Đứng trước nhu cầu công bố rộng rãi những công trình chất lượng cao, ngang tầm quốc tế của Việt Nam cũng như các chính sách mới phù hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học, việc tìm hiểu và hướng tới phát triển một cơ sở dữ liệu truy cập mở quốc gia là hết sức cần thiết. Đây cũng chính là chủ đề được nhóm tác giả đến từ các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam đề cập đến trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Editing (thuộc nhà xuất bản Korean Council of Science Editors, Q3 Scopus, lĩnh vực Social Sciences Communication và Medicine Health Informatics).
Nghiên cứu chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích tài liệu để đánh giá các vấn đề có liên quan đến các cơ sở dữ liệu mở; dữ liệu được thu thập từ những thông tin đăng tải trên các trang web chính thức của các cơ quan như Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát Thư mục Tạp chí Truy cập Mở (DOAJ), công cụ tra cứu tài nguyên khoa học Google Scholar, các hệ thống chỉ mục trích dẫn quốc gia và cơ sở dữ liệu truy cập mở quốc gia của một số nước như Indonesia, Nhật Bản, Australia… để làm cơ sở so sánh, đối chiếu và đưa ra gợi ý cho Việt Nam.
Theo nhóm tác giả, hiện tại ở Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia nào được sử dụng làm nguồn tham chiếu cho hai trong số những cơ quan đánh giá chất lượng khoa học lớn nhất cả nước, tiêu biểu là Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Mặc dù trước đó, đã có một số cơ sở dữ liệu trong nước được phát triển và đi vào hoạt động như V-CitationGate hay Hệ thống Chỉ mục Trích dẫn Việt Nam (VCI); song chúng hầu hết mới chỉ ở giai đoạn đầu và chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức.
Từ các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đề xuất cần sớm xây dựng hệ thống đánh giá chính thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở Việt Nam, tương tự như các quốc gia như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc (hiện tại, các hệ thống đánh giá ở Việt Nam mới chỉ nằm tại các bộ, dẫn đến sự thiếu tính nhất quán trên quy mô quốc gia). Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở dữ liệu khoa học quốc gia cũng hết sức cấp thiết, do một số nguyên nhân: (i) đa số các nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam được viết bằng tiếng Việt, do đó cần có sự đánh giá của các chuyên gia người Việt; (ii) cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ đóng vai trò nguồn tham chiếu chính thức, giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh khoa học tại Việt Nam và; (iii) cần áp dụng một bộ tiêu chí thống nhất, hoàn chỉnh và phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam, trong khi vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Cơ sở dữ liệu khoa học truy cập mở quốc gia của Việt Nam sẽ có nhiệm vụ xuất bản và phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và hồ sơ của các nhà nghiên cứu trong nước. Hệ thống cũng có nhiệm vụ phân loại, sắp xếp, đánh giá các tạp chí, nhà xuất bản, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học… Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng cần xác lập thời gian biểu chi tiết cho việc phát triển và ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu này. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu truy cập mở quốc gia của Việt Nam cũng cần phải kết nối với các cơ sở dữ liệu truy cập mở khác trên thế giới, đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đề xuất cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng các tiêu chí sử dụng trong cơ sở dữ liệu này, cũng như có các chính sách nhằm khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam sử dụng, đóng góp và phổ biến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia một cách rộng rãi./.
Vân Anlược dịch
Tài liệu tham khảo
Loc My Thi Nguyen, Tien-Trung Nguyen, Thanh Thi Nghiem, Hien Thu Thi Le, Thao Phuong Thi Trinh, Thuan Van Pham, Thanh Chi Nguyen, Linh Khanh Hoang, Trung Tran (2020). Proposal for the development of a national open access database in Vietnam and comparison with other Asian countries’ national literature databases. Science Editing, 7(1), 55-60. DOI: https://doi.org/10.6087/kcse.190.
*Lưu ý: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục