiểu biết của các nhà cải cách giáo dục về mục đích của giáo dục công - để cạnh tranh trong hệ thống kinh tế toàn cầu - cuối cùng lại không thực sự nắm bắt được nó. Từ đó, nhóm tác giả chỉ ra các loại cấu trúc và chính sách giáo dục tạo ra nhiều con đường đa dạng, giúp sinh viên có nhiều cách để trở thành những người trưởng thành có năng lực trong tương lai, giúp họ có cơ hội hiện thực hóa những mục tiêu xuất sắc đã đề ra của các nhà cải cách trong hệ thống giáo dục. Nhưng đây là những cấu trúc và chính sách đang thách thức toàn bộ khuôn khổ khái niệm của phong trào cải cách giáo dục hiện nay.

Khi xem xét một cách nghiêm túc việc thực hành giáo dục, nhóm nghiên cứu cho rằng các nhà quản lý giáo dục và xã hội nên nghĩ về cải cách giáo dục trên phương diện làm thế nào để duy trì những ưu điểm truyền thống, vốn có của nền giáo dục truyền thống trước đó. Nói một cách đơn giản, chúng ta phải làm suy yếu (nếu không muốn nói là từ bỏ) nguyên tắc coi trọng và tạo cơ hội cho mọi người một cách khác biệt dựa trên trình độ học vấn (điểm, bằng cấp, và văn bằng, v.v.) của họ. Nói cách khác, nếu không còn tồn tại bất kỳ sự coi trọng, ưu tiên lớn nào trên khía cạnh kinh tế và xã hội đối với những người có trình độ học vấn cao hơn thông qua hệ thống giáo dục, thì giáo dục (thông qua hệ thống giáo dục) có thể theo đuổi một cách kiên định các giá trị nội tại và bên ngoài và phát huy những lợi ích giáo dục thuần túy. Hơn nữa, nếu bản thân trình độ học vấn không còn là yếu tố mang tính chất quyết định hơn đối với cơ hội sinh sống, làm việc, thì sẽ không còn có sự thúc ép đối với người trẻ phải hoàn thành một bậc học nào đó (chẳng hạn như trung học phổ thông hay đại học) thì mới có được cơ hội và cuộc sống tốt hơn sau này.

Tuy nhiên, trên một khía cạnh khác, việc mở ra những con đường mới (và trong một số trường hợp là mở lại những con đường cũ) để học sinh, sinh viên bước sang tuổi trưởng thành theo cách họ muốn sẽ đặt ra một loạt các vấn đề về cấu trúc của các chính sách kinh tế và giáo dục mạnh mẽ để thúc đẩy tầm quan trọng của những kinh nghiệm học tập thực tế khác nhau đối với thanh niên, một cách trực tiếp tại nơi làm việc của họ, bên cạnh các thiết lập xã hội khác. Cải cách giáo dục ở cấp độ vượt qua quy mô thông thường của hệ thống giáo dục như vậy chắc chắn sẽ không dễ dàng. Thật vậy, việc này đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của cộng đồng rằng giáo dục - dưới mọi hình thức và trong suốt cuộc đời - phải được coi là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời họ và không có sự phân biệt về tuổi tác hay loại hình giáo dục mà người dân hoàn thành.

Vân An lược dịch

Nguồn

David P. Ericson, Frederick S. Ellett (2002). The Question of the Student In Educational Reform. Education Policy Analysis Archives.

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Một nghiên cứu về những băn khoăn của sinh viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19