Về hiệu quả chính sách:
Nếu phải lựa chọn một chính sách nào của Nhà nước có tác động giúp thúc đẩy công bố quốc tế ở Việt Nam trong những năm qua thì tôi sẽ không ngần ngại “bầu” cho quy định về đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ý kiến của tôi có thể không đạt được sự đồng thuận của nhiều người khác khi cho rằng việc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc Gia NAFOSTED mới là “chất xúc tác” quan trọng nhất cho công bố quốc tế ở Việt Nam. Cá nhân tôi lại nghĩ vai trò của Quỹ NAFOSTED nên nhìn nhận ở góc độ khác. Quỹ NAFOSTED nên được xem như là “phát súng mở đầu” giúp giới khoa học Việt Nam lần đầu tiên có động lực từ Nhà nước trong việc xuất bản quốc tế. Nói cách khác, NAFOSTED chính thức đi vào hoạt động vào năm 2008 đã giúp đẩy giới khoa học Việt Nam qua “sức ỳ” để lần đầu tiên có những công trình quốc tế “100% nội địa” hoặc do “nội địa dẫn dắt” (thay vì phụ thuộc hoặc dựa quá nhiều vào hợp tác quốc tế như trước đó). Mức độ tác động của Thông tư 08 rộng hơn vì ở một mức độ nào đó, có thể coi Thông tư 08 là chính sách kiểu “publish or perish” (“xuất bản hay là lụi tàn” đầu tiên ở Việt Nam). Với Quỹ NAFOSTED, đây chỉ là một trong những nguồn cấp kinh phí nghiên cứu ở Việt Nam, vì vậy, nhà khoa học nếu không muốn xuất bản quốc tế sẽ hoàn toàn có thể tìm các nguồn kinh phí khác, ngoài NAFOSTED. Với Thông tư 08, lần đầu tiên chúng ta có một quy định mang tính chất bắt buộc mà tại đó: nghiên cứu sinh sẽ không thể được tốt nghiệp nếu họ không có công bố quốc tế; tương tự, giảng viên sẽ không thể trở thành giáo viên hướng dẫn nếu cũng không có đủ công bố quốc tế theo quy định. Tính chất “publish or perish” của Thông tư 08 mạnh hơn so với NAFOSTED là ở khía cạnh đó.
Ở đây, cũng cần phải dừng lại một chút đề bàn luận thêm về “publish or perish”. Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với Van Dalen và Henkens (2012) khi cho rằng, những chính sách khoa học theo kiểu “publish or perish” cũng có những nhược điểm, ví dụ như khuyến khích chạy theo số lượng thay vì chất lượng. Mặc dù vậy, tôi cũng lại cho rằng, với những nước đang ở mức độ sơ khai về hội nhập quốc tế trong nghiên cứu thì việc có những chính sách kiểu “publish or perish” như Thông tư 08 là vô cùng cần thiết. Trong một nghiên cứu mới công bố gần đây của chúng tôi trên Tạp chí Learned Publishing (Nguyễn Thị Thu Hà và cộng sự, 2021), chúng tôi đã chia quá trình hội nhập quốc tế về nghiên cứu tại Việt Nam thành 3 giai đoạn:
(1) 2008 trở về trước: giai đoạn vắng bóng các chính sách khuyến khích công bố quốc tế;
(2) giai đoạn 2008 – 2017: giai đoạn khởi động về công bố quốc tế; và
(3) giai đoạn 2017 đến nay: giai đoạn định hình và đẩy mạnh công bố quốc tế.
Có thể thấy 3 giai đoạn này được đánh dấu bởi 2 cột mốc quan trọng là 2008, gắn liền với việc Quỹ NAFOSTED chính thức đi vào hoạt động và 2017, năm Thông tư 08 được ban hành. Hình 1 dưới đây thống kê số CBQT từ Việt Nam theo 3 giai đoạn kể trên, được chúng tôi tổng hợp từ dữ liệu của Clarivate WOS. Dữ liệu từ hình này cũng minh họa khá rõ ràng 3 giai đoạn gắn liền với 2 mốc thời gian mà chúng tôi đã liệt kệ ở trên.
Hình 1. Công bố quốc tế từ Việt Nam giai đoạn 2000-2020
Dư địa cho phát triển
Thu hút “nhân tài” trở về
Với Việt Nam, mặc dù không có dữ liệu chi tiết nhưng tôi cho rằng sự bứt phá của kết quả công bố quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây, bên cạnh vai trò của chính sách nhà nước như đã trình bày ở trên, có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhà khoa học Việt trở về từ nước ngoài. Nói cách khác, làn sóng du học sinh Việt bắt đầu từ những năm 2000 đã bắt đầu tạo ra được những “trái ngọt” ban đầu. Đội ngũ nhà khoa học thế hệ 7X và 8X đang ở độ chín cả về sức khỏe lẫn chuyên môn đã đóng góp đáng kể những kết quả về công bố quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Xin điểm giới thiệu một số ít gương mặt tiêu biểu trong một số ngành: GS. Phạm Hoàng Hiệp (cựu du học sinh Thụy Điển, Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Ramanujan, Toán học, 8X), GS. Nguyễn Văn Hiếu (cựu du học sinh Hà Lan, Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Vật lý, 7X), GS. Phan Thanh Sơn Nam (cựu du học sinh Anh, Mỹ, Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Asian Scientist, Hóa học, 7X), TS. Nguyễn Việt Cường (cựu du học sinh Hà Lan, Top 5% kinh tế gia thế giới, Kinh tế, 7X) ….
Trong những năm sắp tới, chúng ta cần có một chiến lược bài bản trong việc phát huy đội ngũ nhà khoa học này. Trong bối cảnh Covid-19, khi công việc trong giới học thuật tại các nước phương Tây ít nhiều gặp khó khăn (ví dụ xem Langin, 2020), rất nhiều người Việt có thể sẽ không có công việc như ý như trước. Và đây chính là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu trong việc thu hút nhân lực trình độ cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về.
Vai trò của nhóm nghiên cứu
Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh là chiến lược được nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước triển khai từ vài năm nay với mục tiêu nâng tầm cả về số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học theo các chuẩn mực quốc tế. Một loạt các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng tại các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đã được thành lập trong những năm qua, như Đại học Quốc Gia Hà Nội (Thu Lương, 2014), Trường Đại học Thủy Lợi (Tiền Phong, 2020), Trường Đại học Phenikaa (Bích Ngọc, 2019), Trường Đại học Thành Đô (Đại học Thành Đô, 2020). Tính hiệu quả của mô hình tổ chức khoa học theo các nhóm nghiên cứu đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu trước đây, bao gồm: Bordons và Zulueta (1997) và Milojević (2014). Một khảo sát mới đây của chúng tôi với các đồng nghiệp trong lĩnh vực khoa học giáo dục (Trịnh Thị Phương Thảo và cộng sự, 2020) cũng cho thấy những yếu tố quan trọng nhất giúp công bố quốc tế là việc có thể hợp tác với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Nói cách khác, việc thành viên các nhóm nghiên cứu, để từ đó có các mối quan hệ hợp tác lại là yếu tố quan trọng nhất cho công bố quốc tế chứ không phải là việc có nguồn kinh phí hay trình độ tiếng Anh như nhiều người vẫn nói.
Đổi mới chương trình tiến sĩ trong nước
Thông tư 08 một mặt làm cho số lượng tuyển sinh mới tại các chương trình nghiên cứu sinh giảm đáng kể (Giáo dục và Thời đại, 2021), nhưng mặt khác lại chính là cơ hội cho các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam đổi mới chương trình tiến sĩ của mình chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, cũng đến lúc chúng ta cần xác định cần có những chương trình tiến sĩ có chất lượng “nội địa” và là một nguồn cung quan trọng nhân lực khoa học chất lượng cao, thay vì chỉ phụ thuộc vào đào tạo ở nước ngoài như trước kia. Bài học từ các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan … trong việc đổi mới chương trình tiến sĩ đạt các chuẩn mực quốc tế chắc chắn sẽ cho chúng ta những bài học kinh nghiệm đắt giá.
Theo quan sát của cá nhân người viết, những nước kể trên thường có một số biện pháp chung trong việc đổi mới chương trình tiến sĩ như sau: Hướng tới đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế; Giảng dạy bằng tiếng Anh và thu hút nghiên cứu sinh quốc tế; Cấp học bổng cho nghiên cứu sinh; Nghiên cứu sinh làm việc toàn thời gian, thường phải kiêm nhiệm thêm công việc giảng dạy; Gắn nghiên cứu sinh với các nhóm nghiên cứu trong trường; Yêu cầu công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc Clarivate/ Scopus như là điều kiện tiên quyết để bảo vệ.
Nghiên cứu liên ngành, đa ngành, xuyên ngành
Với khoa học thế giới, nghiên cứu liên ngành, đa ngành, xuyên ngành giờ đây đã trở thành xu hướng tất yếu, ai không bắt kịp thì phần nhiều sẽ dẫn đến tụt hậu. Điều này có nhiều lý do. Thứ nhất, các vấn đề đơn ngành khó và phức tạp hoặc là đã được các nhà khoa học tiền bối xử lý xong hết, hoặc là không thể xử lý được bằng cách tiếp cận đơn ngành nữa. Thứ hai, các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống bản thân đã mang tính chất liên, đa và xuyên ngành, vì vậy, khó có thể xử lý bằng cách tiếp cận đơn ngành. Vì lý do lịch sử, các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta, trừ một vài trường hợp cá biệt như 2 Đại học Quốc gia (có tiền thân là 2 Đại học Tổng hợp) chủ yếu là các trường đơn ngành. Đây là một lực cản đáng kể.
Gần đây, đã bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu cho thấy nhiều trường đang muốn phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực (Thu Hương, 2021), đó có thể xem là một tín hiệu tốt. Một số biện pháp khác thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, đa ngành, xuyên ngành có thể kể đến như: Ưu tiên cấp kinh phí cho các nghiên cứu liên ngành, đa ngành, xuyên ngành; Ưu tiên cho các nhóm nghiên cứu có thành viên đến từ nhiều ngành khác nhau; Đơn giản hóa các yêu cầu khi người học muốn chuyển ngành (từ đại học lên thạc sĩ, từ thạc sĩ lên tiến sĩ); Mở các chương trình đào tạo sau đại học có định hướng liên ngành, đa ngành, xuyên ngành.
TS. Phạm Hùng Hiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, Trưởng đại diện, Hiệp hội STARS Scholar tại Việt Nam
Phan Thị Thanh Thảo, Nguyễn Hương Linh và Nguyễn Linh Chi cũng có đóng góp cho bài viết này.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
Bordons, M., & Zulueta, M. A. (1997). Comparison of research team activity in two biomedical fields. Scientometrics, 40(3), 423-436.
Bích Ngọc. (15/05/2019). Trường Đại học Phenikaa ra mắt các nhóm nghiên cứu mạnh. VnExpress. Truy cập từ: https://vnexpress.net/truong-dai-hoc-phenikaa-ra-mat-cac-nhom-nghien-cuu-manh-3923390.html
Dal Maso, G. (2020). Fostering Chinese Talents Abroad: The Paradox of the Returnees (Haigui). In Risky Expertise in Chinese Financialisation (pp. 47-73). Palgrave Macmillan, Singapore.
Đại học Thành Đô. (01/12/2020). Reduvation – Nhóm nghiên cứu về khoa học giáo dục – mô hình phối hợp giữa Đại học và Viện nghiên cứu ngoài công lập. Truy cập từ: https://www.thanhdo.edu.vn/reduvation-nhom-nghien-cuu-ve-khoa-hoc-giao-duc-mo-hinh-phoi-hop-giua-dai-hoc-va-vien-nghien-cuu-ngoai-cong-lap
Giáo dục và Thời đại. (13/05/2021). Khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ: Nhìn thẳng thực tế để đào tạo thật. Truy cập từ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/kho-khan-trong-tuyen-sinh-dao-tao-tien-si-nhin-thang-thuc-te-de-dao-tao-that-20200604090642690.html
Langin, K. (2020). US faculty job market tanks. Science (New York, NY), 370(6514), 272-273.
Nguyễn Thị Thu Hà, Phạm Hùng Hiệp, Vương Quân Hoàng, Cao Quốc Thái, Đinh Việt Hùng & Nguyễn Đình Đức (2021). The adoption of international publishing within Vietnamese academia from 1986 to 2020: A review. Learned Publishing, 34(2), 175-186.
Mạnh Xuân & Giang Sơn. (14/05/2019). Phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường đại học. Nhân Dân. Truy cập từ: https://nhandan.com.vn/dien-dan-giao-duc/phat-trien-cac-nhom-nghien-cuu-trong-truong-dai-hoc-358544
Milojević, S. (2014). Principles of scientific research team formation and evolution. Proceedings of the National Academy of Sciences, 111(11), 3984-3989.
Thu Hương. (28/01/2021). Đại học đa ngành: Đích đến phải là chất lượng. Đại Đoàn Kết. Truy cập từ: http://daidoanket.vn/dai-hoc-da-nganh-dich-den-phai-la-chat-luong-551351.html
Thu Lương. (08/05/2014). Phát triển nhóm nghiên cứu trong trường ĐH – Xu thế tất yếu. VOV. Truy cập từ: https://vov.vn/xa-hoi/phat-trien-nhom-nghien-cuu-trong-truong-dh-xu-the-tat-yeu-325151.vov
Tiền Phong. (23/07/2020). Ra mắt 4 nhóm nghiên cứu mạnh. Truy cập từ: https://tienphong.vn/ra-mat-4-nhom-nghien-cuu-manh-post1258857.tpo
Trịnh Thị Phương Thảo, Trần Trung, Lê Thị Thu Hiền, Nguyễn Tiến Trung & Phạm Hùng Hiệp (2020). Factors impacting international‐indexed publishing among Vietnamese educational researchers. Learned Publishing, 33(4), 419-429.
Van Dalen, H. P., & Henkens, K. (2012). Intended and unintended consequences of a publish‐or‐perish culture: A worldwide survey. Journal of the American Society for Information Science and Technology, 63(7), 1282-1293.
Biên tập: Lương Ngọc
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục