Stress và sức khoẻ tâm thần ở thanh thiếu niên: Yếu tố ảnh hưởng và khuynh hướng

Tạp chí Giáo dục trân trọng lược dịch và giới thiệu quý bạn đọc nghiên cứu của tác giả Björn Högberg với đề tài “Educational stressors and secular trends in school stress and mental health problems in adolescents”.

Stress từ lâu đã là một khái niệm quen thuộc trong đời sống của con người, được sử dụng để chỉ tình trạng căng thẳng tiêu cực về mặt tâm lý và sinh lý khi con người phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm hay những tình huống đòi hỏi phải nỗ lực để thích ứng hoặc vượt qua. Theo báo cáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần hay stress ngày càng tăng nhanh trong những thập kỷ qua, đặc biệt là ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Trước tình trạng đó, nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn tới stress ở độ tuổi này được thiết lập. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do áp lực đến từ việc mở rộng giáo dục hay sự ra đời, phát triển của nền kinh tế tri thức. Và đây cũng là chủ đề được tác giả đề cập đến trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Social Science & Medicine (thuộc nhà xuất bản Elsevier Ltd, Q1 Scopus, lĩnh vực Social Sciences Health).

Ảnh chụp bài nghiên cứu trên trang ScienceDirect

Mục đích của nghiên cứu này nhằm kiểm tra tính chính xác của giả thuyết về các yếu tố gây  căng thẳng trong giáo dục. Cụ thể, giả thuyết cho rằng việc mở rộng giáo dục và chuyển sang nền kinh tế tri thức khiến cơ hội phát triển của thanh thiếu niên phụ thuộc nhiều hơn vào kết quả học tập, do đó họ phải đối mặt với nhiều căng thẳng cũng như những vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần.

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên các dữ liệu từ cuộc khảo sát Hành vi sức khoẻ ở trẻ em trong độ tuổi đi học (HSBC), bao gồm hơn 150.000 thanh thiếu niên ở 33 quốc gia châu Âu trong 12 năm (2002 - 2014), kết hợp với dữ liệu về GDP bình quân đầu người của quốc gia từ OECD và kết quả học đại học của thanh thiếu niên từ Eurostat.

Thông qua phân tích và sử dụng mô hình phân tích đa tầng (multilevel analysis) cùng các dữ liệu thu thập từ các thảo luận nhóm tập trung, tác giả đã chỉ ra rằng mức độ căng thẳng của thanh thiếu niên châu Âu có nguồn gốc từ môi trường trường học đa phần là ổn định, nhưng từ năm 2002 đến năm 2014, ảnh hưởng của những căng thẳng này đối với sức khoẻ tâm thần của thanh thiếu niên có xu hướng ngày càng gia tăng. Sự thay đổi trên phương diện kinh tế nhưng không tính đến yếu tố giáo dục đã có những tác động tích cực tới mức độ căng thẳng ở trường học của thanh thiếu niên; đồng thời, sự song hành của những thay đổi kinh tế và sự mở rộng của nền giáo dục đã dẫn đến việc các vấn đề sức khoẻ tâm thần nảy sinh như một hệ quả tất yếu của những căng thẳng trong trường học. Do đó, những thay đổi về kinh tế và sự mở rộng của nền giáo dục có thể góp phần làm gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần ở thanh thiếu niên - tương đồng với giả thuyết ban đầu đặt ra.

Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu này còn có giá trị nhất định đối với những người làm quản lý, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách. Cụ thể, các kết luận giúp nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của sức khoẻ tâm thần của thanh thiếu niên ở trường học cũng như các yếu tố chính gây căng thẳng cho lứa tuổi này. Theo đó, tác giả cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải tập trung làm cho hệ thống giáo dục và thị trường lao động trở nên hoà nhập hơn đối với thanh thiếu niên. Ví dụ, các hệ thống giáo dục cần tạo điều kiện cho nhiều thanh thiếu niên tiếp cận với giáo dục đại học, từ đó giảm bớt tính cạnh tranh giành các “suất" trong trường học cũng như gánh nặng và sự ganh đua về điểm số. Bên cạnh đó, cần có một số giải pháp khác, chẳng hạn như mang tới cho các thanh thiếu niên những “cơ hội thứ hai” trong việc tìm trường, chọn trường, để góp phần làm giảm bớt căng thẳng trong trường học, bởi điều đó sẽ khiến học sinh không còn cảm giác rằng thất bại của ngày hôm nay sẽ gây bất lợi cho triển vọng tương lai của họ. Cuối cùng, Högberg còn khẳng định chương trình giáo dục nghề chất lượng cao có thể mang đến cho các lao động trẻ không có bằng đại học cơ hội tiếp cận công việc an toàn và nhận được mức lương cao, từ đó tạo ra môi trường lao động an toàn cho những học sinh không đủ điều kiện học tiếp lên các bậc học cao hơn.

Vân An lược dịch

Nguồn

Björn Högberg (2020). Educational stressors and secular trends in school stress and mental health problems in adolescents. Social Science & Medicine, 270, 113616.

Bạn đang đọc bài viết Stress và sức khoẻ tâm thần ở thanh thiếu niên: Yếu tố ảnh hưởng và khuynh hướng tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19