Chuyển đổi số: 5 tác động đến lớp học

Chuyển đổi số trong trường học không phải là vấn đề liên quan đến sự đổi mới hay công nghệ, mà đó là câu chuyện về văn hoá. Thông qua việc số hoá trải nghiệm học tập, các giáo viên và học sinh đều có thể nâng cao kỹ năng của mình, với mục tiêu chung là tạo ra một chương trình học tập hấp dẫn và hiệu quả hơn. Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc bài viết của chuyên trang Acer for education với tiêu đề “5 ways Digital Transformation impacts on classrooms”.
1. Thúc đẩy bình đẳng số

Bình đẳng số trong giáo dục có nghĩa rằng tất cả các học sinh đều có thể truy cập vào các nguồn tài nguyên phục vụ học tập một cách dễ dàng với chi phí thấp hơn so với các phương thức truyền thống. Nhờ quá trình chuyển đổi số, sinh viên chỉ cần sử dụng một thiết bị - điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay - để truy cập nhiều loại nội dung khác nhau ở trường, ở nhà, bất kể họ ở đâu hay tình trạng kinh tế của họ như thế nào.

Nhờ chuyển đổi số, học sinh không cần phải đến thư viện để mượn những cuốn sách tham khảo nặng nề, chưa kể còn có nguy cơ cuốn sách họ cần đã bị người khác mượn trước. Thêm vào đó, học sinh sẽ không phải đau đầu trong việc chọn lựa xem nên mua và không mua những sách nào trong danh sách dài các giáo trình được giáo viên gợi ý. Ngoài ra, nội dung số thường có chi phí thấp hơn và có thể chia sẻ giữa các học sinh và giáo viên chỉ với một cú nhấp chuột.

Một điểm rất đáng lưu ý nữa là sự bùng nổ của các công cụ và nội dung mở và miễn phí, nhờ đó các trường học có thể cho phép các học sinh truy cập một cách bình đẳng vào các tài nguyên học tập, đồng thời tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bình đẳng số cho phép người học tiếp tục học tập khi đã trưởng thành mà vẫn có thể hoàn thành tốt các nghĩa vụ trong công việc hoặc gia đình.

2. Trải nghiệm được cá nhân hoá cho từng người

Việc triển khai quá trình chuyển đổi số trong trường học đồng nghĩa với việc mang đến cho học sinh những lợi ích của việc tuỳ biến và xây dựng các chương trình giảng dạy dựa trên công nghệ ‘dữ liệu lớn’. Ngày nay, các chương trình phần mềm đặc biệt có thể gợi ý cho người học tham gia các môn học phù hợp, dựa trên dữ liệu về những môn học mà trước đó họ đã hoàn thành, các điểm số tương ứng cũng như năng khiếu của từng người.

Các hệ thống này sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để đưa ra gợi ý về các khóa học phù hợp với sự quan tâm của từng sinh viên, đồng thời tư vấn cho họ về những môn học có xác suất đạt được điểm cao nhất. Bên cạnh đó, việc tuỳ biến chương trình học theo từng cá nhân giúp việc giáo dục trở nên hiệu quả hơn: các nhu cầu đặc biệt của học sinh sớm được ghi nhận và nhờ đó, học sinh sẽ nhanh tiến bộ hơn.

3. Tiếp cận người học từ khắp nơi trên thế giới

Các nền tảng học tập kỹ thuật số đang ngày càng phá vỡ các ranh giới địa lý và văn hóa, cho phép giáo viên mang kiến ​​thức ra ngoài phạm vi của một lớp học vật lý đến với các học sinh trên toàn cầu.

Học sinh, sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới có thể tham dự và đóng góp cho các bài học, hình thành các cuộc trò chuyện, giao lưu trên phạm vi toàn cầu, mang tới những quan điểm khác nhau về cùng một chủ đề, từ đó mang lại trải nghiệm giáo dục phong phú.

Phương thức “lớp học không đồng bộ” cho phép học sinh có thể “đi học" bất cứ khi nào họ muốn. Điều này mang lại cho các học viên sau đại học cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin nâng cao nhằm phục vụ cho luận án và các nghiên cứu của họ một cách kịp thời, đồng thời sinh viên đại học có thể nhận được nhiều lợi ích từ sự linh hoạt - một khái niệm hoàn toàn mới nếu so với nền giáo dục truyền thống - cho phép họ vẫn có thể theo dõi, cập nhật chương trình học ở trường đồng thời tham gia các trải nghiệm quan trọng khác như đi thực tập hoặc du học ngắn ngày ở nước ngoài.

4. Học tập theo các mô-đun

Một trong những tác động tích cực và mạnh mẽ nhất đối với giáo dục do chuyển đổi số mang lại là khả năng xây dựng các mô-đun học tập một cách nhanh chóng hơn. Các nhà giáo dục có thể chuẩn bị chương trình và bài giảng cho các môn học bằng cách sử dụng nội dung tốt nhất được phát triển trước đó bởi các đồng nghiệp công tác ở cùng khoa, thậm chí ở các trường hay viện nghiên cứu khác.

Nhờ vào khả năng “trích xuất kĩ thuật số" các nội dung giảng dạy, các nhà giáo dục có thể giải quyết được những khó khăn trong việc tạo ra các nguồn tài liệu học tập hiệu quả, đáp ứng nhiều nhu cầu về năng lực, độ khó, vai trò và cả nhu cầu của các khoa, các đơn vị giảng dạy, nghiên cứu khác. Hơn nữa, nhờ các công cụ kỹ thuật số, các nhà giáo dục có thể đo lường quá trình học tập của học sinh một cách hiệu quả nhất, điều chỉnh các mô-đun học tập trên các khía cạnh mới dựa trên những thông tin thu thập được.

5. Các nhà giáo dục chất lượng cao

Việc đào tạo giáo viên là tiền đề mang lại thành công của chuyển đổi số trong trường học. Điều này đòi hỏi các nhà giáo dục - những người cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh nhờ sử dụng các công cụ kỹ thuật số và muốn sử dụng chúng theo cách hiệu quả nhất mà không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào do công nghệ giáo dục mới mang lại - cần có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Các giáo viên có thể tham gia các cộng đồng học tập chuyên nghiệp trực tuyến để đặt câu hỏi và chia sẻ các mẹo và kinh nghiệm với đồng nghiệp, kết nối và thúc đẩy mục tiêu chung là tạo ra một tiêu chuẩn giáo dục chất lượng cao và tiến bộ.


Vân An lược dịch

Nguồn

Education Trends. 5 ways Digital Transformation impacts on classrooms. Acer for education

Lưu ý: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

 

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số: 5 tác động đến lớp học tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19