Thực hiện CTGDPT mới: Phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ giáo viên cốt cán

Sau gần 1 năm học, việc triển khai chương trình GDPT 2018 và thay SGK lớp 1 tại Nghệ An cơ bản ổn định, thuận lợi, chuẩn bị lộ trình áp dụng đối với với lớp 2 và lớp 6.
Giáo viên cốt cán tỉnh Nghệ An tham gia tập huấn theo chương trình ETEP.Giáo viên cốt cán tỉnh Nghệ An tham gia tập huấn theo chương trình ETEP.

Có được sự chủ động này là nhờ công tác tập huấn giáo viên liên tục. Trong đó, đội ngũ cốt cán đã thực hiện khá tốt vai trò bồi dưỡng đại trà.

Tiên phong, thường xuyên trong hỗ trợ đồng nghiệp

Cô Nguyễn Thị Bảy (Trường Tiểu học Nhân Thành, Yên Thành, Nghệ An) là GV dạy giỏi tỉnh Nghệ An và là cốt cán của ngành giáo dục địa phương. Thời gian qua, cô là người được tham gia các đợt tập huấn chương trình GDPT 2018 môn Toán. Trở về trường, cô xây dựng chương trình môn học theo các mô đun đã được tập huấn.

Sau đó, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường, trong cụm về những nội dung trên cả trực tiếp và qua tài khoản trực tuyến. Cô cũng được lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ phối hợp xây dựng kế hoạch, phát triển tài liệu bồi dưỡng giáo viên đại trà của trường. Trong quá trình đó, những khó khăn, vướng mắc mà đồng nghiệp đưa ra sẽ cùng nhau được tháo gỡ.

Đội ngũ cốt cán hỗ trợ giáo viên đại trà phát triển tài liệu giảng dạy, xây dựng chương trình môn học

Cô Trần Thị Đa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhân Thành cho hay: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình năm học 2020 – 2021, đội ngũ giáo viên được tập huấn rất kỹ lưỡng. Bản thân tôi được Sở tập huấn về công tác quản lý. Theo lộ trình thay SGK, toàn bộ giáo viên dạy lớp 1 và lớp 2 của trường cũng được đào tạo, tập huấn đại trà. Về giáo viên cốt cán, đã được cử đi đào tạo trước và nắm vững khung chương trình, các mô đun đào tạo để hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn ở trường, giúp đỡ giáo viên khác trong công việc. Sắp tới, trường chúng tôi cũng được chọn làm điểm tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm của Phòng GD&ĐT Yên Thành.

Thực hiện chương trình GDPT 2018, các địa phương tại Nghệ An đã cử giáo viên cốt cán tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo theo Chương trình ETEP. Từ đó, hỗ trợ tập huấn lại cho giáo viên đại trà tại địa phương, liên tục, ngay tại chỗ. Ngoài ra, trong các đợt sinh hoạt chuyên môn tại địa phương, đội ngũ cốt cán được tiếp cận nội dung trước - có vai trò hướng dẫn, đánh giá, trao đổi kinh nghiệm với giáo viên đại trà trong dạy học chương trình mới.

Ông Phan Trọng Trung – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho hay: dạy học chương trình GDPT 2018 của địa phương còn gặp khó khăn xuất phát từ địa bàn miền núi cao, học sinh đa số là người DTTS. Nhưng Phòng luôn đặt nhiệm vụ chuyên môn lên hàng đầu. Trong đó, giáo viên cốt cán được cử đi bồi dưỡng, tập huấn theo từng môn, nhóm môn cụ thể. Đội ngũ này sẽ đóng vai trò chủ chốt về chuyên môn của môn mình phụ trách. Sau đó, trao đổi với nhau và tập huấn lại cho giáo viên đại trà, tháo gỡ khó khăn trong quá trình dạy học.

Tăng cường sinh hoạt chuyên môn

Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là một trong những đơn vị sớm triển khai sinh hoạt chuyên môn theo cụm về triển khai chương trình GDPT 2018. Đồng thời tổ chức dạy thể nghiệm 2 môn Toán – Tiếng Việt với sự tham gia của hàng trăm giáo viên đến từ 22 trường tiểu học trên địa bàn. Hoạt động dạy thể nghiệm có giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý dự giờ. Việc nhận xét thẳng thắn, tâm huyết, phân tích ưu điểm, hạn chế đã giúp giáo viên lớp 1 trên địa bàn rút kinh nghiệm trong dạy học.

Ông Hoàng Đình Sơn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho biết, sinh hoạt chuyên môn cấp huyện có mục đích hỗ trợ các trường triển khai có hiệu quả chương trình. Đặc biệt là chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nếu nắm chắc phương pháp, khung chương trình, thì với bất cứ đối tượng học sinh và môi trường học tập nào, giáo viên cũng cần linh hoạt để đạt chuẩn kiến thức kỹ năng bài học.

Sinh hoạt chuyên môn theo cụm tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An

Ông Phan Trọng Trung – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, Nghệ An cũng đánh giá, bản thân các giáo viên cốt cán đã là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên giỏi của các trường. Họ đã nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm giảng dạy, xử lý tình huống sư phạm và tổ chức hoạt động dạy - học hiệu quả. Vì vậy, quá trình tập huấn cho giáo viên đại trà sẽ thực tế, cụ thể như xây dựng kế hoạch dạy học và giảng dạy;  kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giảng dạy.

“Chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên trên cơ sở bám sát khung chương trình môn học, năm học để chủ động, linh hoạt nghiên cứu, tham khảo các bộ sách giáo khoa khác. Qua đó, tự xây dựng, bổ sung bài dạy đạt chất lượng hiệu quả; nghiên cứu lựa chọn, mạnh dạn thay thế các ngữ liệu chưa phù hợp trong SGK, đảm bảo kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình quy định...”, ông Phan Trọng Trung nói.

Ông Đào Công Lợi - Phó Giám Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá đội ngũ cốt cán có vai trò quan trọng trong thực hiện bồi dưỡng giáo viên đại trà. Giúp giáo viên có sự chủ động trong xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng lấy người học là trung tâm. Sở GD&ĐT Nghệ An cũng triển khai tổ chức hội thảo sinh hoạt chuyên môn dạy học SGK lớp 1 theo cụm Phòng GD&ĐT và cấp tỉnh. Thời gian tới hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên giúp giáo viên, nhà trường chủ động, tự tin tiếp cận chương trình GDPT 2018 và thay SGK theo lộ trình.
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại
Bạn đang đọc bài viết Thực hiện CTGDPT mới: Phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ giáo viên cốt cán tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn