Trong năm 2020, thực tế cho thấy rằng mọi người đa số đều quan tâm tới các vấn đề xã hội liên quan đến những thách thức mang tính toàn cầu, điển hình như thực trạng biến đổi khí hậu, bình đẳng chủng tộc, hay đại dịch COVID-19. Suy ngẫm về sự nghiệp của mình trong và xung quanh lĩnh vực khoa học xã hội, Ziyad Marar đã chỉ ra lý do tại sao trí tưởng tượng xã hội lại quan trọng hơn bao giờ hết ở thời điểm hiện tại, đồng thời trình bày 10 phương án trong đó hiểu biết xã hội đóng vai trò trọng tâm trong việc giải quyết những thách thức mà con người hiện đang phải đối mặt.
Tôi đã dành cả quãng đời trưởng thành của mình cho việc nghiên cứu các vấn đề trong và xoay quanh lĩnh vực khoa học xã hội.
Đặc biệt, sau cuộc bầu bán gần đây để trở thành Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, tôi đã suy nghĩ về những nguyên nhân tại sao khoa học xã hội có ý nghĩa đặc biệt đối với cá nhân tôi cũng như tại sao sự quan tâm của tôi đối với khối ngành này vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày hôm nay.
Những suy nghĩ này mang tính chủ quan của tôi. Bài viết này không nhằm mục đích “bênh vực ngành khoa học xã hội" hay đánh giá toàn diện về tác động của nhóm ngành này trong các lĩnh vực khác nhau. Ngay cả khi những người không nắm rõ về khoa học xã hội hỏi tôi về mục đích của ngành này, tôi nhận thấy bản thân mình vẫn đang suy nghĩ theo xu hướng ấy. Đó là quan điểm cá nhân về lý do tại sao tôi cho rằng những tưởng tượng về khoa học xã hội có thể mang lại lợi ích cho con người nói riêng và làm cho xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn nói chung, đặc biệt là vào thời điểm xã hội đang trải qua nhiều quá trình biến động và tái định hình.
Đối với tôi, điểm khởi đầu của bản thân chính là từ môn Tâm lý học con người, ngành học bậc cử nhân của tôi khi tôi còn theo học Đại học Exeter. Trong tuần đầu tiên với tư cách là sinh viên năm nhất, tháng 10 năm 1985, tôi đã gặp Steve Reicher, người được chỉ định làm trợ giảng năm nhất của tôi. Steve là một giảng viên “thuộc dòng máu mới" (người mới có nhiều ý tưởng độc đáo, góp phần giúp tổ chức phát triển) vào thời điểm ấy và chỉ một năm trước đó, anh ấy đã xuất bản được một bài báo chuyên biệt phân tích các cuộc bạo loạn ở Bristol vào tháng 4 năm 1980. Thông qua các cuộc thảo luận với Steve và các nhà tâm lý học khác trong khoa, tôi đã nắm được một số đặc điểm thuộc về bản chất con người. Mặc dù tôi không có ý tưởng cực đoan như Steve, người cho rằng “bản chất tự nhiên của con người là khả năng vượt qua chính mình", và sau khi tôi nắm được khái niệm cơ bản nhất về bản chất của con người - vốn lúc đầu thật khó hiểu và gây bối rối - tôi bắt đầu nhận ra chính thế giới tự nhiên này lại giàu đặc tính xã hội đến mức nào.
Nguồn: LSE
Mặc dù điều này nghe có vẻ hiển nhiên đối với nhiều người - tất nhiên chúng ta là loài động vật có tính xã hội, luôn hợp tác và học hỏi lẫn nhau - tuy nhiên, tôi cảm thấy khó có thể nhìn nhận bản thân theo cách đó một cách nhất quán. Và tôi đã nhận ra rằng không chỉ có tôi mới có suy nghĩ như vậy. Ngoài việc cho thấy bản chất của chúng ta mang tính xã hội sâu sắc như thế nào, khoa học xã hội cũng giải thích tại sao chúng ta không phải lúc nào cũng thừa nhận sự thật này. Khi không nhìn qua lăng kính khoa học xã hội, chúng ta (ít nhất là trong trường hợp người dân ở phương Tây) có xu hướng nhìn nhận bản thân và vị trí của mình trên thế giới là cá nhân đơn lẻ, biệt lập, tương tự như những con cá bơi trong bể mà không xét đến môi trường mà chúng đang sinh sống.
“Ngoài việc cho thấy bản chất của chúng ta mang tính xã hội sâu sắc như thế nào, khoa học xã hội cũng giải thích tại sao chúng ta không phải lúc nào cũng thừa nhận sự thật này”
Khái niệm “cá nhân” không phải là điều gì quá huyền bí. Đúng hơn, nó là một trong nhiều đặc tính, tất cả được định hình bởi các yếu tố lịch sử và văn hoá, có xu hướng được nhấn mạnh quá mức trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn có thể thấy điều này một cách khá dễ dàng. Chẳng hạn, cái được gọi là “lỗi ghi nhận cơ bản" khiến chúng ta đánh giá hành vi của một người nào đó và đưa ra lời giải thích quá vội vàng về chúng, bằng các đặc điểm tính cách của họ do chính chúng ta “tưởng tượng” và áp đặt lên cho họ, thay vì xem xét thấu đáo hoàn cảnh của người đó. Chẳng hạn, nếu ai đó cản trở khi tôi tham gia giao thông, tôi dễ dàng cho rằng người đó đã quá “ích kỷ”, thay vì cho rằng “có thể họ đang gặp trường hợp khẩn cấp".
Theo tôi, ý nghĩa quan trọng của khoa học xã hội chính là “cân bằng ngược” lại cái “hình ảnh tự thân” đó, để giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn. Khi nói đến sức khoẻ thể chất, chúng ta biết rằng những thứ chúng ta muốn và những thứ tốt cho bản thân chúng ta không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. Điều tương tự cũng đúng với cái gọi là “sức khoẻ xã hội” của loài động vật xã hội là chính chúng ta. Đối với tôi, con người sẽ đạt được lợi ích nhiều nhất nếu có được sự hiểu biết cân bằng hơn về hoàn cảnh và bối cảnh của cuộc sống của chúng ta; nhưng, vì rất nhiều lý do hiện đang được các nhà nghiên cứu quan tâm khám phá, chúng ta thường không làm điều đó một cách đầy đủ. Chẳng hạn, khuynh hướng được đề cập ở trên - rằng con người thường để ý đến đặc điểm cá nhân hơn là hoàn cảnh khách quan - có hậu quả sâu sắc đối với cơ hội phát triển của con người - cụ thể là thái độ của chúng ta với nhau - nếu không được kiểm soát.
Điều này cũng gợi ý rằng nhu cầu tìm hiểu, xem xét thêm về bối cảnh của một sự vật, hiện tượng có thể được mở rộng theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là 10 ví dụ về các khuynh hướng mà trong đó, trí tưởng tượng khoa học xã hội có thể giúp chúng ta cân bằng lại; mỗi khuynh hướng đều có ý nghĩa đạo đức hoặc chính trị nhằm giúp sắp xếp chính bản thân chúng ta và tổ chức lại xã hội một cách tốt hơn. Tuy vậy điều này không có nghĩa là chính mỗi khuynh hướng là một vấn đề hoặc chúng ta không thể đảo ngược nó trong những điều kiện nhất định, mà là trí tưởng tượng về khoa học xã hội đóng vai trò rất hữu ích trong việc giúp chúng ta thực hiện điều đó. Tôi đã chia 10 ví dụ này thành ba nhóm lớn:
Những khuynh hướng cho rằng chúng ta có nhiều quyền tự quyết hơn, kiểm soát hoàn cảnh nhiều hơn, ví dụ:
- Đánh giá một cách cảm tính. Nhờ vào “giả thuyết thế giới công bằng" và thậm chí là quan niệm về “chế độ nhân tài”, người ta thường có xu hướng đánh giá về mức độ trách nhiệm của một người nào đó trong xã hội theo hướng cho rằng người đó có trách nhiệm nhiều hơn so với thực tế. Vì thế, những người gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống thường sẽ bị đổ lỗi do nguyên nhân từ cá nhân họ, thay vì xem xét các yếu tố ngoại cảnh khác.
- Tìm cách sửa chữa mà không tìm cách phòng chống. Trong thực tế cuộc sống, việc “kết tội, bỏ tù một ai đó" bao giờ cũng dễ dàng hơn so với việc điều tra ngọn nguồn và đi đến tận cùng nguyên nhân của một hành vi phạm pháp. Đối với các biện pháp can thiệp y tế cũng vậy. Chúng ta thường sẽ chi trả nhiều tiền hơn để điều trị khi đã mắc bệnh rồi, hơn là dùng tiền đó để thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
- Ý thức hơn vô thức. Việc tập trung vào những suy nghĩ và cảm xúc rõ ràng, cụ thể và lập luận rằng bản thân có lý trí và khách quan trong việc đưa ra những lời phán xét bao giờ cũng dễ dàng; và trong quá trình đó, chúng ta thường sẽ bỏ qua các khuynh hướng tiềm ẩn, ít cụ thể hơn - điều đã được các nghiên cứu về thành kiến vô thức chỉ ra.
Và sau đó, luôn có nhiều người ủng hộ những thứ “gần" hơn là những thứ “xa", cho dù đó là phạm trù về mặt thời gian, không gian hay phạm trù xã hội, chẳng hạn như:
- Thích sự ngắn hạn hơn dài hạn. Hiện nay việc tiêu tiền bao giờ cũng dễ dàng hơn nhiều so với tiết kiệm để dành lúc về hưu. Tương tự như vậy, chúng ta cũng thường có xu hướng đánh giá thấp tầm quan trọng của biến đổi khí hậu đối với các thế hệ tương lai.
- Thích những thứ ở ngay trong tầm tay hơn là những thứ xa xôi. Chúng ta thường có xu hướng quan tâm đến tỷ lệ người mắc COVID-19 ở khu vực của chúng ta sinh sống hơn là ở những nơi xa. Thậm chí còn có bằng chứng về “hiệu ứng tiên tri", trong đó mô tả việc người ta thường nhận thấy những người hoặc đồ vật cụ thể nào đó hấp dẫn hơn chỉ bởi họ/chúng gần gũi với ta hơn.
- Thích “chúng ta" hơn thích “họ". Hiện tượng được gọi là “sự thiên vị nhóm" sẽ khiến chúng ta có xu hướng cảm thông với những người “giống chúng ta" hơn so với những người khác trong nhóm. Sự gia tăng mạnh mẽ của hiện tượng phân cực chính trị trong thời gian gần đây, từ vụ Brexit đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ vừa qua, đều chứng kiến sự xuất hiện của hiệu ứng này.
Chúng ta có xu hướng đơn giản hoá quá mức mọi thứ, ủng hộ những điều đã trở thành chuẩn mực trong một thời gian dài và sau đó tổng quát hoá, ví dụ như khi chúng ta thích…:
- Những thứ phổ biến, chiếm ưu thế hơn là những thứ thiểu số. Trong xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp trường hợp một người đàn ông trung lưu da trắng, cao ráo là người có uy quyền hơn hầu hết những người còn lại.
- Những ví dụ sinh động hơn là những dữ liệu thống kê thuần tuý.Mọi người thường sợ khủng bố và tai nạn rơi máy bay hơn là tai nạn giao thông đường bộ. Và bạn hãy nhớ câu nói này (được cho là của Stalin): Một người chết thì được coi là bi thảm, nhưng một triệu người chết thì chỉ là một con số thống kê trên giấy mà thôi.
- Những chuẩn mực, giá trị đã tồn tại từ lâu hơn là những cách giải thích mới. Để nói ra câu “Mọi thứ vốn phải diễn ra như vậy” thì dễ hơn là giải thích: Chuyện đó có thể được giải quyết như thế này và kết quả sẽ khác. Phần lớn những thứ được cho là bất biến trên thực tế đều do xã hội xây dựng nên.
- Những thứ đơn giản hơn là phức tạp. Khi phỏng vấn các chính trị gia, báo chí thường thích yêu cầu họ đưa ra câu trả lời “có hoặc không" cho các câu hỏi, thay vì những câu trả lời dài dòng, hoa mỹ. Nhiều vấn đề xã hội được xem là “nguy hiểm" và không phải lúc nào cũng có câu trả lời đúng hoặc sai rõ ràng.
Đó là một danh sách khá đơn giản, cho thấy phần nào điểm xuất phát của tôi ở lĩnh vực tâm lý học; tôi tin chắc rằng những nhà nghiên cứu khác (đến từ các ngành xã hội học, nhân học, khoa học chính trị…) sẽ chọn các ví dụ khác. Nhưng, tôi hy vọng điều đó cho thấy một thực tế rằng, chúng ta thường nghĩ mọi người có nhiều quyền tự do và tự quyết hơn họ thực sự có, hoặc có xu hướng thích những thứ gần gũi hơn là những thứ xa xôi, hoặc coi xã hội là một thực thể cố định thay vì có sự biến đổi không ngừng, đồng thời cản trở khả năng tiến bộ của con người về nhiều mặt.
Trí tưởng tượng khoa học xã hội giúp chúng ta “đặt một đối trọng lên bàn cân" để cân bằng lại những khuynh hướng trong tư duy kể trên. Điều này mở ra cơ hội điều chỉnh lại xã hội để phù hợp với bản chất xã hội của chúng ta, thay vì những quan điểm mang hơi hướng chủ nghĩa cá nhân như vậy. Trong khi đó, các chính trị gia, các hãng truyền thông - nhìn chung là những có người có quyền lực - và muốn nắm giữ nó - khai thác những khuynh hướng này; và khoa học xã hội cũng tiến hành phân tích điều đó.
Khoa học xã hội gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nên những kết quả đột phá bởi khối ngành này thường không đưa ra những câu trả lời và giải pháp rõ ràng cho các vấn đề nghiên cứu (xem lại luận điểm cuối của tôi ở trên). Nhưng như một nhà vật lý đã chỉ ra rằng, việc hiểu được những lý thuyết vật lý chỉ là trò trẻ con nếu so với việc hiểu được chính trò chơi của những đứa trẻ đó. Hiểu được bản chất của các phân tử cho phép nhà nghiên cứu khái quát hoá thành các quy luật và đưa ra những dự đoán một cách dễ dàng, nhưng để hiểu được về con người và văn hoá thì không đơn giản như vậy. Các vấn đề mà khoa học xã hội giải quyết rất phức tạp và thường không có câu trả lời đúng hoặc sai, chỉ có “tốt hơn" hoặc “tệ hơn". Và thông thường, những câu trả lời đó phụ thuộc vào kết quả của những phân tích ở các cấp độ khác nhau.
Tính phức tạp của khoa học xã hội phản ánh sự phức tạp của con người ở nhiều mức độ và quy mô. Ở cấp độ toàn cầu, các nhà khoa học nghiên cứu các cuộc chiến tranh và xung đột, di cư xuyên quốc gia, văn hoá và tôn giáo, hợp tác quốc tế và ngoại giao giữa các quốc gia.
Họ tập trung vào một quốc gia và nghiên cứu các hình thức tổ chức chính phủ và cách thức tranh giành quyền lực, cũng như cách thức hoạt động của nền kinh tế.
Nghiên cứu sâu hơn nữa vào các lĩnh vực chính sách, chúng ta có thể thấy các nhà khoa học xã hội đang tìm hiểu các vấn đề về tội phạm, người già, sức khỏe tâm thần, sức khoẻ thể chất, giáo dục, chăm sóc xã hội, ứng dụng công nghệ, phương tiện truyền thông, gắn kết xã hội, bất bình đẳng và bất công xã hội. Bạn sẽ thấy họ phân tích các tổ chức như công ty, đảng phái chính trị, trường học, nhà tù, thành phố, câu lạc bộ bóng đá, công đoàn và các hình thức tổ chức mô tả cách họ hoạt động và không hoạt động, chẳng hạn như lãnh đạo, phân biệt đối xử và quyền lực.
Đi sâu hơn nữa, chúng ta sẽ thấy các nhà khoa học xã hội còn tập trung nghiên cứu những hành vi liên cá nhân, dù chúng được đặt trong tổng thể của các nhóm xã hội hay các quan hệ xã hội. Khảo sát các hệ thống gia phả lớn còn không phức tạp bằng tìm hiểu về những sự khác biệt cá nhân và các trải nghiệm mang tính chủ quan của mỗi người (về tình yêu, sự cô đơn, căng thẳng, nghiện ngập, cảm xúc, trí nhớ, động lực), chưa kể có nhà nghiên cứu còn tìm hiểu về khía cạnh nhận thức, sự vô thức và nhiều thứ khác của con người.
Các cấp độ nghiên cứu này giao nhau và chồng chéo nhau, và việc nghiên cứu chúng dẫn tới việc khoa học xã hội có sự tương tác với các ngành khác, từ khoa học tự nhiên đến khoa học nhân văn.
Tác động và ảnh hưởng của những công trình nghiên cứu này thường có tính lan toả và lâu dài. Thông thường, chúng định hình các chuẩn mực hoặc khái niệm trong tương lai, tạo ra các dữ liệu và bằng chứng, và thông thường, nguồn gốc của một ý tưởng mới sẽ bị mất đi khi nó được áp dụng theo cách hiểu thông thường - khái niệm mà nhà xã hội học Robert Merton gọi là “sự xoá sổ thông qua kết hợp".
Tất nhiên, có những công trình khoa học xã hội chất lượng cao và chất lượng thấp, có công trình sâu sắc và có những công trình không đem lại kết quả đáng kể nào, và cũng có những công trình có tính ứng dụng cao bên cạnh những công trình trừu tượng - tương tự như tất cả các ngành khoa học khác. Cơ chế đánh giá tính uyên bác của một công trình nghiên cứu thường dựa vào mức độ tác động, ảnh hưởng và mức độ liên quan rất phức tạp của vấn đề nghiên cứu, và đôi khi những nguyên tắc bị phá vỡ một cách nghiêm trọng do sự tổng hợp của nhiều tác nhân đến từ những nỗ lực nhằm tạo ra danh tiếng học thuật trong môi trường giáo dục đại học của nhà nghiên cứu. Như nhà khoa học xã hội Garry Brewer đã từng nhận xét rằng “thế giới này có nhiều vấn đề, giống như trong các trường đại học có các khoa".
“Cơ chế đánh giá tính uyên bác của một công trình nghiên cứu thường dựa vào mức độ tác động, ảnh hưởng và mức độ liên quan rất phức tạp của vấn đề nghiên cứu, và đôi khi những nguyên tắc bị phá vỡ một cách nghiêm trọng do sự tổng hợp của nhiều tác nhân đến từ những nỗ lực nhằm tạo ra danh tiếng học thuật trong môi trường giáo dục đại học của nhà nghiên cứu.”
Nguồn
Ziyad Marar (2020). Why do we need a social imagination?. London School of Economics.
Vân An lượcdịch
*Lưu ý: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục