Cải cách giáo dục trên toàn thế giới dù là ở các nước phát triển hay đang phát triển đều hướng đến nội dung của các chương trình giáo dục và/hoặc thay đổi hệ thống giáo dục. Việc này diễn ra theo những con đường khác nhau và trong những bối cảnh kinh tế xã hội khác nhau đối với mỗi quốc gia theo đuổi cải cách giáo dục và Việt Nam là một ví dụ điển hình.
Công cuộc đổi mới kinh tế xã hội của đất nước, được gọi là Đổi mới từ cuối những năm 1980, đã đưa ra diễn ngôn về xã hội hóa. Cốt lõi của nó là ủng hộ sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng vào mọi lĩnh vực của xã hội. Chủ trương này đã chuyển nền giáo dục Việt Nam từ cơ chế nhà nước độc quyền sang đồng tạo dựng và đồng chi trả giữa nhà nước và nhân dân.
Từ cuối những năm 1990, xã hội hóa hệ thống giáo dục của Việt Nam tập trung vào việc đa dạng hóa trường học/các cơ sở giáo dục và áp dụng học phí ở cả khu vực công và tư. Các chủ thể tư nhân (cá nhân, hộ gia đình, tổ chức) được phép mở và điều hành các trường ngoài công lập (bán công, dân lập, tư thục).
Việc thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội này được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội học tập cho những người sử dụng giáo dục. Trong đó, những người thụ hưởng giáo dục phải đóng góp vào chi phí dạy và học. Điều này được coi là công bằng xã hội trong giáo dục.
Mặc dù xã hội hóa đã là tư tưởng trung tâm của quá trình Đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về ý nghĩa và tác động của nó.
Trong bối cảnh đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm đóng góp vào các cuộc tranh luận về cải cách bằng cách xem xét các diễn ngôn về xã hội hóa ở Việt Nam thông qua phân tích các văn bản của chính phủ và dư luận trên các phương tiện truyền thông khác nhau.
Các tài liệu thứ cấp trên về xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam đã nêu bật được thể chế hóa chính sách xã hội hóa giáo dục trong một chuyển động rõ ràng từ thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng sang hình thức tư nhân hóa. Việc thể chế hóa xã hội hóa giáo dục có một số tác động đến nền giáo dục của đất nước. Trong khi việc đa dạng hóa các trường học giúp cải thiện đáng kể hệ thống cung cấp giáo dục thì các chính sách học phí lại làm gia tăng chi phí học tập.
Nhìn chung, có một sự thay đổi trong quản trị giáo dục của Việt Nam. Với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", diễn ngôn về xã hội hóa trong công cuộc Đổi mới của Việt Nam tạo cơ sở cho quá trình tư nhân hóa trong lĩnh vực giáo dục của đất nước.
Việc tư nhân hóa giáo dục hiện nay có thể không phải là ý định của chính phủ trong những năm 1980 và 1990, nhưng chính nhờ sự ủng hộ của nhà nước với xã hội hóa giáo dục mà việc cổ phần hóa các trường công lập và sự phát triển của các trường tư nhân thu lợi nhuận có thể nhận được nhiều sự đón nhận của nhân dân hơn.
Bất chấp quyền lực và quyền kiểm soát của chính quyền trung ương đối với các tác nhân và nội dung giáo dục, các trường tư thục vẫn có tiếng nói trong việc xây dựng và vận hành các trường học mới cũng như cung cấp các dịch vụ giáo dục.
Mặc dù công cuộc xã hội hóa giáo dục nhấn mạnh đến luận điệu về sự tham gia nhiều hơn của công chúng vào giáo dục, nhưng việc thể chế hóa xã hội hóa giáo dục trong hơn 30 năm qua đã bị giảm xuống mức hạn chế chỉ còn tập trung vào phát triển trường tư thục và áp dụng học phí ở cả trường công lập và ngoài công lập.
Việc loại bỏ xã hội hóa giáo dục từ sự tham gia của cộng đồng sang hình thức tư nhân hóa đã tạo ra sự đánh đổi giữa các lý lẽ về cơ hội học tập và công bằng xã hội. Kể từ khi các hoạt động giáo dục trở thành một dịch vụ sinh lời dưới danh nghĩa xã hội hóa, học sinh từ các gia đình khá giả có nhiều khả năng hưởng lợi từ các cơ hội học tập và có khả năng lựa chọn bất kỳ dịch vụ nào họ muốn. Việc học sinh thuộc các gia đình nghèo và thu nhập thấp không thể tiếp cận các lợi ích của việc đa dạng hóa trường học là không phù hợp với mục tiêu bình đẳng cơ hội học tập cho mọi công dân như được mô tả trong Luật Giáo dục năm 2005, 2012 và Luật Giáo dục sửa đổi năm 2018.
Xã hội hóa giáo dục đến nay vẫn chưa thể hiện được ý nghĩa thống nhất rộng rãi của công bằng xã hội về quyền được tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người.
Các đánh giá về chính sách xã hội hóa giáo dục trong nghiên cứu này cho thấy vẫn còn cơ hội để hỗ trợ cho sự thống nhất về trách nhiệm và đóng góp hướng tới một khu vực giáo dục có sự tham gia, đồng tạo dựng và đồng tài trợ. Tuy nhiên, các hệ thống thực thi hiện tại đã bị trật bánh phần nào bởi khuynh hướng thị trường không đồng đều. Mục đích của Luật Giáo dục đã không được chuyển giao thành công hoặc không được công luận ủng hộ, khẩu hiệu không được thực hiện theo dự định. Các công việc theo đúng hàm ý của xã hội hóa và theo yêu cầu của cộng đồng cần phải được triển khai. Điều này đòi hỏi ở các nhà hoạch định chính sách một sự tin tưởng và lắng nghe nhu cầu công chúng về một nền giáo dục tốt hơn trong mọi lĩnh vực và dành cho mọi người dân.
Chi tiết nghiên cứu:
Dang Thi Kim Phung (2020). Innovations of education socialisation in Vietnam: from participation towards privatisation. Educational Philosophy and Theory, 52(11), 1173-1184.
Phương Thục lược dịch
Nguồn: EdLab Asia