Khách quan, trách nhiệm
Sau thời gian tiếp cận, nghiên cứu và so sánh bản mềm của 3 bộ SGK lớp 2 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, Hội đồng chọn SGK của Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã hoàn thành báo cáo gửi Phòng GD&ĐT của quận. Kết quả, Hội đồng chọn SGK lớp 2 của nhà trường gần như chọn trọn bộ của bộ sách Kêt nối tri thức và cuộc sống.
Cô Huỳnh Thị Minh Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chỉ có SGK môn Thể dục, các thành viên của Hội đồng bỏ phiếu cho sách của nhóm Cánh diều. Theo như lý giải thì bộ dụng cụ dạy – học môn Thể dục mà các trường đang có là phù hợp nhất với nội dung cũng như thiết kế các hoạt động theo sách của nhóm Cánh diều”.
Kế thừa kinh nghiệm trong việc lựa chọn SGK lớp 1, các giáo viên đều cho rằng, ngoài thẩm định nội dung thì ngữ liệu chuẩn là một yếu tố quan trọng trong lựa chọn. Vì vậy, rất ít trường lựa chọn trọn bộ sách. Như SGK lớp 2 do Hội đồng chọn SGK của Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu) đề xuất được lựa chọn tử cả 3 bộ. Trong đó, môn Toán và Tiếng Việt từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; các môn còn lại được lựa chọn từ bộ Cánh diều và Chân trời sáng tạo.
Buổi học trải nghiệm giáo dục địa phương của HS lớp Hai trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)
Dù năm nay, quyền quyết định trong việc lựa chọn SGK không còn thuộc về các trường nữa. Tuy nhiên, theo ghi nhận, các trường đều phát huy tính trách nhiệm và sự chủ động trong tiếp cận, nghiên cứu để chọn sách ở cấp trường.
Cô Trần Thị Tường Vi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai cho biết: “Giáo viên vừa tiếp cận với bản mềm sách điện tử, vừa đọc bản giấy rồi góp ý từng nội dung dựa trên các tiêu chí: phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của TP, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học của nhà trường. Tổ trưởng chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo gửi lên Hội đồng SGK của trường để tiếp tục góp ý. Những sách không cùng ý kiến thì Hội đồng trường tiến hành bỏ phiếu và sắp xếp theo thứ tự để lựa chọn”.
Bài toán “Chuyển tiếp và kế thừa”
Kết quả lựa chọn SGK của các trường Tiểu học tại Đà Nẵng cho thấy gần như các trường đều đảm bảo tính kế thừa những gì đã đạt được trong việc lựa chọn SGK lớp 1 trong năm trước.
Ông Võ Trung Minh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà chia sẻ: “Sách giáo khoa được xây dựng trên chương trình khung, thành ra tất cả các bộ sách đều được xây dựng để thực hiện chương trình khung của lớp 2. Do đó, khi HS đã học xong lớp Một thì bất kỳ sách giáo khoa nào cũng kết nối được nếu sách đó đã được Bộ thẩm định rồi.
Chương trình lớp 2 đã có sự tiếp nối chương trình lớp 1, SGK chỉ là phương tiện để chuyển tải chương trình nên việc kế thừa không phải là vấn đề. Yếu tố kế thừa vì vậy không đặt ra mà là nghiên cứu trên các bộ sách đã được phê duyệt. Theo đó, sách phải đáp ứng các tiêu chí phù hợp với điều kiện dạy học, đặc điểm tâm sinh lý học sinh, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương mới là quan trọng”.